Trung tâm các hành tinh nhỏ thuộc Liên đoàn Thiên văn Quốc tế xác nhận đã tìm thấy mặt trăng mới đầu tiên của sao Thiên Vương trong hơn 20 năm, và 2 mặt trăng mới xung quanh sao Hải Vương.
Trong đó, sao Thiên Vương là hành tinh thứ 7 tính từ mặt trời, và sao Hải Vương là hành tinh thứ 8.
“Bộ ba vừa được tìm thấy cũng là các mặt trăng mờ nhạt nhất từng được phát hiện quanh hai hành tinh khổng lồ băng nhờ vào các kính viễn vọng trên trái đất”, theo báo USA TODAY hôm 25.2 dẫn lời nhà thiên văn học Scott S. Sheppard của Viện Carnegie về Khoa học ở Washington (Mỹ), người góp phần phát hiện số mặt trăng trên.
Mặt trăng mới là mặt trăng thứ 28 được xác định của sao Thiên Vương, và sao Hải Vương giờ đây đã có 16 mặt trăng.
Các mặt trăng mới được tìm thấy bằng cách nào?
Nhà thiên văn học Sheppard đã quan sát những mặt trăng mới nhờ vào các kính viễn vọng ở bang Hawaii (Mỹ) và Chile.
Bộ ba mặt trăng di chuyển với tốc độ “rùa bò” so với mặt trăng của trái đất, với mặt trăng nhỏ hơn của sao Hải Vương mất đến 27 năm để hoàn tất vòng quay quanh hành tinh thứ 8 của hệ mặt trời. Đó là lý do giới thiên văn học mất nhiều năm mới nhận ra sự hiện diện của chúng.
“Do các mặt trăng này di chuyển quá chậm chạp so với các ngôi sao và những thiên hà ở đằng sau chúng, việc chụp ảnh đơn và phơi sáng lâu không phải là kỹ thuật lý tưởng để có thể ghi lại hình ảnh những thiên thể di chuyển”, chuyên gia Sheppard cho biết.
Khi xếp lớp nhiều ảnh chụp phơi sáng lâu với nhau, các ngôi sao và những thiên hà sẽ hiển thị dưới dạng những luồng sáng đằng sau. Những thiên thể chuyển động như sao Thiên Vương và sao Hải Vương được sử dụng là điểm gốc, cho phép tìm ra những mặt trăng mờ nhạt xung quanh chúng.
Các nhà khoa học cho rằng vẫn còn nhiều mảnh vụn mặt trăng xung quanh 2 hành tinh trên đến nay vẫn chưa được phát hiện.