TPO – Sở GTVT TPHCM cho rằng việc tháo dỡ cầu sắt Trần Khánh Dư trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè sẽ càng gây ra áp lực, ùn tắc giao thông cho các cầu và hệ thống giao thông lân cận.
Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM vừa có văn bản gửi UBND thành phố, báo cáo trả lời các kiến nghị của cử tri tại chương trình “Dân hỏi – chính quyền trả lời” tháng 1/2024.
Trước đó, tại chương trình “Dân hỏi – chính quyền trả lời” tháng 1/2024, cử tri kiến nghị lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Sở GTVT quan tâm đến độ tĩnh không thông thuyền của các cây cầu trong nội đô thành phố để các tàu dễ đi lại, thuận tiện phục vụ khách du lịch. Đồng thời, đề xuất xóa cây cầu sắt Trần Khánh Dư (quận 1) vì đã có cây cầu bê tông đã xây xong mấy năm nay.
Cầu Trần Khánh Dư bắc qua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè kết nối giao thông đường Hoàng Sa (quận 1) và đường Trường Sa (quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh). Ảnh: Tứ Quý |
Về đề nghị tháo dỡ cầu sắt Trần Khánh Dư, Sở GTVT cho biết, công trình này bắc qua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè kết nối giao thông đường Hoàng Sa (quận 1) và đường Trường Sa (quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh), đang được vận hành khai thác phục vụ lưu thông khu vực, chia sẻ lưu lượng giao thông (xe máy và người bộ hành) cho những cầu lân cận (cầu Bông, cầu Hoàng Hoa Thám, cầu Kiệu). Đồng thời, tuyến đường Trần Nguyên Đán kết nối cầu Hoàng Hoa Thám và đường Trần Quang Khải thường xuyên bị quá tải, ùn tắc giao thông giờ cao điểm.
“Do đó, việc tháo dỡ cầu Trần Khánh Dư sẽ càng gây ra áp lực, ùn tắc giao thông cho các cầu và hệ thống giao thông lận cận, đặc biệt là cầu Hoàng Hoa Thám, cầu Bông, cầu Kiệu, các tuyến Hoàng Sa, Trường Sa, Trần Quang Khải,…”- Sở GTVT TPHCM nêu quan điểm.
Liên quan đến việc nâng tĩnh không các cây cầu nội đô thành phố, Sở GTVT TPHCM cho biết hiện nay Sở Du lịch đang thực hiện kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy thành phố giai đoạn 2023 – 2025. Trong đó có tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc – Thị Nghè (tuyến du lịch thủy tầm ngắn, do Công ty TNHH Thuyền Nhiêu Lộc đang khai thác).
Trên tuyến thủy nội đô này có các cầu bắc qua được xây dựng từ rất lâu và có chiều cao tĩnh không thấp gồm cầu Thị Nghè 1, cầu Điện Biên Phủ 1, 2, cầu Trần Khánh Dư, cầu Lê Văn Sỹ. Tại vị trí các cầu đều có hệ thống cảnh báo, báo hiệu giao thông để đảm bảo vận hành lưu thông an toàn.
“Trong giải pháp thực hiện phát triển sản phẩm du lịch đường thủy trên, có nêu giải pháp cần nâng tĩnh không thông thuyền dưới cầu để đảm bảo phương tiện thủy hoạt động thông thoáng và an toàn (như cầu Trần Khánh Dư). Do đó, Sở GTVT sẽ phối hợp về giải pháp phù hợp khi Sở Du lịch tiến hành khảo sát và thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc – Thị Nghè, cũng như các tuyến đường thủy nội đô khác”- Sở GTVT TPHCM thông tin.