Đó là chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Bình Phương – phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – với Tuổi Trẻ bên lề tọa đàm “Từ bản lĩnh đến bản sắc của nhà thơ” vào sáng 24-2, nhân Ngày thơ Việt Nam, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).
Tọa đàm xoay quanh bản lĩnh của nhà thơ – thứ làm nên bản sắc nhà thơ.
Tại tọa đàm, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã đọc bài thơ Nói với mình và các bạn do Lưu Quang Vũ viết năm 1970, khi ông 22 tuổi, để nhắc lại chuyện bản lĩnh nhà thơ mà Lưu Quang Vũ đã nói từ mấy chục năm trước.
Trong bài thơ ấy có câu “Nhân dân có cần thơ của ta đâu”.
Nhìn vào cục diện xuất bản thơ “ế”, bạn đọc ghẻ lạnh thơ và chối bỏ thơ gần đây, có thể mượn câu thơ của Lưu Quang Vũ từ hơn 50 năm trước để đặt câu hỏi: Nhân dân có cần thơ không và đâu mới là thứ thơ mà họ cần?
Nhân dân thời nào cũng cần thơ
Nói với Tuổi Trẻ, nhà thơ Nguyễn Bình Phương (giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội cho tập thơ Buổi câu hờ hững) khẳng định nhân dân lúc nào cũng cần thơ, đặc biệt là dân tộc Việt Nam, một dân tộc có thơ ngay trong mã gene của mình.
Thơ đứng bên nhân dân từ thuở khai thiên lập địa, thơ vào lời ăn tiếng nói, thơ ra đồng ruộng cùng con người, động viên, khích lệ, xây dựng niềm lạc quan cho con người…
“Bây giờ con người tưởng nhiều thông tin nhưng rất cô đơn, tưởng nhiều loại hình nghệ thuật để thưởng thức nhưng thực ra cuối cùng thì quá nhiều cũng cô đơn. Nên thơ càng cần thiết, vì thơ là thứ nghệ thuật duy nhất thủ thỉ tâm sự với con người ở những góc riêng tư nhất”, ông Phương nói.
Ông khẳng định chưa bao giờ thơ bị “thất sủng” ở đất nước mình. Thực tế các nhà thơ ngày càng đông lên. Thơ không quảng bá ầm ĩ được như những loại hình nghệ thuật khác nên cảm giác thơ đang vắng mặt, nhưng thực ra thơ vẫn đang lặng lẽ ở bên từng người.
Dẫn ví dụ về việc nhân dân vẫn cần thơ, yêu thơ, ông Phạm Xuân Nguyên kể trong chuyến du xuân lên Hà Giang vừa qua, trong một buổi ngẫu hứng ở bản Lô Lô Chải dưới chân núi Lũng Cú, bên các bạn trẻ là sinh viên từ Hà Nội cũng đi du xuân, ông đã đọc trường ca Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.
Mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, vô cùng hào hứng. Sau đó, nhiều bản trẻ đã tìm tới ông nói lời cảm ơn vì đã đánh thức cảm xúc với thơ trong họ, giúp họ nhận ra thơ rất đẹp và họ yêu thơ ca – điều mà 12 năm học thơ, đọc thơ trong nhà trường phổ thông họ chưa kịp nhận ra.
Ông Nguyên nói hài hước trước câu hỏi nhân dân có còn cần thơ không rằng “đất nước ta có hẳn một thành phố mang tên Cần Thơ”. Ông đồng tình rằng nhân dân thời nào cũng cần thơ. Nhưng vấn đề là nhân dân cần thơ gì, có phải những tiếng thơ đang tràn ngập hiện nay?
Theo ông Nguyên, thứ thơ mà nhân dân cần ấy là thứ thơ thỏa mãn yêu cầu của họ, trong đó phải có những tiếng thơ nói lên tiếng nói xã hội mà hiện nay gần như chúng ta không có, điều mà Lưu Quang Vũ đã chỉ ra từ hơn 50 năm trước.
