Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam Đỗ Bảo Ngọc cho biết.
Sau năm 2023 đầy thăng trầm của TTCK, nhưng vẫn có những điểm sáng thông qua sự cải thiện về thanh khoản cũng như số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới gia tăng tích cực. Ông đánh giá thế nào về thị trường trong năm qua?
TTCK Việt Nam năm 2023 trải qua nhiều biến động và chịu áp lực lớn từ diễn biến phức tạp của TTCK quốc tế. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, lạm phát dai dẳng cùng chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài của các nền kinh tế lớn và căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp. Tính chung cả năm, giá trị giao dịch bình quân đạt 17.492 tỷ đồng/phiên, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, quy mô vốn hóa và quy mô niêm yết của thị trường cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng, tiếp tục thu hút sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư.
Thanh khoản vẫn được duy trì tốt, trung bình 10.000 tỷ đồng/phiên, với trung bình 800 triệu cổ phiếu khớp lệnh/phiên. Cao điểm là 20.000 tỷ đồng với 1,2 tỷ cổ phiếu/phiên. Tuy con số này chưa cao như năm 2022, nhưng đây là vùng thấp của chỉ số và với giá trị giao dịch và thanh khoản này, thì đây là điều tích cực, vì nguyên tắc của thị trường là điểm số càng tăng, giá cổ phiếu tăng thì nhiều nhà đầu tư mới quan tâm và tham gia vào thị trường, từ đó giá trị giao dịch và thanh khoản tăng.
Bên cạnh đó, 2 sự kiện lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam đó chính là đưa vào vận hành Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, giúp các cơ quan quản lý trong công tác quản lý thị trường trái phiếu riêng lẻ và người dân, doanh nghiệp sẽ giám sát và nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường. Sự kiện thứ 2 tạo tiếng vang cho thị trường chứng khoán Việt Nam đó là câu chuyện “Cắm cờ trên đất Mỹ” với sự kiện niêm yết thành công bước đầu của Vinfat (VFS). Đây là tiền đề cho các DN Việt Nam khác vươn tới quy chuẩn quốc tế, niêm yết nước ngoài với mục đích tiếp cận được các thị trường vốn lớn trên thế giới.
Có thể thấy, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức trong và ngoài nước, ngành Chứng khoán đã đạt được bước tiến đúng đắn là hướng tới thị trường minh bạch, phát triển lành mạnh và công bằng. Ông đánh giá như nào về những giải pháp của Chính phủ và Bộ Tài chính trong thời gian qua?
Có thể khẳng định, chủ trương của thiết lập trật tự, kỷ cương, kỷ luật của TTCK là một bước đi hoàn toàn đúng đắn của cơ quan quản lý trong năm 2023. Hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng vi phạm trên thị trường đã được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả chung cho sự minh bạch, lành mạnh của TTCK. Trong năm 2023, những vấn đề “nóng” liên quan tới thanh khoản trên thị trường trái phiếu đã phần nào được điều chỉnh phù hợp thông qua những quy định mới của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế. Qua đó, thể hiện rõ quyết tâm đưa TTCK tiến gần hơn với mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong giai đoạn 2024-2025. Đặc biệt đã củng cố lại niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường.
Ngoài ra, việc chính thức vận hành thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ tập trung, là một bước quan trọng trong tiến trình phát triển thị trường trái phiếu ngày càng minh bạch, tin cậy và an toàn với nhà đầu tư. Việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo giải pháp cho phép các công ty chứng khoán được nhận lệnh ký quỹ của khối ngoại sẽ gỡ khó cho thị trường, góp phần vào lộ trình nâng hạng thị trường. Cùng với những giải pháp đã triển khai, Công điện lần này của Thủ tướng thực sự là tín hiệu tích cực cho thị trường trong trung và dài hạn.
Ông có dự báo gì về tương lai TTCK năm 2024, đâu là yếu tố nâng đỡ?
