1,5 triệu người tị nạn Palestine đang trú ẩn ở Rafa
Văn bản dự thảo của Mỹ “xác định rằng trong hoàn cảnh hiện tại, một cuộc tấn công lớn trên bộ vào Rafah sẽ gây tổn hại thêm cho dân thường và khiến họ phải rời xa hơn, bao gồm cả khả năng sang các nước láng giềng”.
Israel có kế hoạch tấn công Rafah, nơi khoảng 1,5 triệu trong số 2,3 triệu người Palestine ở Gaza đang chen chúc trú ẩn khỏi bom đạn của cuộc chiến, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại rằng một động thái như vậy sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza.
Dự thảo nghị quyết của Mỹ nói rằng một động thái như vậy “sẽ có tác động nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh khu vực, và do đó nhấn mạnh rằng một cuộc tấn công trên bộ lớn như vậy không nên tiến hành trong hoàn cảnh hiện tại”.
Hiện chưa rõ khi nào hoặc liệu dự thảo nghị quyết có được đưa ra bỏ phiếu trong hội đồng gồm 15 thành viên hay không. Để được thông qua, một nghị quyết cần ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không có sự phủ quyết nào của 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an là Mỹ, Pháp, Anh, Nga hoặc Trung Quốc.
Mỹ đưa ra văn bản nghị quyết của riêng mình này sau khi Algeria hôm thứ Bảy yêu cầu hội đồng bỏ phiếu vào thứ Ba về dự thảo nghị quyết, trong đó yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức trong cuộc chiến Israel-Hamas. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield nhanh chóng ra tín hiệu rằng dự thảo nghị quyết của Algeria sẽ bị phủ quyết.
“Đi ngược lại luật nhân đạo”
Trong khi đó, tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu ngoại trừ Hungary hôm thứ Hai cũng đã lên tiếng cảnh báo Israel không nên tiến hành một cuộc tấn công ở Rafah mà họ cho rằng sẽ làm trầm trọng thêm thảm họa nhân đạo ở Gaza.
Ngoại trưởng Ireland Micheal Martin phát biểu trước cuộc họp ngoại trưởng 27 nước thành viên EU tại Brussels: “Một cuộc tấn công nhằm vào Rafah sẽ hoàn toàn thảm khốc… điều đó là vô lương tâm”.
Sau khi các cuộc đàm phán kết thúc, hầu hết các lãnh đạo đã ký và đưa ra tuyên bố chung về “sự ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức để dẫn đến lệnh ngừng bắn lâu dài, thả vô điều kiện tất cả con tin và cung cấp hỗ trợ nhân đạo”.
Tuyên bố được đưa ra dưới danh nghĩa “Bộ trưởng Ngoại giao của 26 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu” và các nhà ngoại giao cho biết Hungary – một đồng minh thân cận của Israel – là quốc gia duy nhất không đăng ký.
Các Bộ trưởng cho biết: “Chúng tôi yêu cầu Chính phủ Israel không thực hiện hành động quân sự ở Rafah, điều này sẽ làm xấu đi tình hình nhân đạo vốn đã thảm khốc và ngăn cản việc cung cấp các dịch vụ cơ bản và hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp”.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, nói: “Chúng ta phải tiếp tục gây áp lực lên Israel để họ hiểu rằng có rất nhiều người trên đường phố Rafah, sẽ không thể tránh khỏi thương vong cho dân thường… Điều này chắc chắn sẽ đi ngược lại sự tôn trọng luật nhân đạo”.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng kêu gọi Israel tôn trọng luật nhân đạo, nhưng nói rằng Israel có “quyền tự vệ” vì rõ ràng các chiến binh Hamas vẫn đang hoạt động ở Rafah. Bà nói: “Điều quan trọng nhất là Hamas sẽ hạ vũ khí của mình”.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres từ lâu đã kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ở Gaza. Giám đốc viện trợ Liên hợp quốc Martin Griffith cảnh báo tuần trước rằng các hoạt động quân sự ở Rafah “có thể dẫn đến một cuộc tàn sát”.
Huy Hoàng (theo Reuters, AP)