Sau 3 hồi còi chào đất
liền, những con tàu đã rời quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) tiến theo hai hướng Bắc
và Nam của quần đảo Trường Sa.
Sẵn sàng cho hành trình
đi và về hơn 800 hải lý từ Cam Ranh ra đảo Trường Sa và các điểm đảo thuộc quần
đảo Trường Sa, Tàu 561 đã tiếp nhận hàng hoá từ mọi miền tổ quốc gửi tới các
cán bộ chiến sĩ và người dân trên quần đảo Trường Sa để đón Tết Giáp Thìn 2024.
Do điều kiện thời tiết cuối năm phức tạp, thậm chí có gió Đông bắc cấp 6-7,
sóng cao từ 3-4m, toàn Tàu đã phải thực hiện công tác chuẩn bị chu đáo, chằng
buộc an toàn, sẵn sàng cho hải trình mang Xuân ấm áp từ đất liền ra quần đảo
Trường Sa.
Đại tá Lê Đình Hải, Phó
Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, Trưởng
đoàn công tác, cho biết, trước đây, các tàu, các đoàn ra thăm động viên cán bộ,
chiến sĩ và nhân dân trên các đảo còn ít do điều kiện kinh tế và nhiều yếu tố
khiến các chuyến đi khó thực hiện. Nhưng những năm gần đây, với sự quan tâm đặc
biệt của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, hằng năm, quân chủng hải quân đã tổ
chức hơn 20 chuyến thăm và động viên quân dân đang sinh sống trên quần đảo Trường
Sa, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của đất liền đối với đảo xa, sự gắn kết gần gũi
hơn, đong đầy tình cảm giữa đất liền với Trường Sa – “không xa đâu Trường Sa
ơi”.
“Chúng tôi nhận thức rằng,
đây là sự quan tâm to lớn, là tình cảm đặc biệt của nhân dân cả nước và kiều
bào ở nước ngoài dành cho Trường Sa thân yêu, để quân dân huyện đảo Trường Sa
giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của cả nước”, Đại tá Lê Đình Hải nhấn
mạnh.
Với mỗi người dân Việt
Nam nói chung, với quân và dân trên đảo Trường Sa nói riêng, dịp Tết đến Xuân về
luôn là thời khắc quan trọng nhất trong năm. Đặc biệt, với những người ở xa gia
đình như cán bộ chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa, việc gắn kết tình quân dân, tạo
không khí ấm cúng như một gia đình lớn trên đảo dịp Tết đến là điều vô cùng
thiêng liêng. Hình ảnh quân và dân quây quần gói bánh chưng hay những người
lính trẻ rộn ràng trang trí ban thờ Tết đã trở nên vô cùng thân thuộc. Các cán
bộ, chiến sĩ luôn xác định việc hỗ trợ người dân trên đảo là nhiệm vụ và việc gắn
kết quân dân càng thắm thiết hơn trong những ngày Tết đến.
Thiếu tá Lý Quý Cường,
Chính trị viên Cụm chiến đấu 2 đảo Trường Sa chia sẻ rằng, điều được mong chờ
nhất dịp Tết đến chính là những chuyến tàu không chỉ mang theo những món quà vật
chất và tinh thần, mà đây còn là nhịp cầu nối để đất liền và đảo xa gần nhau
hơn.
“Với chúng tôi, những
người đang làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa, mỗi chuyến tàu Tết đều mang lại sự
háo hức và mong chờ”, Thiếu tá Lý Quý Cường nói.
Những món quà từ đất liền
càng trở nên trân quý hơn với những điểm đảo quanh năm ngập nước không hề dễ
dàng tiếp cận. Tất cả hàng hoá vận chuyển vào đảo phải sử dụng xuồng chuyền tải,
phải băng sóng dữ và những cơn mưa biển thất thường.
Thượng úy Nguyễn Đặng
Đình Thi, tại đảo An Bang – điểm đảo khó tiếp cận nhất tại quần đảo Trường Sa
cho biết, điều kiện thời tiết khi đoàn công tác, cùng hàng hoá tới An Bang là
trời mưa, nên cán bộ chiến sĩ trên đảo không khỏi lo lắng “liệu đoàn công tác
có vào được hay không”.
“Khi nghe tin đoàn đã đặt
chân an toàn lên bãi cát đảo An Bang, lúc đó cảm xúc của chúng tôi vỡ oà. Đặc
biệt với tôi, đây là đoàn công tác đầu tiên từ đất liền ra thăm kể từ khi tôi
lên đảo nhận nhiệm vụ, nên cảm xúc rất khó tả. Các anh chị giống như người nhà
ra thăm chúng tôi ngoài đảo xa vậy. Giúp chúng tôi có thêm niềm tin và động lực
để cố gắng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, phấn đấu công tác tại đảo”, Thượng úy Đặng
Đình Thi vui mừng chia sẻ.
