Theo NASA, tàu thăm dò Luna 2 đã tạo ra một miệng hố khi chạm xuống Mặt trăng. Một số nhà khoa học cho rằng, thời điểm lịch sử đó báo hiệu sự khởi đầu nỗ lực khám phá Mặt trăng của loài người, đồng thời cũng là sự khởi đầu của một kỷ nguyên địa chất mới, hay còn được gọi là Kỷ nhân sinh Mặt trăng (Lunar Anthropocene), theo một bài bình luận đăng trên tạp chí Nature Geoscience vào ngày 8/12/2023.
Tác giả chính của bài báo, ông Justin Holcomb – một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ của Cơ quan Khảo sát Địa chất Kansas tại Đại học Kansas cho biết: “Ý tưởng này rất giống với cuộc thảo luận về Kỷ Nhân sinh trên Trái đất, khám phá xem con người đã tác động đến hành tinh của chúng ta đến mức nào”.
Ý tưởng về Kỷ nhân sinh Mặt trăng xuất hiện vào thời điểm các cơ quan không gian dân sự và các tổ chức thương mại đang thể hiện sự quan tâm mới đến việc quay trở lại Mặt trăng hoặc tìm cách lần đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng đối với một số người.
Ông Justin Holcomb cho rằng, môi trường trên Mặt trăng – vốn đã được con người định hình vào thời kỳ đầu của Kỷ Nhân sinh Mặt Trăng – sẽ bị thay đổi theo những cách mạnh mẽ hơn khi hoạt động khám phá tăng lên.
Dấu chân nhân loại trên Mặt trăng
Cho đến nay, bề mặt Mặt trăng đã lưu nhiều dấu vết từ các cuộc thám hiểm của con người. Kể từ khi Luna 2 hạ cánh, hơn 100 tàu vũ trụ đã bị rơi và hạ cánh xuống Mặt trăng và “con người đã gây ra xáo trộn bề mặt ở ít nhất 58 địa điểm khác nhau trên bề mặt mặt trăng”. Việc chạm xuống bề mặt Mặt trăng là điều vô cùng khó khăn, bằng chứng là có rất nhiều vụ va chạm đã để lại dấu ấn và tạo ra những miệng hố mới.
Cuộc chạy đua không gian trong thời kỳ Chiến tranh lạnh đã khởi động một loạt sứ mệnh Mặt trăng và phần lớn kể từ đó đã được triển khai. Các sứ mệnh Apollo của NASA là những sứ mệnh đầu tiên đưa con người đi vòng quanh Mặt trăng trong những năm 1960 trước khi đưa các phi hành gia hạ cánh an toàn lên bề mặt Mặt trăng lần đầu tiên vào năm 1969 với tàu Apollo 11. Cuối cùng, 12 phi hành gia NASA đã đi bộ trên bề mặt Mặt trăng từ năm 1969 đến năm 1972.
Theo ông Justin Holcomb, với sự xuất hiện của con người, rất nhiều đồ vật đã bị bỏ lại, trong đó có thiết bị khoa học dùng cho thí nghiệm, các bộ phận của tàu vũ trụ, cờ, ảnh và thậm chí cả bóng Golf và các văn bản tôn giáo.
Các nhà nghiên cứu cho biết, việc tuyên bố về Kỷ nhân sinh trên Mặt trăng có thể làm rõ rằng, Mặt trăng đang thay đổi theo những cách không tự nhiên do sự khám phá của con người.
Ông Holcomb cho biết: “Các quá trình văn hóa đang bắt đầu vượt xa nền tảng tự nhiên của các quá trình địa chất trên Mặt trăng. Các quá trình này liên quan đến việc di chuyển các trầm tích mà chúng tôi gọi là ‘đá regolith’ trên Mặt trăng. Thông thường, các quá trình này do các tác động của thiên thạch và các sự kiện chuyển động khối lượng lớn, cùng nhiều quá trình khác. Tuy nhiên, khi chúng tôi xem xét tác động của máy thám hiểm, tàu đổ bộ và sự di chuyển của con người, chúng cũng làm xáo trộn đáng kể lớp đất bề mặt”.
Theo các nhà khoa học, Mặt trăng cũng có những đặc điểm giống như một tầng ngoài mỏng manh bao gồm bụi, khí và băng bên trong những khu vực bị che khuất vĩnh viễn, dễ bị tổn thương và có thể bị xáo trộn khi hoạt động khám phá tiếp diễn. “Các sứ mệnh trong tương lai phải xem xét việc giảm thiểu những tác động có hại lên môi trường Mặt trăng” – ông Holcomb nói.
Cuộc đua thám hiểm Mặt trăng
Một cuộc chạy đua không gian mới đang nóng lên khi nhiều quốc gia đặt mục tiêu thực hiện các nhiệm vụ bằng robot và phi hành đoàn để khám phá cực Nam của Mặt trăng cũng như các khu vực khó tiếp cận và chưa được khám phá khác.
Sứ mệnh Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã hạ cánh thành công lên Mặt trăng vào năm 2023 sau khi tàu vũ trụ Luna 25 của Nga và tàu đổ bộ HAKUTO-R của công ty Ispace của Nhật Bản đều bị rơi. Năm nay, nhiều sứ mệnh vẫn đang hướng tới Mặt trăng, trong đó có tàu đổ bộ “Moon Sniper” của Nhật Bản dự kiến sẽ hạ cánh xuống Mặt trăng vào ngày 19/1.
Tàu vũ trụ Peregrine của Astrobotic Technology được phóng trong tuần này trong bối cảnh quốc gia Navajo phản đối rằng, phương tiện này chở hài cốt người do khách hàng trả tiền để gửi lên bề mặt Mặt trăng, làm dấy lên cuộc tranh luận mới về việc ai sẽ kiểm soát Mặt trăng. Nhưng vấn đề về động cơ được phát hiện vài giờ sau khi cất cánh, có nghĩa là Peregrine sẽ vẫn cố gắng hạ cánh lên Mặt trăng và hiện tại, số phận của nó vẫn chưa chắc chắn.
Chương trình Artemis của NASA dự định đưa con người trở lại bề mặt Mặt trăng vào năm 2026. Tham vọng của cơ quan này bao gồm việc thiết lập sự hiện diện bền vững của con người trên Mặt trăng, với môi trường sống được hỗ trợ bởi các nguồn tài nguyên như nước đá ở cực nam Mặt trăng. Tham vọng không gian của Trung Quốc cũng bao gồm việc đổ bộ lên Mặt trăng.
Ông Holcomb cho biết: “Trong bối cảnh cuộc chạy đua không gian mới, quang cảnh Mặt trăng sẽ hoàn toàn khác sau 50 năm nữa. Nhiều quốc gia sẽ có mặt, dẫn đến nhiều thách thức. Mục tiêu của chúng tôi là xóa tan huyền thoại về Mặt trăng tĩnh và nhấn mạnh tầm quan trọng về tác động của chúng ta, không chỉ trong quá khứ mà còn đang diễn ra và trong tương lai”.
Cuộc đổ bộ lên mặt trăng của tàu Apollo 11 vào ngày 20/7/1969, đánh dấu lần đầu tiên con người đặt chân lên một thế giới khác. Các nhà nghiên cứu cho biết, dấu chân để lại trên bụi mặt trăng của các phi hành gia có lẽ là biểu tượng tiêu biểu nhất cho hành trình khám phá đang diễn ra của loài người, có thể sẽ bao gồm các hành tinh như Sao Hỏa trong tương lai.