Mặt hàng chủ lực mang về hàng tỷ USD là nhà xuất khẩu đứng đầu thế giới; XK thuỷ sản đón tin vui đầu năm.. là những tin nổi bật trong điểm tin tuần từ 19-26.
Mặt hàng chủ lực mang về hàng tỷ USD mỗi năm, là nhà xuất khẩu đứng đầu thế giới
Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 1 năm 2024 đạt 65.142 tấn, tương đương 351,2 triệu USD, tăng nhẹ 3,3% về lượng và tăng 2,3% về kim ngạch so với tháng trước đó. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, nước ta xuất khẩu tăng đột biến 139,4% về lượng và tăng 126% về kim ngạch. Đây cũng là mức tăng trưởng mạnh nhất trong tất cả các mặt hàng nông sản.
Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 1 năm 2024 đạt 65.142 tấn, tương đương 351,2 triệu USD, tăng nhẹ 3,3% về lượng |
Giá xuất khẩu hạt điều trong tháng 1/2024 đạt 5391 USD/tấn, giảm nhẹ 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2024, đạt hơn 15,6 nghìn tấn, trị giá 81,7 triệu USD, tăng mạnh 116,5% về lượng và tăng 98% về kim ngạch so với năm 2023. Xếp sau là Trung Quốc và Hà Lan.
Đáng chú ý, Trung Quốc vẫn đang là thị trường nhập khẩu tích cực nhất trong những tháng qua. Cụ thể trong tháng 1/2024, xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc đạt 13.789, tương đương 78,3 triệu USD, tăng đột biến 698% về lượng và tăng 662% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xuất khẩu sang thị trường này trong tháng 1 đạt 5681 USD/tấn, giảm 4,47% so với cùng kỳ. Mức giá trên cao hơn 290 USD/tấn so với giá của toàn thị trường.
Việt Nam đang giữ vững vị trí số 1 thế giới 16 năm liền về xuất khẩu điều nhân khi chiếm tới gần 80% tổng sản lượng toàn cầu.
Xuất khẩu thuỷ sản đón tin vui đầu năm
Xuất khẩu thủy sản tháng 1 đạt gần 750 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Trung Quốc, Mỹ, Nhật, EU đều tăng mạnh.
Xuất khẩu thủy sản tháng 1 đạt gần 750 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái |
Về thị trường, tăng đột phá nhất là Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tăng gấp hơn 3 lần, trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Nhật. Riêng mặt hàng tôm và cá tra, Trung Quốc là thị trường lớn nhất trong tháng đầu năm 2024, khi xuất khẩu sang thị trường này tăng gấp gần 4 lần so với tháng 1/2023. Tháng 1 năm nay cũng là thời điểm các nhà nhập khẩu Trung Quốc tăng mua hàng phục vụ cho Tết Nguyên đán.
Các thị trường khác cũng có mức tăng tốt, trong đó xuất khẩu sang Mỹ tăng 63%, sang Nhật Bản tăng 43%, sang EU tăng 34%…
Các thị trường chính như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU đều tăng mạnh. Trong đó, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc cao gấp 3 lần, các thị trường còn lại 34-63%.
Nhóm ngành tôm, cá tra, cá ngừ, mực và thủy sản khác cũng đồng loạt tăng 45-100% so với cùng kỳ 2023.
Xuất khẩu khả quan trong tháng đầu năm, theo các doanh nghiệp, nhờ sức mua các thị trường truyền thống, như Trung Quốc, tăng cao dịp Tết Nguyên đán.
Xuất khẩu gạo tháng 1/2024 tăng trưởng mạnh
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024 cả nước xuất khẩu 512.265 tấn gạo, tương đương 362,26 triệu USD, giá trung bình 707,2 USD/tấn, tăng 4% về lượng, tăng 7% về kim ngạch và tăng 2,8% về giá so với tháng 12/2023; còn so với tháng 1/2023 thì tăng mạnh 42,6% về khối lượng, tăng 94,1% về kim ngạch và tăng 36,2% về giá.
Tháng 1/2024 cả nước xuất khẩu 512.265 tấn gạo |
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 53,6% trong tổng lượng và chiếm 39% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt gần 280.944 tấn, tương đương gần 194,28 triệu USD, giá trung bình 691,5 USD/tấn, tăng 7,8% về lượng, tăng 8,1% về kim ngạch và tăng nhẹ 0,3% về giá so với tháng 12/2023; so với tháng 1/2023 tăng mạnh 117,2% về lượng, tăng 201% về kim ngạch và tăng 38,5% về giá.
Tiếp sau đó là thị trường Pháp chiếm trên 5% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 17.919 tấn, tương đương 18,64 triệu USD, giá trung bình 1.040,2 USD/tấn, tăng mạnh 16.339% về lượng và tăng 18.356% về kim ngạch so với tháng 12/2023; trong khi tháng 1/2023 không xuất khẩu gạo sang thị trường này.
Thị trường Indonesia đứng thứ 3 đạt 27.256 tấn, tương đương 18,08 triệu USD, giá 663,3 USD/tấn, giảm 35,8% về lượng và giảm 29,3% về kim ngạch nhưng tăng 10% về giá so với tháng 12/2023; giảm 68,3% về lượng, giảm 55,8% kim ngạch và tăng 39,2% về giá so với tháng 1/2023, chiếm gần 5% trong tổng lượng và chiếm 3,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 351.286 tấn, tương đương 240,54 triệu USD, tăng 24,4% về lượng, tăng 66,2% kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 36.278 tấn, tương đương 24,32 triệu USD, tăng 84,4% về lượng, tăng 123,8% kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á đạt 341.006 tấn, tương đương 234,08 triệu USD, tăng 46,4% về lượng, tăng 103,7% kim ngạch.
Xuất khẩu sắn tăng trưởng kỷ lục gần 370%
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng đầu tiên của năm 2024, xuất khẩu sắn đã chứng kiến mức tăng trưởng kỷ lục. Cụ thể trong tháng 1, xuất khẩu sắn đạt 76.118 tấn với trị giá hơn 19,9 triệu USD, tăng 369,6% về lượng và tăng 340,8% so với tháng 12/2023. Đồng thời tăng mạnh 30,9% về lượng và tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Sắn là mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh nhất trong tháng đầu tiên của năm 2024. |
Như vậy, sắn là mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh nhất trong tháng đầu tiên của năm 2024.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 262 USD/tấn, giảm 15 USD/tấn so với tháng trước. Tính chung nhóm hàng sắn và các sản phẩm từ sắn đã thu về hơn 195 triệu USD, tăng 38,1% so với tháng trước đó.
Trung Quốc tiếp tục giữ vững vị trí nhà nhập khẩu sắn lớn nhất của Việt Nam. Tháng 1/2024, nước ta xuất sang Trung Quốc 401.945 tấn sắn và thu về hơn 183 triệu USD, tăng 48% về lượng và tăng 38% về trị giá so với tháng trước. Thị phần của Trung Quốc cũng đã tăng từ 91% trong năm 2023 lên 94% trong tháng đầu tiên của năm 2024.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 457 USD/tấn, giảm 6% so với tháng trước. Ngoài thị trường Trung Quốc, Việt Nam còn xuất khẩu mặt hàng này đến các quốc gia khác như Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Pakistan,…