Năm 2024, sự hồi phục sẽ mạnh mẽ hơn ở các hoạt động kinh tế, từ tiêu dùng nội địa đến xuất khẩu sẽ được kích hoạt bởi chính sách nởi lỏng lãi suất và tài khoá, cùng với sự hồi phục từ nhu cầu từ bên ngoài. Trên cơ sở đó, thị trường chứng khoán sẽ đi sát với bối cảnh vĩ mô và bước vào giai đoạn đầu của chu kỳ tăng giá.
Trên thị trường quốc tế, Fed đã đạt đỉnh lãi suất và phát đi thông điệp sẽ giảm từ 3-4 lần giảm lãi suất trong năm 2024. Theo đó, môi trường nới lỏng tiền tệ và chính sách rất có thể sẽ duy trì cả năm 2024 để hỗ trợ cho nền kinh tế, kéo theo hành động tương tự ở các ngân hàng Trung ương các nước phát triển. Câu chuyện lạm phát không còn là yếu tố quan trọng cho năm sau khi lạm phát được dự báo hạ nhiệt và không còn là mối bận tâm của các ngân hàng Trung ương.
Ở trong nước, nền kinh tế đã bước qua đáy và bắt đầu vào chu kỳ tăng trưởng từ quý 4/2023 và sẽ tăng tốc ở năm 2024. Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sẽ dồn vào 2024. Độ trễ của chính sách tài khóa tăng chi, giảm thu của Chính phủ thông qua việc miễn, giảm thuế và tiền thuê đất sẽ là yếu tố tích cực giúp nền kinh tê có cơ hội hồi phục.
Mặt khác, các yếu tố như tỷ giá được kiểm soát, quá trình nâng hạng của thị trường chứng khoán được đẩy nhanh tiến độ, hoạt động xuất nhập khẩu được đẩy mạnh khi nhu cầu thế giới gia tăng… là những tín hiệu lạc quan mà nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào xu hướng tích cực của thị trường trong năm tới.
Mục đích ra đời của TTCK là trở thành kênh huy động vốn cho nền kinh tế. Để phát triển TTCK thật sự là kênh dẫn vốn chính, có thể song hành với hệ thống ngân hàng thì cần phải có những giải pháp gì, thưa ông?
Sự phát triển của TTCK thời gian qua với kênh thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu giúp DN và Chính phủ huy động vốn hiệu quả, giúp cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam bền vững hơn rất nhiều. Vai trò của TTCK ngày càng lớn và giúp thị trường vốn trở nên dần cân bằng hơn trong việc dẫn dắt, bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế cũng như các DN niêm yết trên các sàn giao dịch. Điều này còn giúp các DN có thêm nguồn lực mở rộng hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế.
Trước hết, Chính phủ cần đa dạng hơn nữa các chính sách khuyến khích, phát triển trái phiếu DN. Đồng thời thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm DN để minh bạch thông tin, kiểm soát rủi ro đối với người đầu tư xếp hạng tín nhiệm để DN minh bạch thông tin, kiểm soát rủi ro đối với người đầu tư tham gia. Ngoài ra, đối với thị trường cổ phiếu cũng phải thúc đẩy vấn đề minh bạch thông tin, gia tăng uy tín của thị trường để ngày càng phát triển hơn.
Mặt khác, các cơ quan quản lý cần chủ động rà soát các quy định về Luật Chứng khoán để đưa vào chương trình xây dựng pháp luật. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình rà soát để sửa đổi Nghị định 155, các thông tư hướng dẫn và các quy định pháp luật có liên quan. Đồng thời, cần duy trì, giữ nghiêm trật tự, kỷ cương kỷ lật thị trường, xử lý nghiêm các sai phạm, hỗ trợ thị trường chứng khoán hoạt động ngày càng minh bạch và lành mạnh hơn nữa.
Xin cảm ơn ông!
12:35 20/01/2024