Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 10 quy định về khu công nghệ cao. Đây được coi là chính sách đối với hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp (DN) công nghệ cao và đào tạo nhân lực công nghệ cao.
Theo đó, Nhà nước ưu tiên sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn tín dụng ưu đãi và các hỗ trợ kỹ thuật theo quy định của pháp luật khác, nguồn lực từ các chương trình quốc gia về phát triển khoa học và công nghệ, công nghệ cao, các nguồn vốn hỗ trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, cơ sở ươm tạo công nghệ cao, cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao; hỗ trợ các dự án, hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao…
Còn đối với DN chế xuất trong khu công nghệ cao khi đáp ứng điều kiện về kiểm tra, giám sát hải quan, quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan, quy định tại pháp luật về thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu thì được áp dụng các quy định riêng đối với DN chế xuất hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu kinh tế.
Nhưng thực tế đang đòi hỏi “cơ chế đặc thù” đối với DN chế xuất trong khu công nghệ cao. Bởi DN vốn được coi là “xương sống” trong tiến trình sản xuất ra những sản phẩm công nghệ cao. Ông Trần Văn Lâm – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, hiện nay chúng ta đã có chính sách ưu đãi đối với DN đầu tư vào khu công nghệ cao. Do đó muốn có cơ chế ưu đãi mạnh mẽ hơn cần quan tâm tới vấn đề ưu đãi về đất đai, quyền tiếp cận đất đai, giá thuê đất đối với các khu công nghệ cao…
Theo ông Lâm, hiện nay các DN đầu tư công nghệ cao đang được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế nhưng khi đã ban hành thuế tối thiểu toàn cầu thì tới đây cần các chính sách hỗ trợ thay thế cho thuế tối thiểu toàn cầu đối với các DN đầu tư vào khu công nghệ cao.
“Vừa rồi khi ban hành nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu, Quốc hội đã giao cho Chính phủ nghiên cứu thành lập Quỹ để hỗ trợ cho các nhà đầu tư, DN chiến lược trong đó có DN công nghệ cao để thu hút đầu tư. Các quỹ này có thể hỗ trợ cho các DN trong bước đầu triển khai các dự án, đặc biệt là hỗ trợ về đào tạo nhân lực, thậm chí hỗ trợ các dịch vụ hỗ trợ cho lực lượng lao động trong các DN trong khu công nghệ cao” – ông Lâm gợi ý và cho rằng, đây là vấn đề cần nghiên cứu cụ thể, bởi Quốc hội cũng đang yêu cầu Chính phủ phải nghiên cứu xây dựng quỹ để hỗ trợ cho các DN đầu tư mang tính chất chiến lược trong đó có công nghệ cao.
Bên cạnh đó, theo ông Lâm, ngoài các chính sách trực tiếp hỗ trợ cho các DN cần quan tâm đến các chính sách gián tiếp như: tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư; thủ tục hành chính; phát triển quy hoạch công nghiệp dịch vụ phụ trợ, các dịch vụ xã hội phục vụ cho người lao động, công nhân, và các chuyên gia. Các chính sách hỗ trợ gián tiếp nhằm tạo ra môi trường hấp dẫn để các nhà đầu tư triển khai các dự án của mình nằm trong chiến lược thu hút đầu tư chung của cả nước.
TS Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, chính sách hỗ trợ cho DN đầu tư vào khu công nghệ cao đang rất cần thiết và mang tính cấp bách. Bởi trong sự chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu của sản xuất kinh doanh toàn cầu đòi hỏi sản phẩm có chuẩn rất cao. Đối với các sản phẩm công nghệ cao ngoài chất lượng sản phẩm hàng hoá công nghệ thì còn phải đáp ứng sản xuất sạch, an toàn, bản thân sản xuất trong khu công nghệ cao thì từ chất thải rắn, nước thải, khí thải cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe hơn.
Do đó, theo ông Nam, nếu DN đáp ứng được yêu cầu đó thì trong xuất khẩu mới vượt qua được các “rào cản” thị trường tại các nước phát triển, đặc biệt còn có ý nghĩa quan trọng là tạo thương hiệu cho Việt Nam nên rất cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ các DN công nghệ cao.
Ông Nam nhấn mạnh, DN cần tiếp cận về vốn do đầu tư vào sản xuất thế hệ mới thì đòi hỏi chi phí lớn hơn. Vì vậy bên cạnh các ngân hàng thương mại thì cần các quỹ của Nhà nước để hỗ trợ tối đa đổi mới sáng tạo để DN tổ chức sản xuất trong khu công nghệ cao.
“Nhà nước dùng ngân sách để hỗ trợ DN. Nhưng khi DN xuất khẩu được hàng hoá, tạo được công ăn việc làm thì đã gián tiếp đóng góp cho Nhà nước bằng việc nộp thuế. Trong điều kiện hiện nay, có thể trong nước là đổi mới sáng tạo nhưng so với quốc tế thì họ đã đi trước rồi. Tuy nhiên phải ưu tiên khuyến khích dùng sản phẩm của DN trong nước vì lâu dài đó là nền tảng giúp chúng ta tự chủ nền kinh tế, tự chủ khoa học công nghệ” – ông Nam nói.