Cũng mượn lời thơ Lưu Quang Vũ, ông Nguyên nói nhân dân cần thứ thơ “dựng xây đời”, dựng xây tâm hồn con người, xây dựng bản lĩnh con người.
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương cũng đồng quan điểm. Ông nói thứ thơ nhân dân cần phải là thứ thơ mà khi con người ta bế tắc có thơ ở bên tâm sự với họ, khi họ phẫn uất thì thơ phải nói được nỗi phẫn uất, tâm tư, nguyện vọng của họ…
Đó phải là thứ thơ nói được lòng nhân dân, cho nhân dân lòng tin, sự hướng thiện trong lúc họ đang hoang mang trong một xã hội nhiều biến động do ở giai đoạn phát triển quá nhanh.
Bản lĩnh nhà thơ
Nói về bản lĩnh của nhà thơ, ông Phương chia sẻ tại tọa đàm, nhà thơ có bản lĩnh là người biết khước từ đám đông, khước từ những thứ thời thượng. Bản lĩnh đồng thời cũng là khả năng biết chấp nhận cái khác, giúp trường tiếp nhận của nhà thơ được mở rộng thì trường sáng tác cũng mở rộng.
Và bản lĩnh của nhà thơ ấy là dám nói lên tiếng nói trung thực của mình, dám nói lên những tiếng nói nóng bỏng nhất, gay gắt nhất, nhạy cảm nhất mà mình nghĩ cần phải lên tiếng. Nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng có nghĩa vụ, trách nhiệm phải nói lên được những tiếng nói ấy cho nhân dân mình.
Thơ ca có nhiều sứ mệnh, nhưng ông Phương nhấn mạnh đến hai sứ mệnh quan trọng là tính tiên báo và tính cảnh báo – những sứ mệnh đòi hỏi nhà thơ phải có bản lĩnh.
Bởi với hai sứ mệnh này, nhà thơ phải là người đầu tiên chỉ ra những rạn nứt trong tâm hồn, trong lý tưởng trên bề mặt tưởng chừng phẳng lặng của con người.
Cũng có nghĩa nhà thơ là người chỉ ra những hòn đảo lạc quan giữa vô vàn bế tắc của đời sống.
Tuy nhiên, ông Phương cũng lưu ý rằng bản lĩnh không phải là sự phá bĩnh mù quáng, sự cố chấp, bảo thủ. Bản lĩnh là sự tự tin vào tính thiện lương của mình.
Khi có bản lĩnh, nhà thơ sẽ chạm tới bản sắc. Và bản sắc không phải là những làm màu làm dáng mà chính là những cái máu thịt nhất được thể hiện ra chính xác, dũng cảm nhất.
Khi nhà thơ sáng tác có bản sắc là người ấy có đóng góp vào đời sống tinh thần cộng đồng nói chung và đời sống thơ ca nói riêng.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên định nghĩa bản lĩnh của nhà thơ là những người lầm lũi đi con đường của mình, không chạy theo phong trào, không cầu ai biết đến mình, kiên định một lối thơ riêng mà có thể là lối thơ ấy rất thách thức người đọc.
Ông ví dụ về những bản lĩnh thơ như Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường… Dù thừa nhận thơ hiện nay thiếu vắng những tiếng thơ xã hội, ông Nguyên cũng kể ra một số cái tên ông cho là bản lĩnh như Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Nhuận Cầm…
Trước câu hỏi nhân dân có còn cần thơ không, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói hài hước: “Đất nước ta có hẳn một thành phố mang tên Cần Thơ”. Nhưng vấn đề là nhân dân cần thơ gì, có phải những tiếng thơ đang tràn ngập hiện nay?
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương cho rằng nhân dân cần thứ thơ mà khi họ bế tắc, thơ ở bên tâm sự với họ; khi họ phẫn uất thì thơ phải nói được tâm tư của họ.