Nét đẹp quan họ Bắc Ninh Tranh cãi ghế gỗ Đồng Kỵ trong Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh: Hàng ghế gỗ giá bao nhiêu? |
Tuy nhiên, cũng lâu nay, việc liền anh, liền chị quan họ ngả nón mời trầu, nhận tiền tại lễ hội khiến cộng đồng có cái nhìn không đúng.
Người quan họ không “ngửa nón xin tiền”
Hội Lim là lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc – Bắc Ninh. Về với hội Lim có cơ hội được hòa mình vào sinh hoạt văn hóa quan họ – Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đến rồi đi, để khi tan hội mà ai đó vẫn ngẩn ngơ, xao xuyến trước làn điệu “Người ở đừng về”.
Hội Lim đến hẹn lại lên |
Từ cổ xưa cho đến nay, dân ca quan họ là kết tinh những giá trị văn hóa đặc sắc, tinh tuý nhất của người Kinh Bắc, nhất là sau khi quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (ngày 30/9/2009) thì loại hình dân ca này dường như đi sâu hơn vào cuộc sống của người dân, trở thành lẽ sống, gần gũi, tự nhiên như việc ăn uống mỗi ngày. Bởi vậy, mỗi người con vùng Kinh Bắc đều hiểu, biết, trân quý và muốn đóng góp một phần công sức của mình vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của quan họ để mãi trường tồn.
Để quan họ có sức lan tỏa sâu rộng, vào mùa lễ hội, hầu như làng trên xóm dưới vùng Kinh Bắc đều tổ chức hát quan họ giao duyên. Đặc biệt khi hội Lim đến, hát quan họ trên thuyền rồng vẫn là địa điểm được du khách yêu thích nhất. Các liền anh, liền chị xúng xính váy áo. Liền anh đóng áo the, khăn xếp, liền chị áo mớ ba mớ bẩy chèo thuyền rồng hát tại hồ trong khu vực đình Lim. Trong lúc anh hai, chị hai ngả nón mời trầu có không ít khán giả vì mến mộ mà thưởng tiền. Việc này được gọi là tiền “thướng” (hay còn gọi là tiền thưởng) của người quan họ.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, vì một số “con sâu” mà “bỏ rầu nồi canh”, cũng như vì cách hiểu không đầy đủ nên dư luận “dậy sóng” chuyện hát quan họ sử dụng loa máy. Một bộ phận người yêu quan họ “cực đoan” đến mức gán ghép hình ảnh các liền anh, liền chị hát trên thuyền rồng bên ao làng, trước cửa chùa, hát bên mái đình ngửa nón quai thao mời trầu là “ngửa nón xin tiền”.
NSƯT Phạm Xuân Mùi – nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh đã có lần buồn lòng chia sẻ: Nói liền anh, liền chị “ngửa nón xin tiền” là hoàn toàn sai. Việc thưởng tiền không phải ai đó mới nghĩ ra mà cái này đã có truyền thống từ lâu trong văn hóa dân gian của người Việt. Một người lao động nghệ thuật, một người dành tặng cho họ một chút lì xì, những đồng bạc lẻ đó cũng chỉ thể hiện tấm lòng. Nói câu “quan họ ngửa nón xin tiền” ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của người quan họ.
Cụ Nguyễn Thừa Kế – một nghệ nhân quan họ của vùng Lim năm nay đã 95 tuổi cho biết: Chơi quan họ có 2 cách, là chơi và đi hát quan họ. Hát quan họ là đặt cọc mà hát giờ với nhau, còn chơi quan họ là chỉ hát, ai đưa tiền cho thì tùy thích, chứ không đặt vấn đề. Bây giờ, những người mến quan họ mà đưa tiền thì người hát cũng không từ chối. Nếu họ đang hát ở dưới thuyền mà mọi người đưa tiền sẽ dễ rơi xuống nước, nên người quan họ thường đưa nón ra nhận chứ không phải là xin tiền.
Người hát vẫn nhận tiền “thướng” nhưng phải đảm bảo văn hóa
Năm nay, lễ hội Lim sẽ được tổ chức trong hai ngày 21 và 22/2, tức ngày 12, 13 tháng Giêng, tại 3 xã thuộc tổng Nội Duệ xưa, nay là thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão. Trong đó trung tâm lễ hội là núi Hồng Vân (núi Lim) ở thị trấn Lim, huyện Tiên Du.
Ông Lê Xuân Lợi – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Du, Trưởng Ban tổ chức lễ hội Lim 2024 – cho biết: “Tất cả các liền anh, liền chị hát trên khu vực của lễ hội Lim, cũng như hát trên thuyền rồng xung quanh các làng thuộc tổng Nội Duệ xưa đều là tự nguyện hát quan họ. Vì liền anh, liền chị từ trước đến nay đều say mê câu hát trong những ngày hội đầu năm. Tuy nhiên, Ban tổ chức cũng có chế độ bồi dưỡng cho các câu lạc bộ theo quy định. Du khách thưởng cho các liền anh, liền chị thì coi như là tiền mừng tuổi”.
Cùng chia sẻ về vấn đề “nhận tiền khi hát quan họ”, theo ông Nguyễn Đại Đồng – Chủ tịch UBND huyện Tiên Du: Nói quan họ ngửa nón xin tiền ở hội Lim là không chính xác. Ở vùng đất quan họ, dịp đầu năm mới, nếu thích hoặc muốn động viên các liền anh, liền chị sau một tiết mục nào đó, người ta hay “thướng” (tương đương với chữ “thưởng”). Đây là một truyền thống tốt đẹp, không ép buộc, ai thích thì thướng. Người nhận và người thướng đều thấy lòng vui vẻ trong không khí đầu xuân.
Là người nhiều năm đi trẩy hội Lim, chị Nguyễn Ngọc Hà (Cầu Diễn, Hà Nội) nói: “Sau khi nghe hát, mình thấy hay, thấy mến mộ muốn bày tỏ chút tình cảm đối với người hát bằng việc tặng chút tiền không phải là vấn đề gì lớn cả, cũng giống như một chút tiền công để động viên các liền anh, liền chị ca hát mang niềm vui đến cho du khách thập phương…”
“Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình. Người Bắc Ninh vốn trọng giao duyên”. Tình nghĩa “chạ anh, chạ em” của người quan họ nghìn đời nay vẫn giữ nguyên giá trị. Xuân đến, người quan họ tạm gác việc nhà, việc đồng áng, sản xuất để đón bạn đến hát hội vui xuân cho tàn canh, mãn vó. Người quan họ hát để diễn tả tình yêu cuộc sống, tình yêu lứa đôi, đối đáp với nhau vì nghĩa, nể nhau vì tài chứ đâu phải vì cuộc sống khó khăn mà “ngửa nón xin tiền”.
Vậy nên, ai du xuân này nhớ ghé hội Lim để nghe hát câu quan họ giao duyên đậm tình mà sâu lắng. Người quan họ không quá khắt khe nhưng phải có duyên mới đến được với nhau. Thế nên, hãy cùng nhau giữ gìn và lan tỏa những giá trị tinh túy nhất của loại hình dân ca đặc sắc, Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại – dân ca quan họ Bắc Ninh.