Nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ” gắn liền với lễ hội Ngư Võng Phường của người dân làng Nhân Cao, xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Làng Nhân Cao có tên nôm là làng Ngói, nằm bên hữu ngạn sông Mã được hình thành cách đây khoảng 600 năm. Nơi đây có nghè Nhân Cao thờ Đức Thánh Cả và các vị thần có công hộ quốc, cứu giúp dân làng khỏi nạn lũ.
Hằng năm, từ ngày mùng 8 đến 12 tháng Giêng, dân làng thường tổ chức lễ hội Ngư Võng Phường với các hoạt động như tế lễ, rước thuyền, đánh cờ người, múa lân…; trong đó đặc sắc nhất là trò diễn “múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ.”
Trong lễ hội, làng thường tổ chức nhiều hoạt động, trò chơi, trò diễn dân gian như rước thuyền, đánh đu, chọi gà, đánh cờ người, múa lân, hát chèo chải và múa đèn chạy chữ.
Nét độc đáo của điệu “Múa đèn chạy chữ” là sự kết hợp giữa hát chèo chải cổ cùng các động tác múa để tạo nên tổ khúc múa đèn, trong đó hát chèo chải cổ gồm 4 bài: Hát giảo chải, hát múa quạt, hát chèo thuyền và hát giáo chân sào.
Nội dung các bài hát ca ngợi công ơn Đức Thánh Cả và Thành hoàng làng cũng như thể hiện ước vọng của nhân dân về một cuộc sống ấm no, bình an và hạnh phúc.
Đội múa đèn gồm 12 cô gái hát hay, múa dẻo, mặc váy đen dài chấm gót, áo tứ thân màu nâu, đầu quấn khăn đỏ, tay cầm dải lụa dài khoảng hơn 2m màu hồng. Đội múa xếp thành hàng ngang.
Trên nền nhạc múa hát giáo đèn:
“Kính trình làng nước
Lẳng lặng mà nghe
Chúng tôi giáo đèn
Đèn tôi nay lưu truyền kế thế
Thắp đèn lên chầu chực đế vương
Thắp đèn lên rạng cả bốn phương
Thế mới gọi đèn công đăng hỏa…”
Khi nhạc bắt đầu nổi lên, những cô gái trong đội múa đèn sẽ đội lên đầu một đĩa đèn vừa hát, vừa múa và cuối cùng là xếp các chữ nhất, nhị, tam, tứ và ngũ. Sau khi biểu diễn các chữ theo hình đã xếp, cả đội sẽ nằm xuống, lật người vừa lăn kết thành bông hoa 5 cánh, rồi từ đó di chuyển thành một hàng ngang nhìn lên ban thờ, hai tay nâng đĩa đèn trên đầu xuống lạy tạ rồi rời sân khấu. Những động tác khéo léo, uyển chuyển của các thành viên khiến người xem thán phục.
Theo các nghệ nhân, múa đèn chạy chữ phải linh hoạt kết hợp nhiều kỹ năng, động tác để làm sao vừa giữ vững được đèn đội trên đầu, không làm cho nến bị tắt mà vẫn nhớ được vị trí, thực hiện được các động tác múa, xếp chữ khác.
Với các giá trị văn hóa, tháng 3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ” là Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia.
Sáng 20/2, tại xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra Lễ đón Chứng nhận Nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ” trong lễ hội Ngư Võng Phường là Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia.
Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại buổi lễ, ông Nông Quốc Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa đã trao Chứng nhận Nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa đèn chạy chữ và hát chèo chải cổ” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho chính quyền và người dân làng Nhân Cao, xã Thiệu Quang và huyện Thiệu Hóa.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng khẳng định: “Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ” là Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, do đó, việc gìn giữ và bảo tồn, phát triển di sản này không chỉ là trách nhiệm của các nghệ nhân, người dân trong vùng di sản, mà còn của chính quyền và nhân dân xứ Thanh.
Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa và Ủy ban Nhân dân huyện Thiệu Hóa cần quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn xã Thiệu Quang, nghệ nhân và người dân vùng di sản trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của di sản.
Sở quan tâm xây dựng các chương trình quảng bá, giới thiệu bằng nhiều hình thức, nhằm lan tỏa rộng rãi các giá trị của di sản tới nhân dân trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, làm sáng tỏ hơn nữa về các giá trị của di sản Nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ.”
Trong những năm gần đây “Múa đèn xếp chữ, hát chèo chải cổ” đang dần trở thành sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển du lịch ở Thanh Hóa, góp phần thu hút du khách./.