Ngày 22-2, Bệnh viên Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai) cho biết vừa cấp cứu thành công cho bệnh nhân 57 tuổi bị nhồi máu cơ tim, ngưng tim suốt 90 phút cấp cứu.
Trước đó, ngày 27-1, bệnh viện tiếp nhận ông T.Q. (ngụ huyện Cẩm Mỹ) nhập viện trong tình trạng đau ngực.
Các bác sĩ nhận định bệnh nhân có dấu hiệu bị nhồi máu cơ tim nên chỉ định đo điện tim.
Tuy nhiên, khi vừa đo điện tim xong thì bệnh nhân lên cơn đau ngực dữ dội, nhịp tim tụt dần. Bệnh diễn tiến nhanh gây ngưng tim, ngưng thở, mạch, huyết áp đều bằng không.
Ngay sau đó, bệnh viện bật chế độ “báo động đỏ” huy động toàn bộ y, bác sĩ tập trung cấp cứu cho bệnh nhân.
Trong suốt gần một tiếng rưỡi, các bác sĩ đã đặt ống thở, ép tim ngoài lồng ngực, tiêm 30 ống thuốc hồi sinh tim phổi, sốc điện 4 lần… nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn không tiến triển.
Tưởng chừng thất bại thì phút 90, nhịp tim của bệnh nhân bắt đầu đập lại trong niềm vui vỡ òa của toàn thể ê kíp. Trong tia hy vọng lóe lên, các bác sĩ càng tích cực cứu chữa, tái thông động mạch vành bên phải (trước đó bị tắc hoàn toàn) giúp mạch, huyết áp của bệnh nhân dần trở về ổn định.
Sau một ngày hồi sức, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị suy đa tạng nên lập tức chỉ định lọc máu liên tục trong 48 tiếng. Bệnh nhân đáp ứng tốt, chức năng gan, thận dần được cải thiện, mạch, huyết áp tốt hơn, bệnh nhân tỉnh táo, có thể tự thở và cai máy thở.
Bác sĩ Võ Chí Trung – khoa can thiệp nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh – cho hay đây là một ca cấp cứu hết sức hy hữu và có thể gọi là “kỳ tích”, trước giờ chưa từng gặp. Bởi bình thường bệnh nhân nhồi máu cơ tim bị ngưng tim đều tiên lượng rất xấu. Thậm chí các ca dù bệnh nhân còn tỉnh, đặt stent trầy trật mới qua được. Trong khi đó, bệnh nhân này vô bị ngưng tim kéo dài tận 90 phút.
“Thông thường các ca bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim lớn tuổi, ngưng tim 30 phút đã cho về, nhưng thấy ca này còn trẻ nên cứ cố gắng ép tới lúc nào không chịu nổi thì thôi. Ai ngờ đâu tới lúc định bỏ rồi thì nhịp tim người này đập trở lại, lúc đó anh em càng tập trung làm”, bác sĩ Trung kể lại.
Giải thích lý do cấp cứu đến 90 phút, bác sĩ Trung cho biết đầu tiên là sự tha thiết của gia đình, tiếp đến là bệnh nhân còn trẻ. “Đặc biệt, bệnh nhân được xác định tắc mạch vành bên phải, theo kinh nghiệm của chúng tôi và các thầy hướng dẫn nếu tắc mạch vành bên phải thì bằng mọi giá cứu bệnh nhân. Vì khi cứu được, tiên lượng bệnh nhân sẽ tốt hơn tắc các mạch vành khác”, bác sĩ Trung nói.
Cũng theo bác sĩ Trung, ca cấp cứu thành công không thể không nói đến nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, nhất là ê kíp can thiệp tim mạch và lãnh đạo hỗ trợ hết mình nên mới dám làm. “Thực sự làm được ca như vậy, thấy bệnh nhân xuất viện đã tiếp thêm nhiều động lực cho chúng tôi làm nghề”, bác sĩ Trung chia sẻ.
Hiện sức khỏe của ông T.Q. đã vượt qua cơn nguy kịch, chỉ số sinh tồn ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, hết đau ngực và xuất viện.