Hình ảnh MV “À lôi” của Double2T
Ðây là hướng đi đáng khuyến khích, góp phần tạo nên sự đa dạng, sôi động cho đời sống âm nhạc nước nhà, đồng thời đưa văn hóa truyền thống không ngừng lan tỏa trong đời sống hiện đại.
Năm 2023, ca khúc “À lôi” của rapper Double2T (tên thật là Bùi Xuân Trường) được nhiều người đánh giá như một hiện tượng âm nhạc trong năm. Cụ thể, chỉ sau 13 ngày đăng tải ca khúc này đã đứng ở vị trí thứ nhất top trending (xu hướng) của nền tảng YouTube với 10 triệu lượt nghe, còn ở các nền tảng nghe nhạc trực tuyến, “À lôi” thu về hàng triệu lượt theo dõi. “Bí quyết” giúp “À lôi” – sản phẩm của một tên tuổi hoàn toàn mới – ghi điểm ngoạn mục chính là nhờ sự kết hợp đặc sắc giữa phong cách hiện đại với chất liệu dân gian, truyền thống của dân tộc Tày.
Vốn xuất thân từ Tuyên Quang, một tỉnh thuộc miền núi phía bắc, rapper Double2T có lợi thế trong việc khai thác và sử dụng chất liệu âm nhạc và từ ngữ dân tộc trong các bản rap của mình, trong đó có “À lôi” giúp tạo ra mầu sắc âm nhạc khác biệt trong thị trường âm nhạc hiện nay. Ðiều đáng nói là rapper Double2T đã xây dựng thương hiệu bản thân, với các bài rap đậm đà bản sắc dân tộc, thường xuyên xuất hiện các điệu hát Then, tiếng đàn tính, kèn lá,… được tính toán một cách hợp lý, giúp cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và thị hiếu của khán giả.
Chính vì vậy “À lôi” cùng với các ca khúc khác như “Người miền núi chất”, “Kéo em về làm vợ” (lấy cảm hứng từ truyện Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài) của Double2T góp phần đem bản sắc văn hóa của người dân vùng cao đến gần hơn với cộng đồng.
Theo dõi đời sống âm nhạc những năm gần đây có thể thấy đang xuất hiện một làn sóng mới trong các nghệ sĩ trẻ, đó là trào lưu khai thác chất liệu âm nhạc dân gian, nghệ thuật truyền thống các vùng miền vào các sản phẩm âm nhạc của mình. Trường hợp Double2T chỉ là một trong số đó. Những năm trước, công chúng đã vô cùng thích thú với các MV đầy tính sáng tạo của Ngô Hồng Quang, Tân Nhàn, Hoàng Thùy Linh, Ðức Phúc, Hòa Minzy, Chi Pu… Ðiểm chung của các sản phẩm này là các nghệ sĩ rất chú trọng việc khai thác, sử dụng chất liệu văn hóa dân gian, truyền thống của dân tộc cũng như những nét đặc sắc của mỗi vùng miền từ đó kết hợp với yếu tố hiện đại một cách đầy sáng tạo.
Không chỉ dừng lại như là một trào lưu thời thượng, mang tính nhất thời, sự đầu tư và thái độ làm việc nghiêm túc của các nghệ sĩ cho thấy đây là một hướng đi mới mà họ muốn thử sức và khẳng định tài năng của mình. Tiêu biểu như ca sĩ Hà Myo, sau thể nghiệm thành công với chùm ca khúc khai thác chất liệu xẩm (một loại hình dân ca của Việt Nam, phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ) tiêu biểu là “Xẩm Hà Nội”, “Xẩm xuân xanh”, “Xẩm bốn mùa hoa Hà Nội”, “Xẩm Xuân chúc phúc”… cô đã mạnh dạn hơn trong việc khai thác văn hóa truyền thống trong các sản phẩm âm nhạc mới.
