Bằng ĐH không thể đảm bảo công việc lương cao
Nếu việc làm đầu tiên của sinh viên Mỹ tốt nghiệp ĐH nằm trong lĩnh vực có lương thấp hoặc không phù hợp với sở thích thì họ có nguy cơ bị mắc kẹt với công việc đó. Đây là kết luận từ một báo cáo mới công bố của 2 tổ chức nghiên cứu về lao động The Burning Glass Institute và Strada Institute for the Future of Work.
Kết quả nghiên cứu được công bố trong bối cảnh ngày càng nhiều người Mỹ hoài nghi về giá trị của bằng ĐH và nhà tuyển dụng có xu hướng không yêu cầu về trình độ học vấn cao hơn.
“Trong nền kinh tế hiện tại, 50% sinh viên Mỹ tốt nghiệp ĐH tìm được công việc không cần bằng cử nhân”, ông Matt Sigelman, Giám đốc điều hành The Burning Glass, nói với đài CBS ngày 22.2.
Các công việc không yêu cầu kỹ năng, trình độ ĐH bao gồm những vị trí trong ngành bán lẻ, khách sạn và sản xuất, theo ông Sigelman.
Một nghiên cứu khác của công ty tư vấn giáo dục ĐH HEA Group (Mỹ) cho thấy, 10 năm sau khi tốt nghiệp ĐH, cứ mỗi 4 người thì có 1 người kiếm được ít hơn 32.000 USD/năm. Trong khi đây là mức thu nhập trung bình hàng năm của những lao động chỉ tốt nghiệp THPT.
Như vậy, các nghiên cứu chỉ ra rằng bằng ĐH không phải là tấm vé để có được một công việc lương cao hơn. Ông Sigelman lưu ý, yếu tố quyết định lớn nhất về triển vọng việc làm sau khi tốt nghiệp ĐH là chuyên ngành mà sinh viên đã chọn.
Chẳng hạn, trái ngược với tư pháp hình sự, ngành điều dưỡng giúp sinh viên tốt nghiệp ĐH có cơ hội việc làm tốt hơn. Sinh viên tốt nghiệp ngành điều dưỡng được làm đúng nghề đã học và mức lương tương xứng với kỹ năng. Các số liệu cho thấy chỉ 23% sinh viên điều dưỡng thiếu việc làm, so với 68% ở ngành tư pháp hình sự.
Các nghiên cứu đồng thời chỉ ra rằng, tập trung vào khối ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM) chưa chắc đảm bảo sinh viên tốt nghiệp ĐH có việc làm và mức lương cao.
Giới chuyên gia cho rằng có nhiều cách khác để bằng ĐH trở thành một khoản đầu tư xứng đáng và phát triển sự nghiệp. Cụ thể, sinh viên có thể nỗ lực tìm được vị trí thực tập sinh trong quá trình học ĐH. Điều này sẽ giúp giảm 50% nguy cơ không tìm được việc làm phù hợp chuyên ngành sau khi tốt nghiệp ĐH.
Ông Sigelman đồng thời lưu ý: “Gắn bó với công việc trong lĩnh vực mà bạn muốn làm cũng giúp tăng cơ hội được tuyển vào vị trí với mức lương cao. Việc thăng tiến sẽ khó khăn nếu bạn bắt đầu sự nghiệp của mình không đúng cách”.
Mắc kẹt với công việc không đòi hỏi trình độ ĐH
Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy nhiều sinh viên không tìm được việc làm phù hợp sau nhiều năm tốt nghiệp ĐH.
Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc nhà tuyển dụng xem xét kinh nghiệm làm việc gần nhất của ứng viên hơn là bằng cấp.
“Chẳng hạn, nếu bạn ra trường và làm bồi bàn tại nhà hàng vài năm rồi nộp đơn xin việc ở những vị trí cần trình độ ĐH thì nhà tuyển dụng sẽ xem xét kinh nghiệm làm việc ở nhà hàng và không thấy sự liên quan với vị trí cần tuyển”, ông Sigelman nói.