Nghệ sĩ Minh Vương lần đầu tổ chức liveshow sau 60 năm gắn bó cải lương, mời Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu hát.
Chương trình đánh dấu quá trình tham gia nghệ thuật cổ truyền của Minh Vương, 74 tuổi, từ lúc ông vào nghề năm 1964 – khi mới 14 tuổi, đến nay. Trước đó, nhiều người từng khuyên nghệ sĩ làm liveshow để kỷ niệm một đời ca hát, nhưng ông chần chừ vì thích tham gia các đêm nhạc của đồng nghiệp hơn.
Năm 2016, Minh Vương từng trải qua ca phẫu thuật ghép thận – do một thanh niên hiến, ông giữ sức khỏe ổn định đến nay. “Khi đạo diễn Gia Bảo đề nghị làm show, tôi hồi hộp lắm, lo bản thân liệu có đủ sức, nhưng không làm thì sợ trễ. Tôi tự nhủ cố gắng hết sức để không phụ lòng khán giả”, nghệ sĩ nói.
Ông cùng Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu tái hiện bốn trích đoạn tiêu biểu trong sự nghiệp, gồm Đời Cô Lựu (Minh Vương đóng vai Minh Luân), Tô Ánh Nguyệt (vai Minh), Rạng Ngọc Côn Sơn (vai Nguyễn Trãi), Chung Vô Diệm (vai vua Tề). Từ ngày nhận lịch tập, ông nỗ lực giữ giọng, ăn uống cẩn thận theo chế độ. Nghệ sĩ luyện thanh mỗi ngày, hạn chế nói chuyện với âm lượng lớn. “Thỉnh thoảng, tôi thử ca một đoạn xem giọng mình có rè chỗ nào, làn hơi còn tốt không, xong mới yên tâm làm việc tiếp”, ông nói.
Bạch Tuyết – một trong ba nghệ sĩ khách mời chính – cho biết bà thường cân nhắc khi ai đó mời show vì càng lớn tuổi, sức khỏe càng thất thường. Dù vậy, với Minh Vương, bà không nề hà vì quý tính cách của ông. Với nghệ sĩ, đồng nghiệp sống dung dị, chưa từng hiềm khích với ai, luôn dìu dắt các giọng ca trẻ. Bà nói: “Càng lớn tuổi, anh hát càng mùi mẫn”.
Ngoài bốn trích đoạn chính, chương trình còn tái hiện hai tác phẩm nổi tiếng của Minh Vương, do các nghệ sĩ đàn em đảm nhận. Ngọc Huyền, Vũ Luân thể hiện tiết mục Đêm lạnh chùa hoang, Trọng Hữu, Trọng Phúc, Thoại Mỹ, Tú Sương góp giọng trong Nửa đời hương phấn.
Ở tuổi 74, Minh Vương nói không mưu cầu gì nhiều ngoài sức khỏe, bình yên. Thỉnh thoảng, ông nhận lời giám khảo cho cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng để khuyến khích các tài năng trẻ. Ông chú trọng góp ý chuyên môn để giúp các thí sinh hát tốt hơn, đồng thời thêm tự tin trên sân khấu – điều họ đang thiếu. “Tôi nghĩ việc truyền nghề cũng là sự cống hiến cho cải lương, lỡ sau này tôi không còn ca hát đi chăng nữa”, ông nói.
Minh Vương quê Long An, lên Sài Gòn cùng cha mẹ lập nghiệp từ bé. Mê hát cải lương, ông từng thọ giáo thầy Bảy Trạch, xin làm xách đồ, khuân vác cho các đào kép chính trong đoàn. Sau khi đoạt giải Khôi nguyên vọng cổ năm 14 tuổi, ông bắt đầu đi hát năm 14 tuổi, được bầu Long ở đoàn Kim Chung mời ký hợp đồng.
Năm 1967, Minh Vương bắt đầu hát kép chính, đồng thời kết hợp với loạt giọng ca nữ như Lệ Thủy, Mỹ Châu, Diệu Hiền, từ đó trở thành ngôi sao của đoàn Kim Chung thời bấy giờ. Năm 1971, tên tuổi của Minh Vương thực sự tỏa sáng khi được mời thu thanh, với các đĩa Người tình trên chiến trận, Đường gươm Nguyên Bá, Đêm lạnh chùa hoang, Tiêu Anh Phụng, Tái sanh duyên, Đời cô Hạnh, và nhiều bài tân cổ như: Bông lan, Vườn tao ngộ, Yêu lầm, Phút cuối, Biển tình.
Dù chủ yếu đóng kép đẹp, ông còn nổi tiếng với vai kép lão qua nhân vật Nguyễn Trãi ở vở Rạng ngọc Côn Sơn (tác giả Xuân Phong), đạo diễn Đoàn Bá dàn dựng thập niên 1980. Nhiều vai diễn của ông đến nay chưa tìm được lớp kế cận thay thế.
Năm 2008, ông và Lệ Thủy ra mắt Sân khấu vàng – một chương trình xã hội hóa, do nhà hát Trần Hữu Trang quản lý, vừa là sân chơi cho các nghệ sĩ cải lương gạo cội, vừa tạo nguồn quỹ làm từ thiện. Cùng năm, Minh Vương – Lệ Thủy được trao kỷ lục Guinness cặp đào – kép đóng chung lâu năm và ăn ý nhất Việt Nam. Tháng 8/2019, ông được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân.
Mai Nhật