Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu tham gia trồng cây sau Lễ phát động. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Cùng dự Lễ phát động có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành ở Trung ương và tỉnh Tuyên Quang.
Tại Lễ phát động, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo kết quả thực hiện “Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” và kế hoạch năm 2024.
Phát biểu tại Lễ phát động, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi tới Đảng bộ, chính quyền, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang và các đại biểu lời thăm hỏi ân tình, lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất…
Chủ tịch nước nêu rõ, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: Mùa xuân là Tết trồng cây – Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân, từ mùa Xuân năm 1960 đến nay, mỗi khi Tết đến Xuân về, nhân dân dân ta lại tổ chức “Tết trồng cây”. Hơn 6 thập niên đã trôi qua, “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đã trở thành truyền thống, một tập quán, một nét đẹp văn hóa, một phong trào quần chúng sâu rộng mang lại lợi ích to lớn cho đất nước. Trồng cây gây rừng đã góp phần bảo vệ và cải tạo môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Bày tỏ tình cảm vui mừng trước kết quả trong năm 2023 vừa qua, Chủ tịch nước nhấn mạnh, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự cố gắng của các địa phương, thực hiện chương trình trồng 1 tỷ cây xanh đến năm 2025, cả nước đã trồng được 260.000ha rừng trồng tập trung và 127 triệu cây xanh phân tán, góp phần cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu; tỷ lệ che phủ rừng được duy trì trên 42%, công tác bảo vệ rừng có chuyển biến tích cực. Lần đầu tiên nước ta chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon, trị giá gần 1.200 tỷ đồng.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến dự và phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, cùng với cả nước, phát huy truyền thống của vùng đất cách mạng, giàu lịch sử, bản sắc văn hóa, tỉnh Tuyên Quang luôn là địa phương đi đầu về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nêu cao quyết tâm phát triển lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp thành ngành kinh tế chủ lực, góp phần không nhỏ vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của tỉnh, đời sống người dân ngày càng tiến bộ. Các thành tích về tỷ lệ trồng rừng mới hằng năm của Tuyên Quang đạt kết quả tốt: trồng hơn 11 nghìn ha rừng/năm; tỷ lệ che phủ rừng luôn được giữ vững, ổn định trên 65%, đứng nhóm đầu cả nước, đứng thứ 2 cả nước về quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế; kinh tế lâm nghiệp phát triển mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và cả nước.
Cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng gay gắt, đa dạng sinh học bị suy giảm, chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là hướng đến phát triển bền vững, quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam đang từng bước thực hiện mạnh mẽ các cam kết cùng với sự hỗ trợ của các nước phát triển về công nghệ và tài chính để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero). Nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái, trồng cây, bảo vệ rừng ngày càng trở nên quan trọng.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và nhân dân Tuyên Quang với truyền thống quê hương cách mạng vẻ vang, với khát vọng xây dựng quê hương đất nước ngày càng tươi đẹp và phồn vinh, sẽ có kế hoạch và hành động thật cụ thể, thiết thực, tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, gắn trồng cây gây rừng, bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân, góp phần xây dựng tỉnh Tuyên Quang phát triển nhanh và bền vững.
Các đại biểu tham dự Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Chủ tịch nước nhấn mạnh, các ngành, các cấp tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để mọi người nhận thức đầy đủ ý nghĩa to lớn, lợi ích thiết thực của việc trồng cây, bảo vệ, phát triển rừng; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, góp phần bảo vệ bền vững môi trường sinh thái; việc tổ chức trồng cây phải bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện để huy động được sự vào cuộc của đông đảo các tổ chức quần chúng; chú trọng chọn lựa cây trồng bản địa, cây rừng đa tác dụng, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, mùa vụ trên từng địa bàn để bảo đảm cây sau khi trồng đạt tỉ lệ sống cao, sinh trưởng, phát triển tốt, hiệu quả.
Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Đoàn công tác Trung ương đã dự lễ khánh thành Dự án đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi Trung tâm huyện Yên Sơn Km14 quốc lộ 2 Tuyên Quang-Hà Giang.
Việc mở mới trục đường phát triển từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn có vai trò rất quan trọng; tuyến đường sẽ kết nối thuận lợi với các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình và tỉnh Hà Giang, kết nối với các tuyến đường quan trọng của khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế-xã hội, giao thương vận tải-hàng hóa-hành khách, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ theo quy hoạch mạng lưới giao thông tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030.
Tuyến đường hoàn thành góp phần phát triển các khu đô thị mới gắn kết với trung tâm thành phố Tuyên Quang, tạo không gian đô thị xanh, sạch, đẹp. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh…
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn khẳng định, trong những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng kết cấu hạ tầng, nhờ đó diện mạo của nông thôn và đô thị tỉnh Tuyên Quang đã từng bước thay đổi, đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh ngày càng được cải thiện. Tỉnh đã tập trung đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, có phạm vi ảnh hưởng rộng, sức lan tỏa cao, có tác động lớn đến việc phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương trong kết nối vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Biểu dương những nỗ lực của chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công, Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng cảm ơn những cán bộ quản lý, kỹ sư và các công nhân thi công hoàn thành dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và tuyệt đối an toàn. Đặc biệt là sự ủng hộ, đồng thuận và đóng góp của người dân trong vùng ảnh hưởng của dự án, đã chấp hành tốt các quy định của Nhà nước, sẵn sàng di chuyển nhà cửa, ruộng vườn để bàn giao mặt bằng cho dự án. Khi công trình được đưa vào sử dụng, chủ đầu tư, các đơn vị liên quan cần thực hiện tốt công tác quản lý, tổ chức giao thông theo đúng quy định pháp luật, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của dự án.