Ðầu năm 2022, Hà Myo đã cho ra mắt MV “Ðập nàng Khọt” với sự kết hợp hết sức độc đáo giữa dân ca Mường, đọc rap bằng tiếng Mường và nhạc điện tử. Chưa dừng lại ở đó, chỉ ít lâu sau, cô tiếp tục cho ra mắt MV “Ký sự Trường Sa” hòa trộn giữa nhạc điện tử, rap và dân ca Nam Trung Bộ, với nội dung ca ngợi vẻ đẹp Trường Sa; ý chí, nghị lực của các chiến sĩ nơi hải đảo và thể hiện tình yêu biển, đảo Tổ quốc của thế hệ trẻ. Chia sẻ về hướng đi của mình, ca sĩ Hà Myo cho biết: “Tôi vẫn kiên trì và miệt mài trên con đường đưa vẻ đẹp âm nhạc dân gian, nghệ thuật truyền thống Việt Nam đến với khán giả trẻ hôm nay”.
Chính nhờ những sản phẩm âm nhạc khai thác hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc từ thế hệ các nghệ sĩ trẻ đã truyền cảm hứng rất lớn đến công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Các sản phẩm âm nhạc này không chỉ giúp mang đến những trải nghiệm âm nhạc độc đáo, mới mẻ mà còn góp phần lan tỏa và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hôm nay, giúp công chúng có sự tiếp cận và hiểu biết hơn về văn hóa dân gian với góc nhìn và cảm xúc vô cùng mới mẻ.
Chính từ đây đã từng bước củng cố và tăng lên niềm tự hào của công chúng, nhất là thế hệ trẻ với kho tàng văn hóa vô giá mà cha ông đã để lại. Những sản phẩm âm nhạc mang đậm dấu ấn văn hóa Việt khi được lan tỏa trên các nền tảng mạng xã hội cũng sẽ giúp cho bạn bè quốc tế hiểu và yêu Việt Nam hơn. Như thời gian qua, ca khúc “See tình” của Hoàng Thùy Linh khai thác khéo léo chất liệu âm nhạc đờn ca tài tử, cùng nét văn hóa đặc sắc của miền Tây Nam Bộ đã chinh phục đông đảo khán giả quốc tế và trở thành một hiện tượng gây sốt ở nước ngoài.
Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cho đến cả những ngôi sao trong lĩnh vực thể thao của nhiều nước đã học hát theo ca khúc và thực hành các động tác vũ đạo trong MV sau đó đăng tải trên mạng và thu hút rất đông người xem. Thậm chí nữ vận động viên bóng chuyền Lee Da-hyeon của Hàn Quốc trong một trận đấu đã ăn mừng chiến thắng bằng cách nhảy trên nền nhạc ca khúc “See tình” của Hoàng Thùy Linh.
Trong dòng chảy phát triển của nền âm nhạc nước nhà, việc khai thác, sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian, nghệ thuật truyền thống các vùng miền đưa vào các sản phẩm âm nhạc hiện đại không phải là điều mới mẻ. Nhiều thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ Việt Nam đã có những sự kết hợp tài tình giữa âm nhạc và văn hóa truyền thống với các yếu tố hiện đại để sáng tạo ra những sản phẩm đặc sắc, không ngừng làm giầu có thêm cho kho tàng âm nhạc đất nước.
Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, âm nhạc Việt Nam đang cởi mở, tiếp cận nhiều xu hướng, trào lưu âm nhạc thế giới, có không ít nghệ sĩ quá đề cao giá trị âm nhạc của thế giới, mải mê với các trào lưu đang thịnh hành ở các nước mà chưa coi trọng đúng mức các giá trị văn hóa cũng như âm nhạc truyền thống của dân tộc. Chính vì vậy sự xuất hiện một thế hệ nghệ sĩ trẻ biết trân trọng, có ý thức giữ gìn, khai thác các giá trị truyền thống, làm giàu thêm cho nền âm nhạc Việt Nam là điều rất ý nghĩa và cần khuyến khích.