Là năm đầu tiên đón Tết
ở đảo xa, Thượng úy Nguyễn Đặng Đình Thi không hề giấu giếm nỗi nhớ nhà của người
lính trẻ. Đây cũng là khó khăn lớn nhất với những người lính trên đảo xa, nhưng
cũng là động lực để họ thực hiện tốt các nhiệm vụ, giữ chắc tay súng để bảo vệ
chủ quyền biển đảo của tổ quốc.
“Năm đầu đón Tết trên đảo,
tôi thấy gần như không thiếu thốn gì về vật chất so với trên đất liền. Các chiến
sĩ gắn bó hơn, gần gũi hơn để xua đi nỗi nhớ nhà và đây sẽ là cái Tết đặc biệt
nhất mà tôi sẽ không thể nào quên”, Thượng úy Nguyễn Đặng Đình Thi nói.
Binh nhất Nguyễn Thành
Chiến (TP.HCM) lần đầu đón Tết trên đảo An Bang – chiến sĩ tình nguyện viết đơn
tình nguyện nhận nhiệm vụ nơi đảo tiền tiêu của tổ quốc, cũng có những cảm xúc
vô cùng đặc biệt. Vượt qua thời gian đầu còn nhiều bỡ ngỡ, nhờ sự động viên của
chỉ huy, đồng đội, Thành Chiến dần vơi đi nỗi nhớ nhà và làm quen với môi trường
mới trên đảo. Và cái Tết đặc biệt này trở thành niềm vinh dự, tự hào mà chàng
chiến sĩ trẻ muốn gửi về gia đình, về đất liền thân thương.
“Tết đến, chúng tôi chuẩn
bị mâm ngũ quả, tổ chức gói bánh chưng, trang trí Tết… Tôi cảm thấy vinh dự tự
hào, đóng góp sức trẻ để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương”, Thành Chiến nói.
Hơi thở mùa Xuân lan toả
theo hải trình của con Tàu 561. Điểm đảo nào cũng có những câu chuyện xúc động
của những người lính, người con xa nhà.
Khoảng khắc người lính
trên đảo Đá Đông B từ chối chụp ảnh vì “lo vợ con ở nhà thấy hình lại nhớ”, đồng
thời từ chối nhận món quà là chiếc khăn rằn vì lúc đó anh đang làm nhiệm vụ
“tay không thể rời khỏi báng súng”, khiến ai chứng kiến cũng nghẹn lòng.
Trên những điểm đảo ngập
nước còn rất nhiều khó khăn. Thời điểm cuối năm còn có thêm sóng to, gió lớn bủa
vây đời sống hằng ngày của các chiến sĩ. Tình yêu biển đảo là động lực lớn để
các cán bộ chiến sĩ vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm thiêng liêng.
Thượng úy Phạm Việt
Anh, Chỉ huy trưởng Đảo Đá Đông B chia sẻ, thời điểm cuối năm các chiến sĩ trên
đảo càng thấy mạnh mẽ hơn để giữ vững chủ quyền biển đảo, để người dân cả nước vui
đón Tết trọn vẹn.
“Dù khó khăn, chúng tôi
cũng phải chuẩn bị, sẵn sàng đón Tết cổ truyền. Lá dong, đậu xanh, thịt lợn đã
sẵn sàng và tất cả đều chờ đến đêm 30 để tổ chức hái hoa dân chủ. Trong điều kiện
khó khăn trên đảo, việc các cán bộ chiến sĩ cùng ăn cùng ở, cùng thực hiện nhiệm
vụ đã giúp tăng tình đoàn kết, gắn bó. Các cán bộ chiến sĩ như anh em ruột thịt
trong nhà”, Thượng úy Phạm Việt Anh nói.
Còn trên đảo Đá Đông A,
từ ngày 27 Tết, các các bộ, chiến sĩ đã tổ chức gói bánh chưng, đảm bảo trên đảo
có đủ hương vị Tết. Mỗi người làm mỗi việc theo sở trường, với tinh thần tất cả
góp sức cho một cái Tết đầm ấm.
Đại úy Nguyễn Duy
Khánh, Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông A cho biết: “Ngày Tết trên đảo cũng tổ chức
nhiều hoạt động, đặc biệt đêm giao thừa sẽ tập trung nghe đọc thư chúc Tết và tổ
chức các hoạt động vui chơi như ném bóng bàn, nhảy bao bố, đẩy gậy…”
Cũng là năm đầu tiên
đón Tết trên quần đảo Trường Sa, Trung sĩ Trần Đức Cảnh, nhân viên chuyên môn
báo vụ, tín hiệu trên đảo Đá Đông A, cho biết, dù xa gia đình, nhưng được đón Tết
cùng đồng đội và Tết vẫn đầy đủ hoa mai, lì xì…
“Mong bố mẹ, gia đình tự
hào khi con đang tham gia nhiệm vụ bảo vệ biển đảo thiêng liêng. Chúng tôi, thế
hệ trẻ, xin hứa sẽ cống hiến hết mình để đồng bào được thưởng những cái Tết sum
vầy, đoàn viên”, Trung sĩ Trần Đức Cảnh gửi lời chúc Tết đầy tự hào về gia đình
và khẳng định lời hứa thiêng liêng với Tổ quốc.
