8h sáng nay (24/12), Bộ Giao thông Vận tải tổ chức lễ khánh thành dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu; Dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Đây là công trình được trông đợi như “cây đũa thần” cho sự phát triển của ĐBSCL, được coi là “kỳ vọng của 20 triệu người dân đồng bằng”.
Nhân dịp này, phóng viên Dân trí đã phỏng vấn lãnh đạo nhiều địa phương miền Tây, hoặc có giai đoạn làm lãnh đạo địa phương ở ĐBSCL về ý nghĩa, tầm vóc của 2 công trình này với mảnh đất Chín Rồng.
Cần Thơ và ĐBSCL sẽ “cất cánh”
Đó là niềm tin mà ông Trương Quang Hoài Nam – Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng (Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ giai đoạn 2014-2020), chia sẻ với phóng viên Dân trí, khi được hỏi về cảm xúc trước tin vui của người dân đồng bằng.
Theo ông Hoài Nam, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ khánh thành, thông xe, sẽ giúp người dân, hàng hóa ở TP Cần Thơ và khu vực Nam Sông Hậu di chuyển đến TPHCM thuận tiện, rút ngắn chỉ còn 2 giờ và có thể ngắn hơn thế nữa.
Cùng với việc Trung ương xây dựng cao tốc Cần Thơ-Cà Mau và Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, ông Hoài Nam hy vọng những công trình sẽ hoàn thành đúng tiến độ để giúp Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung “cất cánh”.
Nhớ lại giai đoạn 2014-2020, khi làm Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ông Hoài Nam được phân công phụ trách lĩnh vực kinh tế, trong đó có thu hút đầu tư, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển du lịch, dịch vụ… Những lĩnh vực đều rất cần hạ tầng giao thông tốt để phát triển.
“Tôi nhớ, lúc ấy giải quyết vấn đề “ly nông không ly hương” phải đầu tư vào khu vực nông thôn. Tôi cùng các đồng chí của Tập đoàn Dệt May đi khảo sát từ Ninh Kiều qua Thới Lai, Cờ Đỏ đến Vĩnh Thạnh, các anh ấy bảo: “Ông Nam ơi, chúng tôi muốn ủng hộ Cần Thơ, nhưng ông xem đường giao thông của ông xe container không tránh được nhau; đến 6-7 cái cầu cấm tải trọng trên 15 tấn chẳng container nào chạy được”.
Đấy, muốn người ta đầu tư mà giao thông trắc trở thế, khó lắm – ông Nam nhớ lại.
Không chỉ Cần Thơ, ông Hoài Nam cho rằng cả ĐBSCL đều gặp vướng mắc như thế. An Giang-Đồng Tháp-Cần Thơ phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) quảng bá làm du lịch nhưng không đạt kỳ vọng.
“Chúng tôi khảo sát thấy du khách đi hết cao tốc Trung Lương, ghé Mỹ Tho (Tiền Giang) xong là về, vì đoạn từ Mỹ Tho đến Mỹ Thuận thường xuyên ùn tắc cuối tuần. Đi chơi mà gặp tắc đường chẳng vui vẻ gì, nhất là khách nước ngoài”.
Từng chứng kiến giai đoạn hạ tầng giao thông khó khăn như thế, nên khi hay tin ngày 24/12 khánh thành cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2, ông Hoài Nam chia sẻ rất vui mừng và tin tưởng ĐBSCL sẽ phát triển hơn trong thời gian tới.
“Công trình nhân dân mong chờ từ lâu”
Ông Lữ Quang Ngời – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, khẳng định việc đưa cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ vào khai thác mang đến niềm vui, phấn khởi không chỉ với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Vĩnh Long mà còn cả nhân dân ĐBSCL.
“Công trình cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 được bà con nhân dân mong chờ đã lâu” – ông Ngời nhấn mạnh khi trả lời phóng viên Dân trí.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, việc khánh thành 2 công trình này sẽ tạo thuận lợi cho người dân đi lại, các địa phương trong việc lưu thông hàng hóa đến TPHCM và ngược lại. Với tỉnh Vĩnh Long, đây là điều kiện, động lực giúp địa phương phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Vĩnh Long sẽ kết nối các vùng nguyên liệu sản xuất để chuyên chở hàng hóa được thuận lợi hơn, nâng cao giá trị kinh tế
Thu hút công nghiệp, sản xuất chế biến
Trao đổi với phóng viên Dân trí trước thời điểm khánh thành 2 công trình lớn, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ, nhiều lần nhấn mạnh cụm từ “công trình rất quan trọng”.
