Áp lực bán mạnh
Thị trường chứng khoán đã có tuần giao dịch sôi động với thanh khoản ở mức cao, đáng tiếc phiên giảm cuối tuần đã lấy đi gần như thành quả đạt được của những phiên trước đó.
Trong phiên giao dịch cuối tuần vào ngày hôm qua, áp lực bán mạnh và dứt khoát trên toàn thị trường đã khiến VN-Index lao dốc từ vùng đỉnh ngắn hạn 1.240 điểm, bốc hơi gần 30 điểm và rơi về sát mốc 1.210 điểm. Toàn bộ các nhóm ngành đều đổi sắc, ngoại trừ duy nhất nhóm cổ phiếu thủy sản đang cố gắng giữ sắc xanh nhạt.
Điều đặc biệt là thanh khoản thị trường tăng vọt. Trên sàn HOSE, khối lượng giao dịch đã vượt 1,3 tỉ đơn vị, với tổng giá trị giao dịch trên 1,2 tỉ USD trước khi thị trường bước vào đợt khớp lệnh ATC, cao nhất kể từ cuối tháng 9.2023 đến nay.
Thị trường đã chứng kiến phiên giao dịch cuối tuần chìm trong sắc đỏ và nhóm nhà đầu tư nước ngoài cũng “góp công” khi tiếp tục bán ròng gần 800 tỉ đồng, với tâm điểm là cổ phiếu VPB và MWG. Tính cả tuần, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng gần 1.510 tỉ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng hơn 1.470 tỉ đồng trên sàn HOSE và bán ròng gần 40 tỉ đồng trên sàn HNX.
Tuần qua, thị trường đón nhận những thông tin đáng chú ý như: tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 1.2024 đã giảm 0,6% so với đầu năm 2023; Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì các mức lãi suất điều hành như hiện nay, ít nhất trong nửa đầu năm 2024. Trong tuần, diễn biến chung trên thị trường dễ dàng nhận thấy nhất là dòng tiền tìm đến nhóm cổ phiếu ngân hàng, giúp thanh khoản gia tăng đáng kể và nhiều cổ phiếu tăng tích cực, trước khi gặp áp lực chốt lời trong phiên cuối tuần.
Dòng vốn thuận lợi cho thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán thường chịu ảnh hưởng bởi cả dòng tiền và các yếu tố cơ bản. Vận động giữa dòng tiền và yếu tố cơ bản có thể dẫn tới những phản ứng khác nhau của thị trường trong năm 2024. Về các yếu tố cơ bản có thể ảnh hưởng tới thị trường, do năm 2023 là một năm có nhiều biện pháp giúp “trì hoãn thời gian” chờ thị trường bất động sản và tài chính trở lại trạng thái bình thường, một sự hồi phục đang được kỳ vọng để giúp hệ thống tài chính có thể tránh được những thách thức lớn trong năm 2024.
Trong một báo cáo vừa được công bố của Công ty Chứng khoán SSI, các chuyên gia phân tích của công ty này cho rằng, nhiều khả năng phục hồi kinh tế sẽ diễn ra rõ nét hơn vào nửa cuối năm 2024, với xuất khẩu tăng nhờ lãi suất toàn cầu giảm và niềm tin người tiêu dùng dần quay lại.
Trong nước, tâm điểm chính vẫn sẽ là sự phục hồi của ngành bất động sản trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản đang cần phải nhanh chóng giải quyết các vấn đề pháp lý của dự án và tỷ lệ cho vay bất động sản hiện vẫn ở mức cao. Nếu như thanh khoản tại thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp không phục hồi nhanh, niềm tin người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng.
Cả dòng vốn nhà đầu tư cá nhân và nước ngoài đều thuận lợi cho thị trường chứng khoán trong năm nay, trong khi nền tảng cơ bản vẫn còn quan ngại về một số yếu tố cần theo dõi. Năm 2024, dự kiến là một năm biến động mạnh, với sự phục hồi mạnh có thể nối tiếp ngay sau điều chỉnh sâu.
SSI Research cho rằng, giá trị hợp lý cho VN-Index cuối năm 2024 là 1.300 điểm, mặc dù, trong năm có thể có những thời điểm thị trường vượt được ngưỡng này. Về các chủ điểm đầu tư của năm, tăng trưởng lợi nhuận sẽ là động lực chính giúp cổ phiếu tăng vượt trội trong năm nay. Bên cạnh đó, trong bối cảnh lãi suất thấp kỷ lục, tỷ suất cổ tức cao đang trở thành một yếu tố hấp dẫn.