Lễ Khai ấn (giờ Tý đêm ngày 14 tháng Giêng) là nghi lễ quan trọng trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần truyền thống, gồm các hoạt động: từ 22h15 đến 22h40 thực hiện nghi lễ dâng hương, từ 22h40 đến 23h10 tổ chức nghi lễ rước Kiệu ấn từ Đền Cố Trạch sang Đền Thiên Trường, từ 23h15 thực hiện nghi lễ Khai ấn, dâng Chúc văn.
Trong không gian linh thiêng của lễ Khai ấn, trước ban thờ Trung Thiên, Đền Thiên Trường, các đồng chí lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo tỉnh đã thành kính dâng hương tưởng nhớ tổ tiên nhà Trần, tri ân công lao to lớn của các vị Vua Trần và Đức Thánh Trần – Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, thể hiện sâu sắc truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; qua đó động viên cán bộ và nhân dân trong tỉnh tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông, ra sức phấn đấu học tập, lao động, sáng tạo, cống hiến tài năng, tâm sức, trí tuệ để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Từ 5h ngày 15 tháng Giêng, Ban Tổ chức sẽ tổ chức phát ấn cho người dân và du khách ở 4 địa điểm: Nhà Giải vũ tại Cung Thiên Trường, Đền Cố Trạch và Nhà trưng bày tại Cung Trùng Hoa. Ngày 16 tháng Giêng (25/2) tổ chức tế, lễ Tết Thượng nguyên tại Đền Cố Trạch và làm lễ dâng Chúc văn hoàn cung.
Lễ Khai ấn Đền Trần đầu Xuân với ý nghĩa nhân văn to lớn là cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn Đền Trần – “Tích Phúc Vô Cương”, ý nghĩa mong muốn muôn dân, bách gia trăm họ giữ gìn gia phong, kỉ cương, đạo đức, tích phúc đủ đầy thì lộc hưởng mới bền vững. Tục lệ này không chỉ mang đậm giá trị nhân văn mà còn có ý nghĩa giáo dục lịch sử, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Theo Ban tổ chức, nét mới của Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân năm 2024 là tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi như: Biểu diễn trống hội cà rùng; chơi cờ bỏi; tổ tôm điếm; múa lân – sư – rồng; thả diều sáo; hát Chèo; hát Văn; hát Xẩm; múa rối nước; tổ chức Chương trình “Mùa Xuân thượng võ”, biểu diễn võ thuật, thi đấu vật; các chương trình nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh; trưng bày triển lãm sinh vật cảnh, giới thiệu các sản phẩm OCOP Nam Định; triển lãm “Hành cung Thiên trường – Dấu ấn vàng son”, triển lãm “Ảnh đẹp du lịch Nam Định”…
Cùng với việc tổ chức đa dạng các hoạt động văn hoá văn nghệ, để tạo không gian rộng rãi cho Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm nay, chính quyền thành phố cũng đã di chuyển toàn bộ các ki-ốt trưng bày, triển lãm, dịch vụ sang sân Quảng trường Đông A khu trung tâm lễ hội Trần. Từ đó, tạo không gian thông thoáng cho khu vực khuôn viên Đền Trần, đảm bảo uy nghiêm, tránh tình trạng du khách đi lễ, tham quan phải chen lấn, xô đẩy như mọi năm.
Theo ước tính của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định trong dịp Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Giáp Thìn 2024 có khoảng 170 nghìn lượt khách tới tham quan, du lịch; công suất buồng phòng dành cho khách lưu trú dài ngày tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Nam Định đạt từ 70-80%, một số khách sạn đạt 100%.
Để đảm bảo an ninh, an toàn cho Lễ hội năm nay, Nam Định đã huy động hơn 2.500 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên các lực lượng tham gia đảm bảo an ninh trật tự chia thành 5 vòng, trong đó trực tiếp 4 vòng tại khu vực Đền Trần với gần 40 chốt bảo vệ, không để xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, mất an toàn trong lễ hội.