Vậy mà đã hơn 50 năm, dấu chân của GS Võ Tòng Xuân và lớp lớp các nhà khoa học in trên đồng bằng lai tạo, tìm ra những giống lúa mới, chế ngự sâu bệnh, hóa giải đất phèn để hôm nay Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã trở thành một trong những “nồi cơm” khổng lồ của thế giới.
Trước khi đến với cuộc trò chuyện này, tôi đã đọc rất kỹ bài giới thiệu về giáo sư trên Wikipedia, trong đó tôi cảm thấy rất ấn tượng với hành trình trở về của giáo sư từ vị trí công việc khá lý tưởng ở Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế về lại đồng bằng khi đó còn chìm trong khói lửa chiến tranh. Điều gì thôi thúc giáo sư trở về ở thời điểm đó?
– Năm 1961, tôi nhận được học bổng du học của Đại học Nông nghiệp Philippines, đến năm 1966 tôi tốt nghiệp đại học bằng cử nhân Hóa nông và được nhận làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI).
Vào một ngày năm 1971 khi đó công việc nghiên cứu của tôi ở Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế đang rất ổn định, mức lương cao thì tôi nhận được một lá thư của ông Nguyễn Duy Xuân, khi đó là Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ. Lá thư đó làm tôi suy nghĩ. “ĐBSCL không có ai chuyên về lúa cả, nếu anh về làm ở đại học chắc sẽ giúp ích được nhiều hơn. Chiến tranh rồi sẽ có ngày hòa bình, cái ăn sẽ luôn luôn đi đầu, rất cần những người như anh…”, ông Nguyễn Duy Xuân đã nhắn gửi trong thư như thế.
Vậy là ngày 9/6/1971, tôi tạm biệt Viện Lúa quốc tế để về lại đồng bằng. Thực ra, ngay từ khi đi học, tôi đã luôn xác định mục tiêu làm sao giúp nông dân giàu lên từ nghề trồng lúa nên khi đó, tôi cũng nghĩ, đã đến lúc trở về.
Khi tôi làm nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu lúa quốc tế dù mới thành lập được vài năm (IRRI thành lập năm 1960) nhưng đến năm 1966 các nhà khoa học của viện đã cho ra đời nhiều giống lúa mới có năng suất cao, trong đó, giống Thần nông 5 (IR5), Thần nông 8 (IR8) có ưu thế vượt trội, năng suất cao, ngắn ngày. Tôi may mắn có được cơ hội học được kiến thức, cách sản xuất mới thì phải có trách nhiệm phổ biến kỹ thuật này ra, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành lúa gạo. Do đó, khi nhận được những lời nhắn gửi của ông Nguyễn Duy Xuân, tôi rất xúc động nên thuyết phục gia đình, về lại đồng bằng “nhân mình ra”. Cần Thơ thời đó tuy là trung tâm của đồng bằng nhưng cũng ít có người giỏi về, một mình tôi dạy 7 môn và hướng dẫn luận văn tốt nghiệp. Riêng trong hai năm 1972 – 1974, tôi đã hướng dẫn được 25 sinh viên làm luận văn tốt nghiệp.
Thời điểm đó, nông dân ĐBSCL chỉ sản xuất những giống lúa dài ngày, thời gian tới 6 – 7 tháng nên mục tiêu của các nhà khoa học ở Đại học Cần Thơ là đưa giống ngắn ngày IR5, IR8 xuống gieo cấy để cải thiện năng suất, từ đó nâng cao đời sống cho bà con.
Quá trình đưa một giống lúa mới, với thời gian thu hoạch, sinh trưởng khác hẳn với lối canh tác của bà con đồng bằng từ bao đời nay hẳn là một quá trình rất gian nan, thưa giáo sư?
– Đúng là vậy, khi mình đưa giống lúa ngắn ngày xuống vận động gieo cấy, bà con ai cũng tỏ vẻ e ngại, khi được khuyến cáo dùng thêm phân bón hóa học để nâng cao năng suất lúa, bà con còn ngại hơn.
Lúc đó, nhờ kinh phí của Phái bộ viện trợ Mỹ, Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế hỗ trợ Việt Nam những gói giống, trong đó có hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cùng các cán bộ khuyến nông đi các tỉnh triển khai trồng giống lúa mới, đầu tiên thử nghiệm ở An Giang, sau đó là Tiền Giang, Cần Thơ,…
Nếu nông dân ngại thì chúng tôi làm mẫu, bà con nông dân rất ngạc nhiên khi cây lúa mới thân lùn, lá thẳng, đạt năng suất từ 5 tấn/ha trở lên trong khi giống lúa cổ truyền dài ngày trồng tới 6 – 7 tháng mới cho thu hoạch, thân dài cây cao nên hay đổ ngã, năng suất chỉ dưới 3 tấn/ha. Nhìn thấy hiệu quả, diện tích giống lúa mới tăng lên rất nhiều, chẳng mấy chốc mà lan khắp đồng bằng.
Trong quá trình đồng hành cùng nông dân và cây lúa ở ĐBSCL, chắc hẳn giáo sư không thể quên được những ngày tháng cùng sinh viên lăn lộn trên cánh đồng trong cuộc chiến chống lại “giặc” rầy nâu, thứ sinh vật mà cho đến bây giờ vẫn là bài toán đau đầu của ngành hàng lúa gạo khi là tác nhân gây bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá?
– Thời điểm ấy cũng là một dấu mốc lịch sử đó. Tôi nhớ khi đó mới giải phóng, tới mùa xuân năm 1976, rầy nâu xuất hiện bùng phát, gây hại rất nặng trên cây lúa, bắt đầu từ tại Tân Châu (An Giang). Các cánh đồng cháy xác xơ vì rầy đốt. Bà con phải nối hàng trăm chiếc xuồng, đi từ kênh này sang kênh kia mua gạo mà không được, cuộc sống vô cùng khổ cực, có nhà phải ăn thân cây chuối, ăn rau vì hết gạo. Nông dân khắp Nam Bộ, từ Long An, đến Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ điêu đứng vì rầy nâu phá hoại, tốn rất nhiều tiền của mua thuốc diệt rầy mà diệt không nổi.
Sau khi nghiên cứu kỹ về tình hình, tôi cùng các đồng nghiệp ngành côn trùng học đi bắt rầy, cho thử nghiệm tấn công trên các giống lúa cũ thì nhận thấy không còn giống lúa nào kháng được rầy nâu. Khi thông báo cho IRRI, họ gửi giống mới sang, tôi nhận được 4 bao thư, mỗi bao có 200 hạt lúa giống mới, IR32, IR34, IR36, IR38. Chúng tôi thử nghiệm các giống lúa, bắt rầy đang phổ biến ở đồng bằng cho ăn giống lúa mới, rất rõ ràng nó kháng được rầy, trong đó, giống IR36 được đánh giá là tốt nhất, cây cao, hạt dài.
Lúc đó, anh em Trường Đại học Cần Thơ xác định, nhiệm vụ của mình rất quan trọng, phải làm nhanh để chặn đừng rầy nâu. Với 200 hạt giống lúa nhận được từ IRRI, trong 2 mùa, sau 200 ngày chúng tôi nhân được 2,5 tấn hạt giống. Lúc đó, tôi đề nghị trường đóng cửa 2 tháng đưa tất cả sinh viên đem hơn 2,5 tấn hạt giống giúp nông dân trồng, nhân giống. Đề xuất này lúc đầu nhận được sự phản đối của nhiều người, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường cũng không đồng ý nhưng rõ ràng đó là mệnh lệnh bởi rầy đang hoành hành, dân đang đói, trong khi giống lúa kháng rầy mình đã có trong tay.
Sau khi có quyết định, chúng tôi huy động toàn bộ sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, ngoài sinh viên ngành nông nghiệp còn có sinh viên Toán, Sư phạm, Ngoại ngữ. Sinh viên trước khi xuống đồng, được học 3 bài: cách làm lúa mạ, cách làm đất và cách cấy 1 tép 1 bụi như thế nào. Xuống đồng, mỗi nhóm đem 1kg hạt giống đi khắp nơi ở đồng bằng, chỉ trong vòng 2 vụ, với sức mạnh của tuổi trẻ, giống IR 36 đã phủ đầy đồng bằng, “giặc” rầy nâu sạch bóng.
Trong lịch sử phát triển của đồng bằng, câu chuyện hóa giải đất phèn, biến những túi phèn thành cáng đồng trù phú có đóng góp công sức của rất nhiều người, trong đó có giáo sư. Hẳn đó phải là một hành trình rất gian nan, thưa giáo sư?
– Hóa giải, chế ngự đất phèn ở ĐBSCL là câu chuyện của trăm năm, phải nói rất gian nan nhưng cũng may chúng ta có sự trợ giúp rất nhiệt tình từ các bạn bè, đối tác quốc tế. Tôi nhớ, Đại học Cần Thơ có mời đội ngũ chuyên gia bên Hà Lan sang giúp, các chuyên gia này đã quen “trị” đất phèn ở Hà Lan, châu Phi, họ rất có kinh nghiệm. Lúc đó, tôi là giám đốc dự án đất phèn, mỗi lần giáo sư Hà Lan qua mở lớp, tôi lại tổ chức cho các tỉnh có đất phèn ngồi nghe, tham khảo cách quản lý đất phèn của Hà Lan như thế nào.
Từ đó, phong trào quản lý đất phèn lan ra nhanh, cách làm dễ nhất là dùng thủy lợi để khơi thông, tháo phèn, chúng ta cho hệ thống kênh mương lấy nước từ sông Cửu Long để hóa giải đất phèn vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên. Nhờ có hệ thống thủy lợi dẫn nước ngọt thau chua rửa mặn mấy chục năm qua, vùng Bắc Long An, Hồng Ngự (Đồng Tháp) giờ trở thành vùng sản xuất lúa chính của đồng bằng, tôi gọi đó là vùng đất cho mai sau, vùng an ninh lương thực với 1,5 triệu hecta đất lúa nước ngọt luôn đủ, nước mặn không bao giờ lên, có thể trồng 3 vụ, thậm chí nều cần có thể tăng thêm 4 vụ bằng cách thay vì sạ thì cấy lúa, lợi dụng thời gian làm mạ để tăng vụ.
Dấu chân của giáo sư và các cộng sự còn in lên nhiều mảnh đất của châu Phi xa xôi, đem theo cây lúa Việt Nam ra thế giới?
– Tôi đi tất cả 15 nước châu Phi nhưng thử nghiệm, áp dụng kỹ thuật trồng lúa ở 8 nước, kết quả rất khả quan. Năm 2007, tôi cùng cùng cộng sự đã đến nước Cộng hòa Sierra Leone (Tây châu Phi) mang theo 50 giống lúa cao sản và 10 giống lúa chất lượng cao. Tất cả 60 giống đều là giống của ĐBSCL. Các giống lúa được trồng thử nghiệm tại khu Mange Bureh và tại Trại nghiên cứu Rokupr. Song song đó, các kỹ sư thủy lợi thiết kế hệ thống tưới tiêu 200ha tại khu thực nghiệm Mange Bureh và xây dựng hệ thống tưới tiêu theo thiết kế… Các chuyên gia Việt Nam đã lập nên kỳ tích: trồng được 2 vụ lúa, năng suất đạt khoảng 4,7 tấn/ha. Thời gian sinh trưởng của cây lúa chỉ từ 95 đến 100 ngày.
Phó Tổng thống Sierra Leone từng nói, nếu Việt Nam giúp Sierra Leone thử nghiệm và tổ chức sản xuất lương thực theo kỹ thuật của ĐBSCL thì không những nông dân Sierra Leone được no ấm mà Việt Nam còn có thể cùng Sierra Leone xuất khẩu gạo trực tiếp từ cảng Freetown của Sierra Leone đến các nước Tây Phi. Sau Sierra Leone, chúng tôi tiếp tục khảo sát Nigieria và Ghana.
Trong rất nhiều những giống lúa giáo sư cùng các cộng sự nghiên cứu, lai tạo trong cuộc đời làm khoa học, có giống lúa nào ông cảm thấy đặc biệt ấn tượng?
– Tôi đặc biệt ấn tượng với giống lúa bây giờ vẫn còn sử dụng, IR 50404. Đây là giống lúa thích nghi với mọi loại đất, dễ trồng, năng suất cao, nhiều nông dân trồng được tới 8 – 9 tấn/ha trong vòng 3,5 tháng, tuy nhiên chất lượng gạo ăn không ngon so với các giống hạt dài hiện nay. Hiện, giống IR 50404 chủ yếu phục vụ chế biến, gạo IR 50404 được xuất khẩu sang Nhật Bản, Úc rất nhiều để làm bột gạo.
Ngoài ra, với sự dẫn dắt, hỗ trợ của tôi, trong giai đoạn 1980-2000, ĐBSCL đã có hàng trăm giống lúa mới được ra đời. Trong số này có thể kể đến đóng góp rất lớn của nhóm kỹ sư, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua (học trò của GS Võ Tòng Xuân – PV), đã lấy tiền túi của gia đình ra làm vốn nghiên cứu, lai tạo ra các giống lúa mới (từ giống lúa mùa dài ngày ở địa phương lai với giống lúa của IRRI, thành giống lúa cao sản ngắn ngày). Tuy nhiên, các giống lúa cao sản mới này không thơm như gạo Thái Lan bởi gen lúa thơm rất khó kết hợp với gen lúa ngắn ngày dù quá trình lai tạo rất tốn kém.
Cho tới khoảng năm 2015, ông Hồ Quang Cua khám phá ra được 1 giống lúa ngắn ngày có mùi thơm từ miền Bắc, đã thử lai với giống lúa ST có từ trước. Rất may mắn là gen thơm của lúa thơm ở miền Bắc kết hợp được với gen lúa ngắn ngày ST, cho ra gạo vừa ngon cơm vừa thơm. Giống lúa ST 24 đã ra đời và trở thành giống lúa ưu việt nhất ở ĐBSCL trong năm 2017. Không lâu sau đó, trong quần thể giống lúa ST 24, ông Hồ Quang Cua chọn ra được 1 giống mới hơn nữa, được đặt tên là ST 25.
Đến năm 2019, ông Hồ Quang Cua đưa gạo ST 25 sang Philippines tham gia dự Hội nghị Thương mại Gạo thế giới. Tại sự kiện này, gạo ST 25 thi đấu với nhiều loại gạo nổi tiếng của các quốc gia khác và đạt kết quả là gạo ngon nhất thế giới.
Từ kết quả trên có thấy, mục tiêu của các nhà khoa học Việt Nam đã đạt được, không những có gạo ngon, mà gạo ST 25 còn trồng được 3 vụ/năm trong khi Thái Lan chỉ trồng được 1 vụ/năm.
Nhìn lại hành trình gắn bó với đồng bằng và cây lúa, theo giáo sư, điều gì làm giáo sư thấy hài lòng nhất?
– Tôi cảm thấy vui và hạnh phúc khi nhìn thấy nụ cười, gương mặt rạng rỡ của người nông dân sau mỗi vụ lúa trúng mùa, được giá.
Năm 1989, Việt Nam xuất khẩu những hạt gạo đầu tiên, chính thức gia nhập thị trường xuất khẩu lúa gạo thế giới. Sau 34 năm, lần đầu tiên trong năm 2023, xuất khẩu gạo lập kỷ lục “vô tiền khoáng hậu”, khoảng 8 triệu tấn với giá trị khoảng 4,6 tỷ USD. GS.Võ Tòng Xuân đánh giá, không gian cho cây lúa đồng bằng còn rất lớn.
Chỉ 14 năm sau giải phóng, ĐBSCL đã có những lô hàng gạo đầu tiên được xuất khẩu. Theo giáo sư, điều gì đã giúp ngành lúa gạo trỗi dậy một cách mạnh mẽ như vậy?
– Trước khi nói về sự kiện Việt Nam gia nhập thị trường lúa gạo thế giới vào năm 1989 thì đi lui lại lịch sử một chút, thực tế, Việt Nam đã từng xuất khẩu gạo những năm đầu thế kỷ 20, lúc đó, người Pháp sang Việt Nam, nông dân Tây Nam Bộ đã xuất khẩu gạo nhưng họ chỉ xuất tới cảng, còn thương lái Hồng Kông, Singapore họ mua lại để tiếp tục xuất sang Nhật Bản, Mỹ,… Sau đó, chiến tranh quá tàn khốc, kéo dài, việc xuất khẩu gạo dừng lại. Chiến tranh kết thúc, Đảng, Nhà nước ta chú trọng vấn đề an ninh lương thực, cứu đói trước, mọi người tập trung trồng lúa, rồi lại xuất hiện “họa” rầy nâu.
Mùa xuân năm 1981, Ban Chấp hành Trung ương họp, tiến tới khoán cho bà con sản xuất để có nhiều lúa hơn, Khoán 100 ra đời, sản lượng lúa lúc đó tăng lên đáng kể. Tới năm 1988, Trung ương mới cho ra đời Nghị quyết khoán 10, cho phép khoán lâu dài, giá lúa, giá vật tư trong Nhà nước và ngoài thị trường bằng nhau. Chính sách mới đã tạo lực đẩy khuyến khích nông dân tăng cường sản xuất. Chỉ sau 1 năm, bước sang năm 1989, sản lượng lúc đã tăng đột biến, tại nghị trường Quốc hội, tôi có đề xuất mở cửa xuất khẩu gạo.
Có chính sách mới tháng 11/1989, những lô hàng gạo đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu, chỉ trong tháng đó, Việt Nam xuất khẩu tới 1,75 triệu tấn.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chính thức phê duyệt Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải. Theo đánh giá, với đề án này, ngành lúa gạo đang đứng trước cơ hội đổi thay mang tính cách mạng. Giáo sư đánh giá như thế nào về tương lai của ngành lúa gạo Việt Nam?
– Năm 2023, lần đầu tiên gạo Việt Nam được định vị lên một tầm cao mới về giá, có hợp tác xã khoe với tôi vụ vừa rồi lãi tới 37 triệu đồng/ha/vụ, một con số cao kỷ lục.
Trong những năm tới, dư địa cho ngành lúa gạo tiếp tục phát triển còn rất lớn bởi áp lực an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến nhiều quốc gia buộc phải tăng mua lương thực dự trữ. Những báo cáo dự báo đánh giá thị trường năm 2024 đều cho thấy thị trường lúa gạo khá khả quan, là cơ sở để các cơ sở nghiên cứu khoa học tiếp tục lai tạo giống mới, để chọn ra những giống lúa hạt dài, thơm và tăng năng suất cây lúa lên 30% so với hiện nay. Và tôi tin các nhà khoa học của Việt Nam có thể làm được điều đó.
Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao sẽ là cơ hội để chúng ta tái cấu trúc lại ngành hàng lúa gạo, sắp xếp lại trật tự của chuỗi giá trị hạt gạo, làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Từ trước đến nay, nông dân sản xuất manh mún, việc tiêu thụ phụ thuộc vào thương lái là chính, tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian dài đã có những tác động tiêu cực lên môi trường đồng bằng. Đã đến lúc phải suy nghĩ khác đi, sản xuất khác đi. Các doanh nghiệp phải vào cuộc, ký hợp đồng dài hạn với nông dân. Việc cần làm hiện nay là các doanh nghiệp hoặc cơ quan chức năng cấp trên đề nghị các nước bạn ký hợp đồng dài hạn, 1 năm thu mua sản lượng khoảng bao nhiêu để nông dân sản xuất, cung cấp.
Người nông dân muốn hạn chế chi phí sản xuất, có đầu ra ổn định thì tham gia hợp tác xã, các hợp tác xã này sẽ liên kết với doanh nghiệp trong phân bổ vật tư, hỗ trợ về kỹ thuật trồng lúa và thu mua sản phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc.
Cây lúa Việt Nam đang ở thời kỳ phồn thịnh. Tôi tin rằng, nếu ngành nông nghiệp ưu tiên phát triển các giống lúa thơm, chất lượng cao, có liên kết, nông dân sẽ trở nên giàu có, bởi thực tế, các thương lái quốc tế rất thích mua gạo của Việt Nam.
Thời gian gần đây, giá lúa gạo của Việt Nam tăng mạnh, có nơi người dân đã thu lợi 3 triệu đồng/1.000m2. Liên quan vấn đề này, trong một hội thảo gần đây về lúa gạo, giáo sư đã có ý kiến cho nông dân sản xuất 4 vụ lúa trong năm. Ông có thể giải thích thêm về tính khả thi của đề xuất này không?
– Nếu năm 2024, nguồn cung lúa gạo vẫn ít hơn so với nhu cầu như năm 2023 thì Việt Nam có thể nâng lên canh tác 4 vụ/năm. Đây là điều rất khả thi, bởi đã có dự báo tình hình biến đổi khí hậu sẽ vô cùng khó khăn, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất lúa gạo của một số nước trên thế giới. Còn ở Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL dọc theo biên giới Campuchia, nhất là ở An Giang và Đồng Tháp bao giờ cũng có nước ngọt phục vụ sản xuất 3 vụ/năm, nước mặn không bao giờ xâm nhập.
Theo tính toán của tôi, vùng này có khoảng 1,5 triệu ha dành riêng để sản xuất lúa. Khi cần thiết, có thể tăng thêm 1 vụ nữa. Để làm được điều này, thay vì sạ lúa, người dân cấy lúa. Cụ thể, khi lúa ra bông thì người dân có thể bắt đầu làm mạ cho vụ kế tiếp. Lúc lúa vụ trước chín, nhanh chóng làm đất rồi lấy mạ có sẵn cấy xuống. Với giống lúa 3,5 tháng/vụ thì dư sức để người dân làm được 4 vụ như vậy trong năm.
Với kỹ thuật hiện nay, bằng cách thay nước ra vào một cách khoa học trong ruộng thời gian đầu, kết hợp với việc bồi dưỡng cho đất đủ các loại phân bón hữu cơ vi sinh thì cây lúa có thể đề kháng được các loại mầm bệnh, phát triển rất tốt từ vụ này sang vụ khác, cho chất lượng gạo ngon.
Giá lúa gạo ngày càng tăng, đây là cơ hội của ngành hàng lúa gạo Việt Nam khi mà chúng ta đang ngày có càng nhiều giống lúa ngắn ngày, chất lượng và năng suất cao.
Vừa qua, GS.Võ Tòng Xuân là người Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng VinFuture với giá trị lớn. Ông bảo, giải thưởng giúp ông có cơ hội thực hiện tiếp những dự án đang ấp ủ…
Xin chúc mừng giáo sư đã trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng VinFuture. Cho đến nay, cảm xúc khi nhận giải thưởng danh giá này của ông như thế nào?
– Tôi rất vinh dự và vui mừng trước sự công nhận từ VinFuture về việc nghiên cứu, nhân rộng các giống lúa của mình trong suốt những năm qua. Từ những nỗ lực của bản thân, sự hỗ trợ của các cá nhân và tập thể có liên quan đã giúp nông dân ĐBSCL trồng lúa đạt năng suất lúa cao hơn, cải thiện sinh kế, đóng góp vào sự vươn lên của Việt Nam, trở thành 1 trong 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Xin nói rõ, không riêng tôi, giải đặc biệt trị giá 500.000 USD/giải dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển có những đóng góp quan trọng trong việc phát minh và phổ biến nhiều giống lúa năng suất cao, kháng rầy tốt, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu còn có GS Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn Độ).
Cách đây 50 năm, khi tôi cùng cộng sự, các học trò lăn lộn khắp các địa phương vùng ĐBSCL để phổ biến giống lúa IR36 nhằm đẩy lùi nạn rầy nâu, đồng thời hợp tác với nông dân ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến trong canh tác lúa, tôi không nghĩ có ngày công việc đó có thể mang lại cho tôi một giải thưởng lớn như VinFuture.
Ông dự định sử dụng giá trị giải thưởng như thế nào?
– Với giá trị giải thưởng tôi nhận được, tôi dự định chia làm 2 phần, trong đó 2/3 tôi muốn dành cho quỹ học bổng cho sinh viên ngành nông nghiệp ở ĐBSCL. Có một thực tế, việc tuyển dụng sinh viên ngành nông nghiệp đang có nhiều bất cập, sinh viên giờ thích học ngành “hot” mà ngại học nông nghiệp, do vậy, tôi muốn tạo động lực để “kéo” nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp. Còn 1/3 tôi sẽ đầu tư cho dự án mà tôi bắt đầu từ mấy năm nay, đó là phổ cập hóa dạy song ngữ cho các trường phổ thông ở Việt Nam.
Giáo sư vừa trải qua cơn bạo bệnh, nhưng tôi thấy, sức làm việc, sức cống hiến của ông vẫn rất dạt dào. Hầu như trong các cuộc họp lớn về cây lúa ở ĐBSCL, ông đều có mặt đóng góp ý kiến, có phải sau biến cố sức khỏe đôi khi người ta nghĩ hãy coi hôm nay như ngày làm việc cuối cùng?
– Cuộc sống của tôi gắn với cây lúa, gắn với những nghiên cứu. Theo yêu cầu của nhiều nơi, không lẽ mình không đáp ứng, coi kỳ quá, nếu đáp ứng thì chịu mệt chút. Cũng vì vậy mà các bác sĩ cự với tôi hoài. Tôi rất cố gắng, không “về hưu” vì nghĩ trong số người Việt Nam, mình là người may mắn học được trước nhiều người về lĩnh vực nông nghiệp, phải chia sẻ để càng nhiều người biết càng tốt.
Đây cũng là nguyện vọng của tôi từ tháng 6/1971 khi quyết định rời IRRI ở Philippines về nước. Do vậy, nếu còn sức khỏe, tôi vẫn muốn tiếp tục cố gắng phấn đấu, hỗ trợ sức mình cho ĐBSCL.
Xin trân trọng cám ơn giáo sư!