Hầu hết bài thi đánh giá năng lực, tư duy kiểm tra kiến thức toàn diện của thí sinh với nhiều dạng câu hỏi trắc nghiệm.
Các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy để xét tuyển đại học diễn ra từ tháng 3 đến 7. Để thí sinh làm quen, nhiều trường đã công bố đề tham khảo hoặc câu hỏi mẫu cho từng phần thi/môn thi.
Đại học Quốc gia Hà Nội
Bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA) được làm trên máy tính, thời gian từ 195 đến 199 phút. Đề gồm ba phần với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đáp án) và câu hỏi điền đáp án ở lĩnh vực Toán học (50 câu, 75 phút), Văn học – Ngôn ngữ (50 câu, 60 phút), Khoa học tự nhiên – xã hội (50 câu, 60 phút). Phần 1 và 3 sẽ có thêm 1-3 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm.
Đề thi tham khảo HSA (Thí sinh có thể tạo tài khoản, làm bài thi tham khảo tại địa chỉ https://tk.cet.vnu.edu.vn/).
Đại học Quốc gia TP HCM
Cấu trúc đề thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm, với ba phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic và Phân tích số liệu; Giải quyết vấn đề. Thí sinh làm bài trên giấy, trong 150 phút, thang điểm 1.200.
Mẫu đề thi đánh giá năng lực 2024
Đại học Sư phạm Hà Nội
Kỳ thi đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm Hà Nội gồm 8 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.
Trong đó, đề Ngữ văn đưa ra ba văn bản với 15 câu hỏi trắc nghiệm (chiếm 30% số điểm), một câu nghị luận văn học, một câu nghị luận xã hội. Thời gian làm bài 90 phút. Các môn khác có 28-32 câu trắc nghiệm (chiếm 70-80% tổng số điểm), 2-3 bài tự luận. Thí sinh làm bài môn Toán trong 90 phút, các môn còn lại có thời lượng 60 phút, đều trên giấy.
Cấu trúc đề được thi đánh giá của Đại học Sư phạm Hà Nội được giữ ổn định như các năm trước, thí sinh làm bài trên giấy. Các câu hỏi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông 2006, đánh giá theo mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Đề tham khảo ở từng môn như sau:
Đại học Sư phạm TP HCM
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm TP HCM gồm 6 bài thi: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Tiếng Anh. Thí sinh làm bài trên máy tính.
Thời gian làm bài môn Toán, Lý, Hóa, Sinh là 90 phút, gồm 50 câu hỏi, trong đó 35 câu trắc nghiệm bốn lựa chọn, 15 câu dạng trả lời ngắn. Bài thi Ngữ văn gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm với bốn lựa chọn, một bài viết nghị luận xã hội, thời gian làm bài tương tự. Riêng bài thi môn Tiếng Anh có thời gian làm bài 180 phút với bốn phần Nghe, Nói, Đọc, Viết.
Đại học Bách khoa Hà Nội
Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết nội dung và hình thức bài thi đánh giá tư duy năm 2024 được giữ nguyên như năm ngoái. Cấu trúc bài thi gồm ba phần: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút) với ba mức độ đánh giá tư duy (tư duy tái hiện, tư duy suy luận và tư duy bậc cao).
Các câu hỏi trong đề thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội được xây dựng dưới hình thức trắc nghiệm, với bốn dạng: chọn đáp án đúng, đúng/sai, kéo thả và câu trả lời ngắn.
Đại học Ngân hàng TP HCM
Kỳ thi gồm 7 bài độc lập: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tiếng Anh, Sử, Địa. Trong đó, môn Toán có thời gian làm bài 90 phút, còn lại 60 phút với hình thức trắc nghiệm. Trường chưa công bố đề tham khảo năm nay. Đề tham khảo năm ngoái như sau:
Đại học Việt – Đức
Trường dành chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm bài thi TestAS (Test for Academic Studies), bao gồm một bài thi cơ bản (Core Test) và một bài thi kiến thức chuyên ngành (Subject Specific Test). Đây vốn là bài kiểm tra để đánh giá khả năng học đại học của sinh viên nước ngoài tại Đức.
Ngoài ra, thí sinh phải làm bài thi tiếng Anh (hay còn gọi là bài thi “onSET”) – trên máy tính với thời gian làm bài khoảng 40 phút. Thí sinh được miễn bài tiếng Anh nếu có chứng chỉ IELTS 5.0 hoặc TOEFL iBT 42 trở lên; đạt 7,5 điểm môn tiếng Anh ở kỳ thi tốt nghiệp THPT; đến từ các quốc gia sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức; tốt nghiệp các chương trình THPT quốc tế mà ngôn ngữ giảng dạy và kiểm tra là tiếng Anh.
Các trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy để kiểm tra đầu vào đều khẳng định thí sinh không cần phải đến các “lò” luyện thi, thay vào đó ôn luyện các kiến thức được học trong chương trình THPT, đặc biệt kiến thức lớp 12.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả các phương thức.
Các chuyên gia dự đoán kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy sẽ có quy mô lớn hơn và được nhiều trường sử dụng hơn vào năm 2025 – khi kỳ thi tốt nghiệp THPT thay đổi để phù hợp với chương trình phổ thông mới.