IsraelCác nhà nghiên cứu Đại học Bar-Ilan phát triển thành công tinh hoàn nhân tạo từ phòng thí nghiệm, có thể làm giảm tình trạng vô sinh ở nam giới.
Kết quả nghiên cứu công bố trên Tạp chí Khoa học Sinh học Quốc tế. Tinh hoàn được tạo ra bằng các tế bào chiết xuất từ tinh hoàn chuột, giống với cấu trúc và chức năng của tinh hoàn tự nhiên.
Theo tiến sĩ Nitzan Gonen, người dẫn đầu nghiên cứu, các nhà khoa học có thể sử dụng tinh hoàn nhân tạo để tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân gây vô sinh. Ngoài ra, có thể hướng tới phát triển tinh hoàn giống người từ tế bào gốc của con người, giúp điều trị hiếm muộn và chứng rối loạn phát triển giới tính.
Tiến sĩ Gonen cho biết, hiện các bệnh viện có khả năng xác định một số vấn đề gây vô sinh ở nam giới, chẳng hạn số lượng tinh trùng thấp hoặc cấu trúc bất thường. Tuy nhiên, giới khoa học chưa hiểu đầy đủ nguyên nhân gây điều này, đột biến gene nào dẫn đến tình trạng đó, điều gì đã xảy ra trong quá trình sinh sản trước đó. Từ nghiên cứu mới, các chuyên gia có thể tìm hiểu sâu hơn về tinh hoàn bằng hệ thống mô hình mà các nhà khoa học đã sản xuất.
Tinh hoàn sản xuất khoảng 1.500 tinh trùng mỗi giây, khoảng 90.000 tinh trùng mỗi phút, 5,4 triệu mỗi giờ và 130 triệu tinh trùng mỗi ngày. Tinh hoàn liên tục tạo ra tinh trùng thông qua một quá trình gọi là sinh tinh.
Ngoài ra, tinh hoàn cũng tham gia sản xuất hormone testosterone, nội tiết tố quan trọng trong quá trình phát triển cũng như trưởng thành của nam giới, giúp tạo ra cơ bắp, khiến giọng nói họ trầm hơn và mọc lông trên cơ thể. Mỗi người sẽ có số lượng tinh trùng khác nhau. Một lần xuất tinh trung bình chứa từ 40 đến 130 triệu tinh trùng.
Hiện, nhóm nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu xem liệu các cơ quan của tinh hoàn nhân tạo này có thực sự tạo ra tế bào tinh trùng và có thể sản xuất các hormone giới tính như testosterone hay không. Tiền đề này có cơ sở từ việc tinh hoàn của chuột được nuôi trong phòng thí nghiệm hoạt động tốt trong 9 tuần. Về lý thuyết, đây là thời gian đủ để sản xuất tinh trùng và tiết hormone, thông thường mất khoảng 34,5 ngày.
Thục Linh (Theo NY Post)