Ông đánh giá như thế nào về Hội thảo phát triển hệ thống ĐSĐT tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vừa qua?
Có thể khẳng định Hội thảo đã rất thành công, mang đến những kiến giải thiết thực, góp phần hoạch định chiến lược lâu dài và bền vững cho phát triển ĐSĐT cũng như mô hình TOD (Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) của Thủ đô và cả nước. Đây là Hội thảo mang tầm quốc tế, với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý uy tín trong và ngoài nước.
Một điểm đáng chú ý là trong cả 5 phiên thảo luận diễn ra suốt từ 17 – 19/1 đều có sự tham gia của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, một số Ủy ban của Quốc hội, bộ, sở, ngành từ T.Ư đến địa phương. Điều đó cho thấy Hội thảo đã thành công cả trên phương diện lý luận, tham vấn chính sách, lẫn tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn.
Sự tham gia của các lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho thấy điều gì thưa ông?
Như tôi đã nói, tất cả các phiên thảo luận của Hội thảo đều có sự tham dự của lãnh đạo thành phố, từ Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho đến các Phó Chủ tịch UBND thành phố: Lê Hồng Sơn, Dương Đức Tuấn, Nguyễn Trọng Đông, Hà Minh Hải. Điều cho thấy tầm quan trọng của Hội thảo đối với việc hoạch định chính sách, tháo gỡ khó khăn cho ĐSĐT của Thủ đô.
Sự tham dự của các lãnh đạo thành phố không chỉ làm nức lòng các chuyên gia, nhà khoa học mà còn khiến Nhân dân Thủ đô thấy rõ tầm quan trọng của ĐSĐT, TOD đối với tương lai thành phố, tạo nên hiệu ứng ủng hộ rất mạnh mẽ trong xã hội.
Mặt khác, tại Hội thảo, những kinh nghiệm, kiến giải sẽ được truyền đạt thẳng từ diễn giả đến nhà quản lý, mang lại hiệu quả cao nhất về mặt tham vấn chính sách. Phát triển ĐSĐT và TOD là một trong những nhiệm vụ lớn nhất, cấp bách nhất của Hà Nội hiện nay, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước, và Nhân dân giao phó. Vì vậy lãnh đạo UBND thành phố đã rất tập trung, khẩn trương tìm hướng đột phá cho lĩnh vực này, mà việc trực tiếp lắng nghe, tiếp thu kinh nghiệm từ Hội thảo cho thấy rõ quyết tâm đó.
Theo ông, điều quan trọng và quý giá nhất thu được từ Hội thảo là gì?
Theo tôi, Hội thảo đã thu được ba kết quả chính. Một là sự quan tâm, đóng góp nhiệt tình, sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học. Hai là thể hiện được sự cầu thị, khẳng định quyết tâm làm ĐSĐT, TOD của chính quyền đô thị Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Ba là những kiến thức, giải pháp, kinh nghiệm thu được từ Hội thảo sẽ trở thành một trong những nền tảng cơ bản để Chính phủ, Quốc hội… xem xét, định hình một bộ khung chính sách mang tầm chiến lược cho cả nước trong lĩnh vực ĐSĐT, TOD.
Những vướng mắc về: giải phóng mặt bằng (GPMB); tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; huy động vốn; hay hợp đồng hợp tác… đều bắt nguồn từ việc thiếu hành lang chính sách riêng, cụ thể cho ĐSĐT, TOD. Thông qua Hội thảo, những kinh nghiệm rất quý giá của nhiều quốc gia đi trước, thành công với ĐSĐT đã được Hà Nội tiếp thu và sẽ chọn lọc để đưa vào thực tế.
Vậy làm thế nào để đưa những kinh nghiệm đó vào thực tế?
Tại Hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khẳng định, thành phố sẽ tiếp thu ý kiến góp ý để hoàn thiện Đề án phát triển hệ thống ĐSĐT thành phố theo 5 nhóm lĩnh vực trọng yếu gồm: Quy hoạch, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); GPMB, thu hồi đất; Thu hút nguồn lực từ đất đai; Tiêu chuẩn kỹ thuật – công nghệ cho ĐSĐT; Mô hình quản lý, tổ chức thực hiện dự án ĐSĐT. Trong đó, trọng tâm là trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình phát triển đô thị theo mô hình TOD và các công cụ thu hồi giá trị gia tăng từ đất.
Có thể thấy lãnh đạo thành phố đã nhận diện rất rõ những vấn đề quan trọng đối với ĐSĐT, TOD và nguồn lực thực hiện. Những kinh nghiệm về 5 nhóm lĩnh vực nêu trên đã được tiếp thu, nhưng để vận dụng vào thực tế lại cần phải có sự chắt lọc, phải dày công nghiên cứu để đưa ra một khung chính sách riêng phù hợp với đặc thù của nước ta, của Hà Nội. Tôi nghĩ sẽ còn phải có thêm những cuộc Hội thảo, các buổi tham vấn chuyên đề sâu hơn nữa để làm rõ tính khả thi và sự cần thiết của từng chính sách, quy định trong lĩnh vực cực kỳ phức tạp và mới mẻ này.
Để xây dựng một chiến lược với những chính sách đặc thù, hiệu quả cho ĐSĐT và TOD cần những gì thưa ông?
Thông qua Hội thảo vừa rồi có thể thấy, chúng ta quá thiếu kinh nghiệm, chưa xây dựng được chiến lược, chính sách hiệu quả, phù hợp với phát triển ĐSĐT và TOD của riêng chúng ta. Để xây dựng chiến lược và chính sách phù hợp chúng ta phải học hỏi từ những quốc gia, đô thị đi trước và đã thành công trong lĩnh vực này. Sau đó phải căn cứ trên thực tế của chính mình để vận dụng. Nhưng quan trọng hơn cả là Hà Nội cũng như các đô thị trong cả nước phải có được sự ủng hộ xuyên suốt của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành T. Ư trong quá trình phát triển ĐSĐT.
Những tồn tại, bất cập thực tế đã được các chuyên gia chỉ rõ như: thiếu quy định về lập thẩm định, phê duyệt quy hoạch TOD, thu hồi giá trị đất đai trong khi làm ĐSĐT; thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chung; bị ràng buộc bởi quá nhiều thủ tục hành chính gây khó khăn cho các dự án ĐSĐT; thiếu kinh nghiệm về tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng dự án TOD (bao gồm phát triển đường sắt đô thị và đô thị xung quanh các nhà ga) cũng khu khung pháp lý kèm theo; … Tất cả những vấn đề đó sẽ được giải quyết về cơ bản nếu Quốc hội thông qua Luật Thủ đô, trao quyền tự quyết cho Hà Nội trong việc đầu tư, xây dựng các dự án ĐSĐT.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
13:41 27/01/2024