* PHÓNG VIÊN: Nhìn lại năm 2023, ngành y tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ trưởng có thể cho biết rõ hơn?
– Bộ trưởng ĐÀO HỒNG LAN: Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, ủng hộ của người dân, cùng với cố gắng, nỗ lực, đồng lòng, nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ y tế mà năm qua, ngành y tế đã vượt qua được nhiều khó khăn, hoàn thành các nhiệm trọng tâm, góp phần tích cực vào thành công chung của đất nước. Trong đó, ngành y tế đã thực hiện vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu được Quốc hội giao (đạt 12,5 bác sĩ/10.000 dân; 32 giường bệnh/10.000 dân và 93,2% dân số tham gia bảo hiểm y tế ). Đồng thời, ngành y tế cũng thực hiện đạt và vượt 7/9 chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực được Chính phủ giao.
Đặc biệt, chúng ta tiếp tục khống chế được nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó dịch Covid-19 đã được kiểm soát và từ ngày 20-10-2023 đã chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Công tác phòng chống các bệnh không lây nhiễm ngày càng được chú trọng, quan tâm nhằm bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Đối với hoạt động khám chữa bệnh, toàn ngành đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế phục vụ nhân dân; đẩy mạnh triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, bác sĩ gia đình, khám chữa bệnh từ xa, nhiều kỹ thuật y học tiên tiến được chuyển giao xuống tuyến dưới, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên… Qua đánh giá cho thấy, tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế trên 90%.
Bộ Y tế cũng đã tập trung xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách để từng bước tháo gỡ các tồn tại, bất cập về mua sắm thuốc, vật tư y tế và vaccine; xây dựng cơ chế thanh toán chi phí khám chữa bệnh, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu; phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giải quyết các vướng mắc về thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) dịch vụ khám chữa bệnh và tăng cường vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành, cơ sở khám chữa bệnh trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT.
* Kết quả có được là nhờ những giải pháp chủ yếu, cụ thể nào, thưa Bộ trưởng?
– Thời gian qua, Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo, điều hành, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phòng chống dịch bệnh, chế độ chính sách, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế; kịp thời trao đổi, giải đáp các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, cơ sở y tế trên toàn quốc, người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về y tế. Cùng với đó, nhiều địa phương, cơ sở y tế cũng rất nỗ lực vượt khó, chủ động giải quyết các vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ được giao.
Bộ Y tế đã tập trung xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện thể chế, như đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và một số nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ liên quan tới công tác y tế xuất phát từ những bất cập của thực tiễn. Đồng thời, Bộ Y tế tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ những vướng mắc của ngành như: các quy định liên quan tới BHYT, dược, trang thiết bị y tế. Nhờ đó, ngành y tế đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, bảo đảm vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, cũng như tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
* Thưa Bộ trưởng, chúng ta đã có nhiều cơ chế, chính sách để tháo gỡ nhưng thực tế, ngành y tế vẫn đang đối mặt không ít khó khăn, thách thức?
– Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành y tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục giải quyết do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, đa dạng, nhưng mô hình bệnh tật lại có nhiều thay đổi, già hóa dân số nhanh và biến đổi khí hậu có tác động không nhỏ tới sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, dù hệ thống văn bản pháp luật đã được tích cực xây dựng, nhưng còn chưa đầy đủ, cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa. Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế cũng chưa thực sự bảo đảm yêu cầu đặt ra. Lĩnh vực công nghiệp dược, công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế. Hơn nữa, các chế độ chính sách ưu đãi đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động trong ngành y tế còn không ít bất cập.
* Bộ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn những định hướng phát triển của ngành y tế trong thời gian tới?
– Ngành y tế sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp và sự cố y tế công cộng, bảo đảm an ninh y tế, an toàn thực phẩm; tăng cường, đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở trong tình hình mới hướng tới thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ người dân tạo được sự hài lòng của người bệnh và triển khai quyết liệt chuyển đổi số ngành y tế; thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu sản xuất vaccine, thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế; nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, kiểm định thuốc, vaccine, sinh phẩm và trang thiết bị y tế…
Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2024 và những năm tới đối với ngành y tế rất nhiều. Chúng tôi luôn xác định trong toàn ngành cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao hơn nữa để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Tất cả cán bộ, nhân viên y tế sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, nêu cao y đức và tinh thần quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Để củng cố lại y tế cơ sở, y tế dự phòng và tăng cường sự quan tâm cho lĩnh vực này, Bộ Y tế đã xây dựng trình Ban Bí thư ban hành chỉ thị về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới; Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 99/2023/QH15 về “Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Đây là 2 văn bản rất quan trọng, mở ra định hướng phát triển mới cho y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Bộ trưởng ĐÀO HỒNG LAN
MINH KHANG