Quy định mới sẽ có hiệu lực từ 10/4/2024. Điểm đáng chú ý tại quy định mới là sự thay đổi về cơ quan cấp thẩm quyền chấp thuận, công bố đóng, mở vùng hoạt động tại các vùng.
Cụ thể, Nghị định mới quy định, Sở Giao thông vận tải (GTVT) chấp thuận hoạt động vui chơi giải trí dưới nước tại vùng 1.
Trong khi theo quy định cũ, thẩm quyền chấp thuận hoạt động tại vùng 1 được phân chia trách nhiệm: Trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có thẩm quyền; Trên tuyến đường thủy nội địa địa phương thuộc thẩm quyền của Sở Giao thông vận tải và trên vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải thuộc thẩm quyền của Cục Hàng hải VN.
Đối với thẩm quyền thỏa thuận, công bố mở, đóng vùng hoạt động tại vùng 2, Nghị định mới quy định Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp huyện) (quy định cũ UBND cấp tỉnh) thực hiện thỏa thuận, công bố mở, đóng vùng hoạt động tại vùng 2.
Trước khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng, chủ đầu tư liên hệ UBND cấp huyện để thực hiện thỏa thuận về địa điểm, quy mô, biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường. Việc đầu tư dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng.
Theo Nghị định 48/2019, vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước gồm 2 vùng:
Vùng 1 là vùng nước trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải.
Vùng 2 là vùng nước khác không thuộc vùng 1, được đánh dấu, xác định vị trí bằng phao hoặc cờ hiệu có màu sắc dễ quan sát.
Về cơ quan đăng ký phương tiện, UBND cấp huyện (quy định cũ UBND cấp tỉnh) tổ chức thực hiện, quản lý việc đăng ký, quản lý phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước thuộc diện phải đăng ký theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
UBND cấp xã thực hiện quản lý phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước được miễn đăng ký.
Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa VN, Cục Hàng hải VN phối hợp với Sở GTVT, UBND cấp huyện công bố vùng hạn chế, vùng nước phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước được phép hoạt động.
Đồng thời, chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa VN, Cục Hàng hải VN chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức xây dựng và đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao trách nhiệm tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Cùng đó, chỉ đạo UBND cấp huyện tổ chức quản lý việc đăng ký phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước; Kiểm tra, giám sát UBND cấp xã trong việc tổ chức quản lý phương tiện thuộc diện được miễn đăng ký trong phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định và các quy định khác có liên quan của pháp luật; Tổ chức quản lý hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước tại vùng 2 thuộc phạm vi quản lý.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo Sở GTVT tổ chức thực hiện quản lý hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước tại vùng 1 trong phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Đặc biệt, tại quy định chuyển tiếp nêu rõ, kể từ ngày 10/4, nếu Sở GTVT chưa thực hiện được các nhiệm vụ quy định thì có văn bản đề nghị Cục Đường thủy nội địa VN hoặc Cục Hàng hải VN tiếp tục thực hiện. Kể từ ngày 1/1/2025, Sở GTVT thực hiện việc chấp thuận hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước tại vùng 1 theo quy định.
Tương tự, kể từ ngày Nghị định mới có hiệu lực, nếu UBND cấp huyện chưa thực hiện được các nhiệm vụ quy định thì có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh, Sở GTVT tiếp tục thực hiện. Từ ngày 1/1/2025, UBND cấp huyện thực hiện việc thỏa thuận, công bố mở, đóng vùng 2, đóng, không cho phép hoạt động tại vùng 2.