Đến nay, điều kiện ở
các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã đầy đủ hơn nhờ sự quan tâm, động viên của đất
liền đối với đảo xa. Không chỉ người lính, mà mỗi người dân đang sinh sống trên
đảo Trường Sa và đảo Đá Tây A đều mang niềm tự hào dân tộc, sự vinh dự trong mỗi
hơi thở, trong dòng máu của mình.
Anh Vi Hoài Nam cùng
gia đình lần đầu tiên đón Tết trên đảo Trường Sa chia sẻ cảm xúc vui mừng và
vinh dự. Với gia đình anh Nam, bầu không khí Tết trên đảo trở nên đặc biệt hơn nhờ
sự gắn kết quân dân.
“Chúng tôi cùng các chiến
sĩ gói bánh chưng, dọn dẹp, trang trí để chuẩn bị cho ngày Tết. Chúng tôi học
cách gói bánh chưng của các chiến sĩ. Gia đình tôi rất háo hức mong chờ ngày Xuân
đến. Trên đảo còn có nhiều hoạt động giao lưu, văn nghệ, đi lễ chùa đầu năm”,
anh Nam nói.
Với gia đình chị Nguyễn
Thị Thanh Phương, cái Tết trên đảo Trường Sa cũng rất lạ lẫm, nhưng đầy hân
hoan: “Chúng tôi được Chỉ huy đảo và các chiến sĩ rất quan tâm, đến tặng quà,
chúc Tết. Bà con cùng các chiến sĩ cuối năm sum họp lại rất vui. Nhất là các
cháu nhỏ rất quý mến, luôn miệng chào hỏi các chiến sĩ”.
Với
các hộ dân trên đảo Đá Tây A, Tết cũng rộn ràng như vậy. Đặc biệt là cuộc thi
gói bánh chưng và chương trình giao lưu văn nghệ đón Giao thừa… Chị Nguyễn Thị
Mai Linh cho biết, cán bộ chỉ huy và chiến sĩ trên đảo luôn có trách nhiệm,
quan tâm, chia sẻ với các hộ dân. Tuy ở đảo xa nhưng không hề cảm thấy xa cách
với đất liền, nhất là dịp Tết đến Xuân về, bầu không khí trên đảo rất rộn ràng
và ấm cúng.
“Tôi
tự hào là công dân sống trên đảo Đá Tây A. Là công dân của Việt Nam, tôi muốn
góp phần cùng với các cán bộ, chiến sĩ giữ gìn và khẳng định chủ quyền biển đảo
thiêng liêng của Tổ quốc”, chị Mai Linh khẳng định.
Trung
tá Lê Ngọc Nam, Chính trị viên đảo Đá Tây A khẳng định, Ban Chỉ huy đảo luôn
coi trọng vun đắp tình quân dân, đặc biệt trong dịp Tết đến. Các cán bộ, chiến
sĩ luôn sẵn sàng giúp người dân từ việc chuẩn bị Tết, đến thăm hỏi động viện để
người dân cùng đón Tết với cán bộ chiến sĩ trên đảo, tạo thành không khí ngày Tết
vui vẻ, ấm cúng, đón năm mới tràn đầy niềm vui.
“Trong
đất liền chúng tôi có gia đình, người thân, bạn bè. Còn ở ngoài đảo xa, các cán
bộ chiến sĩ có tình đồng đội và người dân sống trên đảo cũng luôn coi chúng tôi
như người thân trong gia đình. Với tinh thần “vui Xuân mới không quên nhiệm vụ”,
cán bộ chiến sĩ trên đảo luôn xác định nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ chủ quyền biển
đảo thiêng liêng của tổ quốc, không để bị động trước mọi tình huống trong những
ngày đầu năm mới”, Trung tá Lê Ngọc Nam nhấn mạnh.
Tiếng
chuông chùa, mùi khói hương, sự háo hức vui tươi của trẻ thơ khi diện bộ quần
áo mới ngày Tết chờ được mừng tuổi đầu năm càng làm cho không khi Tết ở Trường
Sa thêm ấm áp. Đảo xa giữa mênh mông biển cả như đất liên thân thuộc đã vơi đi
nỗi nhà của chiến sĩ trẻ, giúp họ thấy trọng trách và vinh dự khi chắc tay súng
bảo vệ chủ quyền, bảo vệ tiếng cười trẻ thơ, bảo vệ tiếng chuông chùa nguyện cầu
quốc thái dân an ngay tại Trường Sa giữa bốn bề sóng nước.