Qua tìm hiểu trên mạng internet được biết đến mô hình trồng nấm sạch của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xanh bền vững Fargreen Việt Nam, H’Nhi đã chủ động liên hệ với công ty và xin phép được tham quan, học hỏi mô hình. Được công ty chấp thuận, H’Nhi chủ động ra Hà Nội để học về kỹ thuật trồng nấm. Nhận thấy sự quyết tâm của cô gái Gia Rai, xét thấy điều kiện khí hậu nơi H’Nhi sinh sống cũng khá phù hợp với mô hình nấm, Công ty Fargreen Việt Nam đã cử kỹ thuật viên về tận buôn Rưng Ma Nin để trực tiếp hướng dẫn cách trồng nấm cho H’Nhi theo kiểu “cầm tay chỉ việc”.
Và sau những thất bại ban đầu, những mẻ nấm sau này đã thành công như mong đợi. Hiện tại, H’Nhi trồng cả hai loại nấm sò và nấm rơm trên diện tích hơn 200 m2. Càng làm, càng thạo nghề, mẻ nấm trong năm 2021 cũng là mẻ nấm thứ ba của H’Nhi cho kết quả khả quan. Hiện tại, mỗi ngày H’Nhi thu hoạch được từ sáu đến bảy kg nấm, với năm luống rơm có thể cho thu hoạch từ ba đến bốn đợt, mỗi đợt thu hoạch hơn 13 kg, tổng thu bốn đợt hơn 40 kg nấm rơm. Còn đối với nấm sò, thời gian thu hoạch ít hơn, với ba đợt, nhưng tổng thu nhỉnh hơn 50 kg nấm. Khách hàng của H’Nhi chủ yếu là các hộ dân trong làng, các xã lân cận, còn phần lớn nấm tươi được H’Nhi phơi khô, đóng gói bán lại cho Công ty Fargreen. Sau khi trừ chi phí, H’Nhi thu từ bốn đến năm triệu đồng/tháng.
Bí thư Đoàn xã Ia Rbol, Rcom Bình Nguyên cho biết, Đoàn Thanh niên và Hợp tác xã Thống Nhất xã Ia Rbol đã kết nối với H’Nhi triển khai nhân rộng trong các hộ dân có nhu cầu. Tính đến nay đã có 10 hộ dân tham gia tổ liên kết trồng nấm. Không chỉ được trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm mà các hộ còn được H’Nhi kết nối với công ty nhận bao tiêu sản phẩm.
Trong năm 2022, Đoàn Thanh niên xã sẽ tiếp tục khảo sát, tìm hiểu nhu cầu của người dân, phấn đấu có thêm 20 hộ thành viên tham gia, nhất là các hộ thanh niên trong quá trình tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp. UBND xã Ia Rbol còn hỗ trợ hai phòng học cũ, hơn 200 m2 đất trống để giúp các hộ dân trong tổ liên kết trồng nấm sử dụng để mở rộng mô hình trồng nấm, thu hút thêm nhiều hộ dân tham gia, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống và cùng nhau hướng tới mục tiêu xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương.