Biển Bình Sơn – Ninh Chữ vẫn thế như tôi từng biết đến nhiều năm nay. Nhưng đi thật chậm trong ánh bình minh, ngắm kỹ phía xa xa, nơi những đám mây màu mỡ gà lãng đãng trôi, rồi chậm rãi nhìn vài con thuyền về bến, tôi bỗng thấy có gì đó hơi khang khác mà mình chưa từng biết…
Dù con người đã can thiệp nhưng vẫn còn đó nét hoang sơ. Thế biển vòng cung thành vịnh hình bán nguyệt, thấp thoáng núi đồi, nhấp nhô thuyền về bến, đây đó vẫn còn rau muống biển bò trên cát trắng. Độ dốc biển thoai thoải dần từ bờ ra, sóng chỉ gợn lăn tăn, xô nhẹ lớp bọt trắng xóa vỗ bờ mơn man bàn chân trần người thả bộ…
Thong thả đếm bước dọc đường hoa giấy sát biển, rồi chạy lắp xắp trên cát trắng mịn, tôi chầm chậm tiếp nước để cơ thể quen dần với cái lạnh của nước biển ban mai. Tôi bơi thong thả khoảng hơn mười sải tay thấy cảm giác là lạ: phía trên mặt nước mát rượi, còn sâu xuống một mét là như có làn nước khác hơi lành lạnh một cách dịu êm.
Cảm giác này rõ nhất khi tôi đổi tư thế sang bơi đứng. Còn khi tôi bơi ngửa nhẹ nhàng hoặc nằm yên thư giãn, ngắm nhìn chim yến chao liệng bên trên, ánh bình minh mơn man trên da thịt, nhìn mây chầm chậm trôi, tôi thấy khoan khoái, yên bình, tựa như thiền trên mặt biển, bao âu lo buồn phiền tan biến mất.
Tết này gia đình tôi dành một ngày trải nghiệm ở Vĩnh Hy, bởi cũng khá lâu rồi tôi chưa tham quan vịnh, nghe nói bây giờ ở đó có nhiều thay đổi.
Quả đúng là khác trước, nhất là cung đường mới mở Vĩnh Hy – Bình Tiên; một bên núi, một bên biển, dốc đèo quanh co, uốn lượn theo triền núi với lớp lớp đá to, đá nhỏ chồng xếp lên nhau. Cảnh sắc nơi đây vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng. Tôi được biết nhiều đôi uyên ương đã chọn cung đường nên thơ này để quay phim, chụp ảnh kỷ niệm cho dịp trọng đại trong đời mình.
Thăm lại một số nơi, chúng tôi thấy cảnh trí được tô điểm thêm nhờ sự chăm chút, bổ sung của sản phẩm du lịch: đi ngắm san hô bằng tàu đáy kính có thêm dịch vụ trải nghiệm bằng đi phao chuối do ca nô kéo tốc độ cao; đến check-in tại hang Rái có lều nghỉ chân, cầu sắt bảo vệ để leo núi chụp ảnh, quay phim…
Có lẽ trải nghiệm thú vị nhất ở lần đến Vĩnh Hy này là cuộc vượt suối Lồ Ồ, leo núi ngắm cảnh từ trên cao, bên những tảng đá đẹp trên cà phê Đoài.
Tôi từng nhìn cảnh vật từ trên cao với nhiều cảm xúc khác nhau.
Đến Đà Nẵng, thăm thú Bà Nà, ngắm cảnh từ trên ca bin cáp treo, tôi thấy mình thật bé nhỏ, mong manh trong trùng điệp núi rừng.
Lên Đà lạt, ngắm phố xá, đồi thông từ đỉnh Lang Biang, tôi thấy phố núi bảng lảng trong sương khói thật thơ mộng.
Còn lần này, ngắm sơn thủy hữu tình từ độ cao chon von, lộng gió trên đỉnh núi ở Vĩnh Hy, tôi thấy tâm mình thật tĩnh lặng và cuộc sống dưới kia sao êm đềm, bình yên đến vậy!
Sau một ngày thăm thú, các thành viên trong gia đình đã thấm mệt, bụng bắt đầu sôi, chúng tôi chọn bánh xèo, bánh căn cho bữa tối, một trong những món ăn đặc sản ở vùng biển.
Bánh xèo ở đây không to, không nhỏ, xinh xinh như lá lục bình, được đúc trên lò đất với lửa than. Trong trạng thái sốt ruột, bụng cồn cào vì mùi thơm của bánh bảng lảng trong làn khói mỏng mới thấy sự nôn nao được sớm thưởng thức bánh giục giã đến nao lòng.
Bánh mang ra, thấy bắt mắt bởi trong vòng tròn be bé ấy là một hỗn hợp gồm thịt heo, tôm, mực, giá đỗ tươi rói, khi gấp lại sẽ thấy mặt dưới bánh có màu vàng sậm.
Bánh căn nho nhỏ cỡ nắp ấm trà, được chế biến từ gạo tẻ và cơm nguội xay nhuyễn, đúc trên khuôn lò đất nung của làng gốm Bàu Trúc. Tùy sở thích của người ăn mà nhân bánh là thịt heo, tôm, mực, trứng, được rưới thêm lớp hành lá thái nhỏ khi ra lò. Tôi vừa thổi vừa ăn loại bánh có độ giòn, xốp mà vẫn cảm được độ dẻo đặc biệt.
Sự độc đáo là có đa dạng nước chấm để chọn: mắm nêm, mắm chanh ớt, mắm đậu phộng, nước cá kho hành, ăn kèm rau sống đủ loại. Món này phải ăn nóng, ngọt lịm vị tôm, mực tươi và giòn tan vành bánh hơi sem sém cháy, mới thấy bánh xèo, bánh căn Ninh Thuận không lẫn vào đâu được!
Tết đến xuân về là dịp đoàn tụ gia đình, là khoảng thời gian thư giãn sau một năm bận rộn với guồng quay sinh kế. Song được chầm chậm sống trong tiết trời se lạnh, cảnh sắc thơ mộng, yên bình, người người tươi vui, tôi thấy lòng mình thư thái, an nhiên, tràn đầy hy vọng một năm mới, sáng hơn, vui hơn.
Còn 4 ngày nữa kết thúc cuộc thi “Khoảnh khắc Tết của tôi”
Cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè.
Mỗi bài viết tối đa 1.000 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, chùm ảnh hoặc video.
Bài dự thi chia sẻ lại những điểm dừng chân lý tưởng, vùng đất độc đáo. Qua câu chuyện bạn kể, bạn sẽ giúp nhiều người có cơ hội được biết đến những vùng đất mới, những địa điểm không nên bỏ lỡ khi du xuân.
Đó có thể là bài viết ghi lại những khoảnh khắc bạn bè, người thân sum họp, ăn Tết và vui chơi cùng nhau.
Đó là những ghi chép, kể lại về những trải nghiệm cá nhân từ chuyến đi, chuyến công tác xa nhà trong những ngày Tết mà bạn từng trải qua.
Bài thi ảnh làm nổi bật vẻ đẹp của danh thắng, địa điểm hay vùng đất mà bạn đã tới. Đây là dịp để kể lại những sắc màu rực rỡ và khung cảnh đẹp của Việt Nam hoặc các quốc gia mà bạn đến.
Từ 25-1 đến hết 24-2, bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ [email protected].
Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng).
Chương trình có sự đồng hành của HDBank.