Lỗ vì mua vàng ngày Thần tài
Giá vàng miếng SJC ngày 19.2 (ngày Thần tài) biến động liên tục trong biên độ từ 500.000 đồng đến 1,3 triệu đồng mỗi lượng. Ngay buổi sáng, các đơn vị kinh doanh vàng đã liên tục giảm giá vàng miếng SJC với tổng mức giảm từ 900.000 đồng đến 1,3 triệu đồng mỗi lượng. Đến đầu giờ chiều cùng ngày, vàng miếng tăng lại mỗi lượng 500.000 đồng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mua vào 75 triệu đồng/lượng, bán ra 78 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Doji mua vào 74,9 triệu đồng, bán ra 77,9 triệu đồng/lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 75,25 triệu đồng, bán ra 78 triệu đồng/lượng…
Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng miếng SJC kéo giãn lên 3 triệu đồng mỗi lượng nên những người mua vàng đã lỗ ngay trong ngày. Đối với vàng nhẫn 4 số 9, giá giảm nhẹ 100.000 đồng mỗi lượng. Công ty SJC giảm giá vàng nhẫn còn 63,4 triệu đồng, bán ra ở mức 64,7 – 64,8 triệu đồng/lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng giảm giá mua vào xuống còn 64,5 triệu đồng, bán ra 65,9 triệu đồng/lượng…
Vàng trong nước biến động liên tục trong ngày bất chấp giá kim loại quý trên thị trường quốc tế khá ổn định. Giá vàng thế giới tăng 7 USD/ounce và duy trì ở mức 2.020 USD/ounce gần như suốt ngày 19.2. Vàng miếng SJC cao hơn quốc tế còn 17,85 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cao hơn 4,65 – 5,75 triệu đồng/lượng. Sự biến động của giá vàng trong nước đến từ nhu cầu vàng trong ngày Thần tài thay đổi liên tục. Theo một số đơn vị kinh doanh vàng, nhu cầu bán vàng miếng SJC xuất hiện vào buổi sáng cao hơn lực mua vàng của thị trường khiến giá mua vàng của các đơn vị kinh doanh đi xuống nhanh hơn bán ra. Trong khi đó, người dân mua vàng ngày vía Thần tài chủ yếu là vàng nhẫn, những sản phẩm vàng nhỏ có hình Thần tài, con rồng… nên giá có ổn định hơn.
So với những năm trước, lượng khách hàng mua vàng trước và trong ngày Thần tài năm nay giảm mạnh. Chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng trào lưu mua vàng miếng lấy may ngày Thần tài chỉ xuất hiện khoảng 14 – 15 năm trở lại đây. Điều này một phần xuất phát từ tín ngưỡng mua bán cầu may đầu năm mới của người dân. Cũng giống như phiên chợ Viềng (Nam Định) chỉ họp một lần vào rạng sáng mùng 8 tháng giêng hằng năm cầu may, mua bán ở đây không mặc cả. Thế nhưng cầu tăng cao đột ngột trong ngày Thần tài những năm gần đây đẩy giá vàng tăng cao khiến người mua thường bị lỗ.
“Dần dần nhiều người cũng đã hiểu ra không chỉ mua vàng trong ngày Thần tài mới là may mắn đầu năm. Vì nếu như có tiền mang gửi ngân hàng các ngày đầu năm mới cũng được lì xì là đã có lộc, là một dấu hiệu may mắn thay vì mất công đi xếp hàng, chờ đợi mua vàng với giá cao trong ngày này. Có thể đây mới là nguyên nhân chính khiến thị trường vàng ngày Thần tài cũng dần dần không còn quá nhộn nhịp”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nói.
“Rén” trước thông tin quản lý
Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, phân tích rằng thị trường vàng dự báo sẽ có sự xáo trộn khi Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương tổng kết Nghị định số 24/2012 ngày 3.4.2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (gọi tắt NĐ24); đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý 1/2024. Thông tin này được đề cập tại Chỉ thị 06 của Thủ tướng mới đây. Những thông tin này sẽ tác động đến giá vàng theo xu hướng giảm.
Thực tế, thời điểm cuối tháng 12.2023, khi Thủ tướng Chính phủ có Công điện 1426 yêu cầu NHNN có biện pháp quản lý thị trường vàng; ngay lập tức giá vàng trong nước giảm mạnh sau chỉ đạo này. Vàng miếng SJC từ chỗ cao hơn thế giới từ mức 18 – 19 triệu đồng/lượng xuống 13 – 14 triệu đồng/lượng. Thế nhưng qua hết tháng 1, NHNN vẫn chưa đưa ra giải pháp nào giải quyết vấn đề thị trường vàng. Vì thế, vàng miếng SJC lại “ngựa quen đường cũ”, một mình một giá, đắt hơn thế giới có lúc lên gần 20 triệu đồng/lượng.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, nói thẳng: Bất cập giá vàng trong nước cao hơn thế giới chưa được giải quyết cho đến khi nào bài toán nguồn cung, nguồn nguyên liệu trên thị trường vàng được giải quyết. Trước ngày Thần tài, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành Chỉ thị 06, một lần nữa đề cập đến việc tổng kết NĐ24 trong quý 1/2024. Vì thế, những người mua vàng miếng SJC thời điểm này ngại rủi ro khi giá trong nước cao hơn thế giới và chênh lệch giữa giá mua – bán lên lại 3 triệu đồng/lượng. Nhu cầu giảm là vì vậy.
Theo ông Khánh, tổng kết NĐ24 có thể sẽ hoàn tất trong quý 1, nhưng có hai vấn đề lớn cần được đề cập. Thứ nhất, vàng miếng SJC có độc quyền như thời gian qua hay cho phép thêm một số thương hiệu vàng miếng khác tham gia thị trường. Thứ hai là nhập khẩu nguyên liệu vàng. NĐ24 không cấm nhập khẩu vàng nên dù sửa hay không thực hiện thì cũng khó có thể giải quyết vấn đề tồn tại trên thị trường vàng. Từ nhiều năm nay, hiệp hội cũng đã kiến nghị NHNN cho phép một số đơn vị kinh doanh được phép nhập khẩu nguyên liệu nhưng chưa được giải quyết.
“Muốn giải quyết tình trạng giá vàng miếng SJC đắt hơn thế giới, chỉ cần tăng nguồn cung vàng ra thị trường, giá trong nước sẽ giảm ngay lập tức. Mà để tăng nguồn cung vàng miếng SJC thì có 3 cách, đó là NHNN bán vàng dự trữ, sau đó dập lại vàng miếng bổ sung lại dự trữ; NHNN nhập nguyên liệu về sản xuất vàng miếng bán can thiệp thị trường; Công ty SJC nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng can thiệp thị trường”, ông Khánh đề xuất.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh: Ở thời điểm hiện tại, quan trọng nhất là phải sửa đổi nhanh NĐ24 theo hướng không “bó chặt” chỉ có NHNN được độc quyền sản xuất vàng miếng hay nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng như hiện nay. Có thể mở ra cho phép một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện tham gia nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, vàng nữ trang phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa. Ngược lại nếu được phép, ngành kim hoàn nữ trang của VN còn có thể đẩy mạnh xuất khẩu khi tay nghề người lao động, công nghệ của nhiều đơn vị cũng được đánh giá cao và thị trường thế giới sẵn sàng đón nhận. NHNN có thể nghiên cứu để tiến tới xây dựng sàn vàng, giao dịch vàng chứng chỉ… để đáp ứng nhu cầu đầu tư của một bộ phận người dân.