Tự học chạy bộ từ những năm 1990, anh Phan Hoàng Điệp đã dẫn dắt trên 300 học sinh tham gia các giải chạy trong tỉnh và toàn quốc.
Khoảng năm 1994, Hoàng Điệp biết đến chạy bộ qua giờ thể dục ở trường cấp hai. Khác với các bạn cùng lớp xem môn này như yêu cầu để hoàn thành chương trình học, Hoàng Điệp tìm thấy sự kích thích ở chạy bộ. Kể từ đó, mỗi đêm, anh đều chạy một quãng ngắn khoảng 400 m đến 500 m để rèn sức khỏe. Khi ấy, cậu bé 14 tuổi không hình dung được chạy bộ sẽ trở thành đam mê theo đuổi anh tới 30 năm.
“Nhà tôi ở cạnh quốc lộ 20. Hồi ấy, đường vắng lắm. Vào ban đêm gần như không có xe. Những hôm trời tối, tôi chỉ dám chạy xa nhà khoảng 500 m rồi quay về. Những đêm trăng sáng, tôi mới dám xuống đèo, cách nhà gần 10 km”, anh Điệp kể lại.
Duy trì tập luyện đến cấp ba, Điệp lọt vào mắt xanh của các thầy cô. Ở lớp 12, anh được đưa đi Đà Lạt thi và đoạt HC bạc cự ly 1.500m Hội khỏe Phù Đổng. Sau thành tích này, anh quyết tâm thi vào trường Đại học Thể dục Thể thao TP HCM. Tuy nhiên, bốn tháng trước kỳ thi, bố qua đời. Là con cả trong gia đình có ba anh em, Điệp không còn lựa chọn nào khác là nghỉ học để phụ mẹ làm nông.
Nhưng không vì vậy mà Điệp từ bỏ chạy bộ. Hàng ngày, anh vẫn dành thời gian chạy từ 5 km đến 10 km quanh xã Gia Hiệp, huyện Di Linh. Trước những ánh mắt tò mò của nhiều người, anh có lúc chỉ dám chạy vào ban đêm vì xấu hổ, sợ bị đánh giá là “điên, khùng”.
Nhưng cũng chính hành động khác người đó giúp Điệp được biết đến nhiều hơn. Năm 2001, một thầy giáo thể dục chuyển công tác tới thị trấn Di Linh, cách nhà Điệp 14 km. Khi nghe tin về anh, người này đã gọi tới và tặng một cuốn sách.
“Tôi còn nhớ như in. Cuốn sách có tên ‘Huấn luyện chạy cự ly trung bình – dài’, được dịch từ tiếng nước ngoài, do thư viện Hà Giang xuất bản. Cuốn sách đã theo tôi suốt những năm sau đó. Thời đó không có internet nên đây là nguồn tham khảo duy nhất để tôi tìm tòi, đưa tôi đến với thế giới đích thực của chạy bộ”, anh Điệp kể lại.
Anh Điệp có lẽ là minh chứng cho câu nói “Cứ theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”. Cũng trong năm này, khi đang tập chạy vào buổi chiều, hai bạn học sinh đến gặp và xin tập cùng. Anh vui vẻ đồng ý. Dần dần, các bạn học sinh truyền tai nhau, tạo thành một đội chạy tự phát do anh chỉ dẫn và truyền cảm hứng.
Đội chạy này được người dân ở xã Gia Hiệp gọi với tên “Đội quân chân đất”. Vì khi ấy, không ai đủ tiền mua giày chạy. Từ thầy đến trò đều chạy chân đất trên mặt đường nhựa quốc lộ 20. Nhiều bạn học sinh vừa tan giờ học, còn mặc đồng phục đã tham gia tập luyện. Có lúc, “đội quân” lên tới 50 thành viên.
Năm 2002, anh Điệp lần đầu đưa học trò đi thi giải, và lập tức đoạt giải ba đồng đội nam cùng một số giải khuyến khích. Những năm tiếp theo cho tới khi phong trào không còn duy trì do Covid-19 bùng phát, “đội quân chân đất” luôn đứng nhất toàn đoàn ở các giải cấp tỉnh, vô địch đồng đội nam, nữ và giành nhiều giải cá nhân.