Sự xuất hiện của thế hệ nghệ sĩ này với sự nhạy bén, sức sáng tạo dồi dào, nắm bắt kịp thời thị hiếu của công chúng để từ đó cho ra đời nhiều sản phẩm âm nhạc chất lượng, sẽ giúp đời sống âm nhạc Việt Nam thêm phần phong phú, sôi động. Ðồng thời, nhờ lựa chọn hướng đi đúng đắn, biết chắt lọc, khai thác hiệu quả tinh hoa văn hóa của dân tộc trong các sản phẩm âm nhạc của mình, không ít nghệ sĩ đã gặt hái được thành công, xác lập được chỗ đứng trong lòng khán, thính giả.
Cũng cần phải nói thêm, bên cạnh yếu tố đáng khuyến khích nêu trên, đã và đang có hiện tượng một số nghệ sĩ vì chạy theo trào lưu hoặc thiếu vốn sống, hiểu biết đã vội vàng cho ra mắt những sản phẩm âm nhạc có tính chất “ăn xổi”, lai ghép thô vụng, sống sượng âm nhạc truyền thống với âm nhạc hiện đại, sử dụng chất liệu văn hóa dân gian thiếu tinh tế, ngôn từ phản cảm,… gây bức xúc dư luận.
Thực tế để đưa chất liệu âm nhạc dân gian, truyền thống cũng như các yếu tố văn hóa cổ truyền vào các sản phẩm âm nhạc hiện đại cần phải có sự nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc, thấu đáo, để vừa phù hợp với nội dung, hình thức thể hiện vừa tạo sự cộng hưởng làm gia tăng hiệu quả. Nếu chỉ là sự cóp nhặt vội vàng, học đòi theo trào lưu để gây sự chú ý thì chắc chắn sẽ chỉ cho ra những sản phẩm nửa vời, hời hợt, kém chất lượng, hình ảnh, nội dung không phù hợp thuần phong mỹ tục, lai căng, thậm chí phản văn hóa. Ðã có không ít tình trạng khai thác, biến tấu vốn cổ quá đà làm méo mó văn hóa truyền thống, phản tác dụng.
Không thể phủ nhận việc kết hợp chất liệu văn hóa truyền thống và hiện đại trong lĩnh vực âm nhạc cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác để đáp ứng nhu cầu của công chúng hôm nay luôn là bài toán khó. Những thử nghiệm của nghệ sĩ không phải lúc nào cũng gặt hái được thành công như mong muốn. Ở đây đòi hỏi người nghệ sĩ trước khi khai thác chất liệu truyền thống cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng, thận trọng khi kết hợp với chất liệu hiện đại. Như ca sĩ Hoàng Thùy Linh, để có được thành công với “See tình” cũng đã từng vấp phải những ý kiến trái chiều ở một vài sản phẩm công bố trước đó, khi cô bắt đầu thử sức với chất liệu dân gian, truyền thống.
Ðiều quan trọng là người nghệ sĩ phải không ngừng trau dồi, học hỏi, có thái độ cầu thị, biết lắng nghe và tiếp thu những góp ý từ giới chuyên môn cũng như từ khán giả để có những sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn. Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu âm nhạc Ðặng Hoành Loan – nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, việc sáng tạo cần phải dung hòa giá trị truyền thống và hiện đại.
Thực tiễn đã chứng minh, trong bất kỳ giai đoạn nào, âm nhạc dân tộc vẫn luôn có giá trị lâu dài, bền vững và là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều nghệ sĩ. Bởi vậy, nếu mỗi nghệ sĩ biết trân trọng, có ý thức gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống, biết kết nối giá trị di sản với đương đại sẽ tạo ra giá trị mới vừa góp phần bảo tồn và làm nổi bật nét đặc sắc của nghệ thuật truyền thống, đưa nghệ thuật truyền thống gần gũi hơn với nhiều đối tượng khán giả, đặc biệt là những người trẻ, vừa không ngừng đổi mới sáng tạo để cho ra những sản phẩm đặc sắc đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Về phía các nghệ sĩ, dù lựa chọn dòng âm nhạc nào, muốn thử nghiệm ra sao thì cũng đòi hỏi một thái độ làm nghề nghiêm túc, chịu khó trau dồi, học hỏi, biết trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ðó mới chính là nền tảng, bệ phóng cho tài năng và sự thành công.
PHONG ÐIỆP – Nhandan.vn