Theo ông Hiển, trước nay nếu đi các tỉnh ĐBSCL chỉ có con đường độc đạo là Quốc lộ 1. Tốc độ đô thị hóa cùng sự phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng đang khiến tuyến đường này quá tải, thường xảy ùn tắc giao thông, nhất là vào dịp lễ, Tết…
“Đó là ám ảnh không chỉ với người dân mà cả với nhà đầu tư” – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ nói.
Riêng TP Cần Thơ, trước khi cao tốc khánh thành, địa phương đã nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư. “Chúng tôi rất quan tâm các nhà đầu tư về công nghiệp. Nếu có hạ tầng tốt sẽ thu hút được các nhà đầu tư. Có nhà máy, xí nghiệp sẽ tạo công ăn việc làm, nguồn thu ngân sách” – ông Hiển cho hay.
Giá trị hàng hóa sẽ nâng cao
Theo ông Hiển, khi cao tốc được đưa vào khai thác, các địa phương cần phát huy hết lợi thế, trước hết ưu tiên tổ chức mạng lưới giao thông kết nối với đường cao tốc. Tiếp đó là quy hoạch các khu, cụm công việc, logistic để phục vụ cho sản xuất, kho bãi – những khu này sẽ phát huy tối đa hiệu quả của đường giao thông.
“Như tại Cần Thơ, các khu công nghiệp đang quy hoạch, xây dựng nằm sát đường cao tốc. Nhà đầu tư khi đến tìm hiểu rất quan tâm đến yếu tố này, bởi gần cao tốc sẽ tiết kiệm chi phí vận chuyển . “Chúng ta hình dung các khu công nghiệp như cành cây, còn cao tốc như xương sống của cành cây vậy” – ông Hiển dẫn chứng.
Vài năm nữa, khi các cao tốc trục ngang hoàn thành, ĐBSCL sẽ có một hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, giúp vận chuyển hàng hóa thuận lợi, nhanh chóng, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa mỗi địa phương.
Khơi thông “điểm nghẽn”
Còn theo ông Trương Cảnh Tuyên – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, ĐBSCL được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là trong sản xuất và xuất khẩu lương thực, thủy sản, cây ăn trái. Tuy nhiên, những lợi thế này chưa được phát huy đúng như kỳ vọng mà chỉ dừng lại ở mức tiềm năng.
Vùng ĐBSCL thời gian qua còn vướng nhiều “điểm nghẽn” trong phát triển, trong đó “nút thắt” lớn nhất nằm ở hạ tầng – ông Tuyên nhận định.
“Cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ khánh thành không những kết nối nhanh, thuận tiện vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ mà còn giúp các địa phương vùng ĐBSCL được gắn kết với nhau, tạo thành chuỗi phát triển kinh tế đồng đều và liên thông”, ông Tuyên cho biết.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng Hậu Giang cũng như các tỉnh miền Tây có sản phẩm chủ lực là cây trái và thủy sản, thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh miền Đông và xuất khẩu. Khi cao tốc khánh thành sẽ giúp vận chuyển nhanh, giảm giá thành và luôn đảm bảo được hàng tươi sống đến người tiêu dùng. Từ đó, giá trị nông sản của địa phương tăng lên và thu nhập của người dân cũng tốt hơn.
Sẽ tăng trưởng nhanh
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng Cần Thơ là địa phương được hưởng lợi đầu tiên khi cao tốc thông xe toàn tuyến. Kế đó là các tỉnh nam sông Hậu như Hậu Giang, Sóc Trăng…
“Năm 2024, 2025 sẽ là năm tăng trưởng của nhiều địa phương hưởng lợi từ tuyến giao thông này” – ông Lam tin tưởng.
Tuy nhiên, khi nhiều địa phương bứt phát về kinh tế, tăng tốc phát triển sẽ phát sinh các điểm nghẽn giao thông.
“Tuyến cao tốc TPHCM- Trung Lương – cửa ngõ của 13 tỉnh, thành cần phải mở rộng gấp đôi. Trung Lương về Mỹ Thuận cửa ngõ của 10 tỉnh cũng phải mở rộng tiếp; Từ Mỹ Thuận về Cần Thơ là của 6 tỉnh dưới này, phải tính sớm những phân đoạn đó. Chỉ có 4 làn xe, nhất là Trung Lương về đây là không đủ” – chuyên gia nêu quan điểm.