Xuất khẩu hạt tiêu 5 tháng, tăng mạnh về giá trị Giá hạt tiêu tăng mạnh, xuất khẩu khả quan |
Khảo sát cho thấy, giá tiêu tại thị trường trong nước khu vực Tây Nguyên chững lại, dao động từ 83.000 – 85.500 đồng/kg, không thay đổi so với hôm qua. Cụ thể, giá tiêu Chư Sê (Gia Lai) tiếp tục được thu mua ở mức 83.000 đồng/kg. Giá tiêu Đắk Lắk và giá tiêu Đắk Nông được thu mua ở mức 85.500 đồng/kg.
Tại khu vực Đông Nam bộ giá tiêu dao động từ 85.000 – 86.000 đồng/kg. Trong đó, giá tiêu tại Bà Rịa – Vũng Tàu ở mức 85.000 đồng/kg; giá tiêu Bình Phước chững lại ở mức 86.000 đồng/kg. Mức này tăng 2.500-3.000 đồng so với ngày trước đó.
Theo dự báo, trong thời gian tới, giá hồ tiêu có thể tăng thêm do nguồn cung thiếu hụt |
Trên thế giới, thị trường hồ tiêu đang ở giai đoạn giá cao. Với tiêu Indonesia, một tấn hạt tiêu đen Lampung giữ ở mức 3.906 USD, hạt tiêu trắng Muntok là 6.159 USD. Giá tiêu đen Brazil ASTA 570 tiếp tục giữ nguyên ở mức 3.000 USD/tấn.
Với hồ tiêu Malaysia, giá một tấn hồ tiêu đen Kuching ASTA duy trì ổn định ở mức 4.900 USD còn hồ tiêu trắng ASTA là 7.300 USD. Giá này cũng đang cao hơn hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó, giá tiêu đen Việt Nam loại 500 g/l xuất khẩu hôm nay giao dịch ở mức 3.900 USD/tấn, với loại 550 g/l giao dịch ở mức 4.000 USD/tấn, giá tiêu trắng ASTA giao dịch ở mức 5.700 USD/tấn.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), giá tiêu tăng mạnh do nhu cầu cao, các đơn hàng tăng trong khi lượng tồn kho sụt giảm. Niên vụ mới đang vào vụ thu hoạch nhưng sản lượng hạt tiêu năm nay của Việt Nam có thể sẽ giảm khoảng 10-15% xuống còn 160.000-165.000 tấn.
Các doanh nghiệp cho rằng, giá hồ tiêu có thể cán mốc 95.000-100.000 đồng một kg và quay lại thời kỳ hoàng kim như cà phê khi ảnh hưởng của El Nino làm giảm năng suất các loại nông sản. Tuy nhiên, giá tiêu sẽ khó tăng trong thời gian dài khi nhu cầu tiêu thụ sắp tới của các nước trên thế giới có thể sụt giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế đến từ xung đột địa chính trị tại một số khu vực.
VPSA dự báo, tới 2025, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành hạt tiêu và gia vị đạt khoảng trên dưới 2 tỷ USD, với tổng sản lượng 400.000-500.000 tấn.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ước tính xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 1/2024 đạt 20 nghìn tấn, trị giá 79 triệu USD, giảm 1,4% về lượng, nhưng tăng 1,9% về trị giá so với tháng 12/2023; so với tháng 1/2023 tăng 60,2% về lượng và tăng 83,9% về trị giá.
Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 1/2024 ước đạt mức 3.953 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng 12/2023 và tăng 14,8% so với tháng 1/2023.
Về cơ cấu chủng loại xuất khẩu, năm 2023, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hạt tiêu đen, tỷ trọng chiếm 69,51% tổng lượng và chiếm 70,67% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của cả nước trong năm 2023. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu hạt tiêu đen đã tác động tích cực lên toàn ngành.
Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) dự báo sản lượng hạt tiêu năm 2024 của Việt Nam sẽ giảm khoảng 10 – 15% xuống còn 160.000 – 165.000 tấn.
Trong khi đó, trong quý 1/2024, lượng mua hàng từ các nước phương Tây có thể sẽ tăng trở lại nhằm bổ sung hàng tồn kho, cùng lúc đó lượng tiêu dự trữ trên thị trường có thể đã cạn kiệt. Những yếu tố này được kỳ vọng sẽ đẩy giá tiêu thế giới nói chung, giá tiêu Việt Nam tăng lên rõ rệt, có thể cán mốc 100.000 đồng/kg trong năm nay.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng hạt tiêu tại Việt Nam năm 2023 đạt 115 nghìn ha, giảm 5 nghìn ha so với năm 2022; Sản lượng năm 2023 đạt 190 nghìn tấn, tăng 3,8% so với năm 2022.
Vụ thu hoạch hạt tiêu năm 2024 đã bắt đầu tại một số huyện của tỉnh Đắk Nông, tuy nhiên lượng thu hoạch rải rác tại một số huyện và chưa nhiều.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên vụ thu hoạch năm 2024 chậm hơn năm 2023, dự kiến sản lượng hạt tiêu của Việt Nam năm 2024 chỉ đạt 170 ngàn tấn, giảm 10,5% so với năm 2023. Giá hạt tiêu tại thị trường nội địa tăng do nguồn cung hạn chế.