TP HCMTan làm, Lâm Tùng chạy xe thẳng đến chùa Ông trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 để tham dự lễ vay lộc dịp Tết Nguyên tiêu, chiều tối 23/2.
Khi đến nơi Tùng thấy quanh khu vực chùa đã chật kín người. Chùa Ông, hay còn gọi là Miếu Quan Đế hoặc Hội quán Nghĩa An, là nơi người Hoa gốc Triều Châu và người Hẹ duy trì tục lệ “vay lộc” hàng trăm năm.
Mọi người đến chùa sau khi lễ hết các điện thờ, xếp hàng tại nơi nhận lộc. Khác với nhiều chùa khác, tại đây khách hành hương không xin mà “vay lộc” gồm hai quả quýt xanh, còn nguyên cành, bao lì xì và giấy quế nhơn. Với nguyên tắc có vay có trả, người nhận sẽ đến trả lộc gấp đôi vào dịp Tết Nguyên tiêu năm sau.
Tùng ngụ quận 8, là người Hoa gốc Triều Châu, tiếp nhận tục lệ từ bố mẹ. Vài năm qua, anh đến chùa Ông một mình “vay lộc” với mong ước công việc hanh thông, có nhiều vận may.
“Mọi quy ước đều là lòng thành, dù bận tôi cũng sắp xếp thời gian đến chùa trả lộc năm ngoái”, Tùng nói.
Ban tổ chức tục “vay lộc” ở chùa Ông bố trí 20 tình nguyện viên làm nhiệm vụ lau chùi quýt, tránh bị gãy cành, xếp lộc vào túi cho người nhận.
Dịp Tết Nguyên tiêu, chùa mở cửa từ 6h đến khi vãn khách, đông nhất khung 18-21h. Một tình nguyện viên cho biết, Tết Nguyên tiêu năm nay rơi vào cuối tuần nên lượng khách tăng 10-20% so với năm ngoái.
Chị Trần Ly, 34 tuổi, chủ một cơ sở kinh doanh ở quận 5, mang túi quýt hai kg đến trả lộc ở chùa Ông, tối 23/2.
Là người Kinh nhưng từ năm ngoái chị Ly được người bạn gốc Hoa giới thiệu tục “vay lộc” nên đến cầu may. Dù nguyên tắc là trả gấp đôi nhưng năm nay chị vẫn mang túi quýt gấp bốn lần đến trả lộc đã vay. “Tôi cầu mong một năm mua bán thuận lợi”, Ly nói.
TS Nguyễn Thanh Phong, giảng viên khoa Văn hóa học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cho biết, tục “vay lộc” bắt nguồn từ nguyện vọng vay lộc cầu may của cộng đồng người Hoa vốn chuyên về thương mại dịch vụ.
Cùng với nhu cầu thu hút tín chúng mà lễ tục này ra đời và duy trì theo thời gian trong nhiều chùa miếu dân gian người Hoa. Họ tin rằng ngoài sự nỗ lực làm ăn của bản thân thì tài lộc còn do các vị thần linh chưởng quản ban phát cho.
Cụ thể là các vị thần thuộc nhóm thần tài vốn rất đông đảo như Tài Bạch Tinh Quân, Phước Đức Chánh Thần, Triệu Công Minh, Quan Thánh Đế Quân, Nhất Kiến Phát Tài…
Ông Phong cho rằng ẩn đằng sau lễ tục “vay lộc” là quan niệm về lòng biết ơn các vị thần đã ban phước lộc cho con người cũng như sự công bằng có vay có trả, tiếp nhận và cho đi, hướng đến đời sống ấm no tốt đẹp. Điều này khiến cho tín nhân văn của các lễ tục được duy trì, gìn giữ.
Ngoài ra, cộng đồng người Hoa sinh sống tập trung ở các đô thị, chuyên sống bằng nghề buôn bán và dịch vụ. Tục vay lộc thỏa mãn nguyện vọng về chuyện làm ăn được ổn định và khấm khá, giúp xua tan nỗi lo về những rủi ro và bất trắc xảy ra vì họ tin rằng luôn có thần linh phù trợ.
Về mặt tinh thần, phong tục này có ý nghĩa trấn an tâm lý và tạo niềm tin để họ phấn đấu phát triển sự nghiệp.
Tết Nguyên Tiêu từ chỗ là ngày lễ tiết truyền thống của người làm nông nghiệp, theo thời gian tiếp tục gia tăng những công năng mới để trở thành dịp “thỉnh lộc”, “vay lộc” để cầu mong buôn bán làm ăn thật trọn vẹn, viên mãn trong một năm mới.
Hoạt động Tết Nguyên Tiêu tại TP HCM diễn ra tấp nập nhất trong hai ngày 14 và 15 tháng giêng hàng năm, đặc biệt tại các cộng đồng dân cư quận 5 và khắp các hội quán người Hoa với các chương trình diễu hành, biểu diễn nghệ thuật ca hí kịch, múa lân sư rồng…
Ngọc Ngân