Chọn nồi, nước lẩu, nước chấm, ăn theo thứ tự và kèm món phụ là những mẹo giúp bạn ăn lẩu nhưng không tăng cân, tốt cho sức khỏe.
Lẩu là món ăn hấp dẫn trong mùa lạnh, được nhiều người ưa thích và luôn là sự lựa chọn hàng đầu trong thực đơn mỗi khi tụ họp. Tuy nhiên, cần ăn lẩu đúng cách để không tăng cân, như sau:
Chọn nồi
Khi nấu lẩu, lựa chọn nồi rất quan trọng vì chúng có thể ảnh hưởng đến mùi vị, giá trị calo và dinh dưỡng. Nên dùng nồi hầm hoặc nồi chống dính để giữ hương vị của đồ nhúng, duy trì nhiệt độ nước mà không cần tăng nhiệt hoặc thêm quá nhiều chất béo.
Nước lẩu
Nước cốt lẩu có nhiều loại khác nhau, phụ thuộc vào sở thích cá nhân. Nước lẩu cay giúp cơ thể ấm lên, nhưng không phù hợp với người có dạ dày nhạy cảm hoặc mắc bệnh tim mạch. Nước lẩu thanh, không nhiều dầu mỡ và hương vị mạnh, ví dụ lẩu nấm hoặc nước hầm gà, có thể giúp sảng khoái nhưng cần tránh thêm nhiều muối. Nước lẩu chay có thể tốt cho sức khỏe nhưng cần chú ý bổ sung hàm lượng vitamin B12.
Thứ tự khi ăn lẩu
Khi ăn lẩu, hãy chú ý đến thứ tự ăn các món ăn. Nguyên tắc chung là ăn đồ ít béo trước, sau đó chuyển sang đồ nhúng có nhiều chất béo hơn. Điều này có thể làm giảm lượng chất béo hấp thụ và ngăn nước lẩu trở nên quá béo.
Nên ăn các loại rau, nấm và củ trước, chẳng hạn cà rốt, bắp cải, rau chân vịt, nấm, súp lơ và đậu xanh. Rau củ vốn giàu chất xơ và vitamin, có thể làm tăng cảm giác no, tăng cường tiêu hóa, cung cấp nước và chất dinh dưỡng. Nếu muốn uống nước lẩu, nên uống sau khi thả rau vào vì nước còn nhạt và không có mỡ.
Thực phẩm giàu protein, tinh bột như thịt và mì có lượng calo cao, tiêu thụ quá nhiều có thể gây béo phì. Do vậy, hãy ăn những loại thực phẩm đó sau những món nhẹ hơn.
Tránh uống nhiều nước lẩu sau khi thả thịt và tinh bột vì lúc này, nước sẽ béo, đặc và nhiều muối. Đặc biệt, bệnh nhân gout hoặc người chức năng thận kém không nên uống không nên uống thời điểm này.
Chọn nước chấm
Nước chấm nên được lựa chọn cẩn thận để tránh dư thừa chất béo và muối. Tốt nhất là nên tự làm các loại nước sốt, ví dụ tiêu băm, sốt thịt lợn nướng, nước sốt thịt nướng, để kiểm soát lượng chất béo và muối. Ngoài ra, có thể pha các loại nước chấm như ớt tươi cắt miếng với nước tương, tỏi băm và sốt giấm.
Nếu muốn làm nước sốt thịt nướng, bạn có thể chọn chế phẩm chay để giảm lượng mỡ động vật ăn vào. Nếu sử dụng trứng sống làm nước chấm kiểu Nhật, hãy chú ý đến độ tươi của trứng để tránh nhiễm khuẩn salmonella vốn có thể gây viêm dạ dày ruột.
Ăn kèm các món phụ
Khi chọn món ăn kèm, bạn có thể chọn dứa khô, dưa chuột muối, kim chi… giúp tiêu hóa, đồng thời cung cấp enzyme và men vi sinh. Tuy nhiên chỉ nên ăn ở mức độ vừa phải vì chúng cũng chứa nhiều muối và đường.
Doãn Hùng (Theo Epoch, HealthXchange)