“Trong suốt thời gian tồn tại, đội chạy của tôi là nơi sinh hoạt cho hàng trăm học sinh ở xã Gia Hiệp. Một số người trong số đó tiếp tục theo đuổi chạy bộ, trở thành các VĐV nổi tiếng. Tổng cộng, tôi đã đưa khoảng 300 đến 400 em tham gia các giải chạy trong tỉnh và khoảng 50 em thi đấu các giải toàn quốc. Khi ấy, chúng tôi đều tự bỏ tiền túi để đi thi”, anh kể lại.
Cá nhân anh cũng thi đấu cùng học trò cho đến khi giải nghệ vào năm 2017. Năm 2004, khi đã 23 tuổi, anh lần đầu tham gia đội tuyển điền kinh tỉnh Lâm Đồng, chuyên cự ly trung bình 800m đến 1500m. Tự nhận bản thân không có tố chất và tham gia đội tuyển rất muộn, nhưng việc tập luyện và tích lũy mỗi ngày giúp anh cải thiện thành tích nhanh chóng. “Ban đầu, tôi không thể so kè với các bạn đã được ở đội tuyển từ lâu. Nhưng một năm sau, thành tích của tôi ngang ngửa họ. Các thầy ở đội tuyển ngạc nhiên, hỏi tôi đã tập luyện như thế nào. Đến nay, tôi vẫn cho rằng mình là dạng cần cù bù khả năng chứ không có tố chất tốt như các bạn khác”, anh nói.
Năm 2005, anh Điệp vô địch cự ly 7km ở giải điền kinh quốc gia và về nhì cự ly năm tiếp theo. Những năm sau đó, anh là gương mặt quen thuộc, đại diện tỉnh Lâm Đồng thi đấu những giải toàn quốc. Đến năm 2015, khi đã 34 tuổi, anh mới chia tay sự nghiệp thi đấu ở đội điền kinh tỉnh và chuyển sang làm trợ lý HLV.
Hai năm sau, Điệp bị cắt biên chế do không có bằng đại học. Anh ngậm ngùi trở về làm nông, kết thúc 30 năm cống hiến cho chạy bộ. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm phong trào chạy bộ bùng phát ở Việt Nam. Và Điệp quyết định chuyển sang chạy marathon. Những năm đầu, anh đi “săn giải” như nhiều chân chạy elite khác. Gần đây, tự nhận thành tích không thể theo kịp lớp trẻ, anh chuyển sang chạy trail – hình thức giúp anh sống lại đam mê thời nhỏ, khi thường xuyên tìm tòi những đường mòn trên núi Brah Yang gần nhà.
Nhờ mối quen biết rộng ở giới điền kinh trong tỉnh Lâm Đồng, Điệp cũng được ban tổ chức các giải trail tìm đến để nhờ tư vấn thiết kế cung đường chạy. Một lần nữa, chạy bộ lại mở ra cho anh cơ hội mới. Sắp tới, anh sẽ thiết kế đường chạy cho giải Brah Yang trail vào tháng Ba và một số giải cuối năm. “Tôi nghĩ, tương lai, Lâm Đồng sẽ là thánh địa chạy trail Việt Nam. Tôi muốn góp sức để đưa hình ảnh của quê nhà đến cộng đồng chạy bộ. Giúp các địa phương khác trong tỉnh, như Di Linh phát triển du lịch chứ không chỉ Đà Lạt”, anh nói.
Điệp cũng không quên đam mê dìu dắt các bạn trẻ đến với chạy bộ. Theo anh, các bạn học sinh giờ đây không còn tìm đến chạy bộ vì có nhiều thú vui khác trong cuộc sống. Tuy nhiên, anh tiết lộ mới nhận lời trường cấp hai xã Gia Hiệp sẽ đào tạo một lứa VĐV mới, hy vọng có thể làm sống lại “đội quân chân đất” trước đây.
Quang Huy