“Kiều bào là nguồn lực rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Dòng kiều hối được duy trì đều trong nhiều năm qua và Việt Nam luôn là nước nhận được kiều hối lớn hàng đầu trên thế giới. Dòng tiền này khi về nước sẽ được đầu tư vào hoạt động kinh doanh, sản xuất, tạo ra công ăn việc làm, giúp các địa phương phát triển, nâng cao mức sống của người dân”, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí ngày 11/1.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đánh giá, cộng đồng kiều bào cũng tích cực kiến nghị, tham gia và chính sách phát triển kinh tế của đất nước. Có khoảng 80% trong tổng số 6 triệu kiều bào đang sống và làm việc ở các nước phát triển, có 500.000-600.000 người có trình độ đại học hoặc cao hơn.
Kiều bào có thể giúp góp phần tư vấn chính sách, đề xuất ra nội hàm cho Việt Nam khi tham gia vào các xu hướng phát triển kinh tế trên thế giới. Ngoài ra, lợi thế của cộng đồng kiều bào là hiểu rõ tình hình ở cả trong nước và nước ngoài, vì vậy họ có thể đóng vai trò kết nối giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Thứ trưởng Thu Hằng cũng nhấn mạnh vai trò của kiều bào như một mắt xích quan trọng trong việc đưa sản phẩm, hàng hóa ra nước ngoài, góp phần giúp phát triển kinh tế.
Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò của cộng đồng kiều bào với sự phát triển của đất nước. Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng NVNONN trong xã hội sở tại ngày càng nâng cao, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.
Đại bộ phận bà con đã có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại trong tất cả các lĩnh vực, được chính quyền và người dân sở tại đánh giá cao, một số đã tham gia chính trường sở tại ở các cấp độ khác nhau. NVNONN tiếp tục được vinh danh với các giải thưởng quốc tế, làm rạng danh tên tuổi Việt Nam trên trường quốc tế.
Không chỉ đóng góp về mặt kinh tế cho đất nước, Kiều bào tiếp tục có nhiều hoạt động hướng về quê hương. Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lượng kiều hối chuyển về nước năm 2023 sẽ tăng trưởng từ 25-30% so với năm 2022.
Kiều bào ở các nước có nhiều hoạt động đóng góp cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Kiều bào cũng luôn đồng hành cùng người dân trong nước lúc gặp khó khăn, hoạn nạn, thông qua các chương trình quyên góp, hỗ trợ.
Trong năm qua, Ủy ban NVNONN đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham mưu, kiến nghị, triển khai chính sách cho cộng đồng kiều bào như thể chế hóa, triển khai Kết luận 12 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 169 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo về công tác NVNONN.
Ủy ban đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những chính sách pháp luật liên quan đến NVNONN về vấn đề quốc tịch, cấp thẻ căn cước và số định danh cá nhân, quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở…
Ủy ban NVNONN cũng thực hiện công tác đại đoàn kết, vận động NVNONN với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Ủy ban đã phối hợp tổ chức thành công các chương trình gặp gỡ, tiếp xúc của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với bà con kiều bào.
Một số sự kiện nổi bật như: Tổ chức thành công các chương trình thường niên “Xuân Quê hương 2023” với sự tham dự của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và gần 1.000 kiều bào; tổ chức cho Đoàn kiều bào thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, tổ chức cho Đoàn kiều bào dự lễ Giỗ tổ Hùng Vương…
Ngoài ra, công tác hỗ trợ NVNONN được triển khai tích cực, kịp thời, thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng, ví dụ như hỗ trợ cộng đồng người gốc Việt ở Campuchia, hỗ trợ người Việt tại các địa bàn chịu ảnh hưởng bởi chiến sự và bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn.
Việc hỗ trợ cộng đồng NVNONN giữ gìn và phát huy tiếng Việt, bản sắc văn hóa được quan tâm đẩy mạnh. Năm 2023 là năm đầu tiên triển khai Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.
Ủy ban cũng đẩy mạnh các hoạt động phát huy nguồn lực NVNONN đóng góp cho đất nước dưới nhiều hình thức khác nhau.
Tiếp tục triển khai các chương trình cho NVNONN trong năm 2024
Trong năm 2024, công tác NVNONN sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ và toàn diện hơn theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII và Kết luận 12, đồng thời bám sát những nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết và Chương trình hành động của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 nhằm thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng NVNONN, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để kiều bào hướng về quê hương.
Theo đó, công tác NVNONN sẽ tập trung triển khai theo 2 đột phá về tăng cường đại đoàn kết và phát huy nguồn lực của NVNONN cùng 7 trọng tâm gồm:
Thứ nhất, tăng cường Công tác nghiên cứu, tham mưu, kiến nghị chính sách.
Thứ 2, đổi mới, đa dạng hóa hình thức, linh hoạt trong biện pháp triển khai vận động NVNONN.
Thứ 3, đẩy mạnh hỗ trợ cộng đồng về địa vị pháp lý và ổn định cuộc sống, đặc biệt ở những địa bàn khó khăn, trong đó ưu tiên giải quyết những vấn đề liên quan tới người gốc Việt tại Campuchia
Thứ 4, hỗ trợ các hội đoàn NVNONN kiện toàn tổ chức, đa dạng hóa hình thức tổ chức, mô hình hoạt động phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Thứ 5, đẩy mạnh thu hút nguồn lực NVNONN, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến NVNONN và tăng cường kết nối, hỗ trợ các hội doanh nhân, trí thức NVNONN.
Thứ 6, triển khai Kế hoạch Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN năm 2024; đổi mới nội dung và phương thức công tác dạy và học tiếng Việt, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; đổi mới nội dung, đa dạng hóa phương thức chuyển tải thông tin tới kiều bào.
Thứ 7, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong công tác NVNONN; tăng cường đào tạo lực lượng cán bộ làm công tác cộng đồng tinh nhuệ, chính quy, chuyên nghiệp và hiện đại.