Các đại biểu đều hy vọng sẽ có sự hiểu biết tốt hơn, đặc biệt là từ các học giả đến từ châu Âu và ngoài khu vực Đông Nam Á, về những khó khăn và thách thức liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.
Bên lề Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 do Học viện Ngoại giao Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày 25-26/10, phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến của một số học giả, chuyên gia quốc tế về ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội thảo đối với nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững cho vùng Biển Đông.
Là một người có nhiều năm nghiên cứu về địa chính trị khu vực châu Á-Thái Bình Dương và chỉ có một lần không tham dự hội thảo quốc tế về Biển Đông, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng Việt Nam ngày càng điều chỉnh nội dung hội thảo tập trung vào các vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm.
Chủ đề hội thảo mỗi năm hướng vào những vấn đề khác nhau, đại biểu cũng học hỏi được nhiều hơn và ngày càng đi sâu hơn vào các vấn đề hội thảo đặt ra.
Hội nghị lần này có sự tham gia của đại diện Cảnh sát biển châu Âu.
[Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 15: Đối thoại, thúc đẩy lòng tin]
Theo Giáo sư Carl Thayer, đối với bất kỳ vấn đề nào ở Biển Đông, không phải lúc nào kỳ vọng cũng được đáp ứng và tiến độ diễn ra khá chậm.
Tuy nhiên, Indonesia với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN đã hướng dẫn thúc đẩy các cuộc thảo luận, nên có thể hy vọng rằng vấn đề đó sẽ được thực hiện bởi Chủ tịch tiếp theo là Philippines…
Cũng theo Giáo sư, luật pháp quốc tế đại diện cho lợi ích của cộng đồng quốc tế, ưu tiên giải quyết xung đột thông qua biện pháp ngoại giao.
Luật pháp quốc tế không được sử dụng như một vũ khí để nâng cao an ninh quốc gia mà để làm rõ và hướng dẫn hành vi của các quốc gia…
Chia sẻ suy nghĩ của mình, Giáo sư Rober Beckman, Trung tâm Luật Quốc tế, Trường Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng Hội thảo rất hữu ích và thú vị vì những gì được các chuyên gia quốc tế thảo luận trong các cuộc họp chính thức cũng như bên lề đều rất quan trọng.
Các đại biểu đều hy vọng sẽ có sự hiểu biết tốt hơn, đặc biệt là từ các học giả đến từ châu Âu và ngoài khu vực Đông Nam Á, về những khó khăn và thách thức liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.
Để thu hẹp “vùng biển xám” và mở rộng “vùng biển xanh” cho Biển Đông trong tương lai, Giáo sư Rober Beckman cho rằng sẽ rất hữu ích nếu tiếp tục thảo luận về “vùng biển xám,” để phân tích không chỉ những gì đang xảy ra ở Đông Nam Á mà cả với các khu vực khác của châu Á.
Trước đó, phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Hùng Việt, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho rằng 15 năm qua, chuỗi Hội thảo Biển Đông đã trở thành một diễn đàn cởi mở, thẳng thắn và thân thiện để các chuyên gia quốc tế thúc đẩy sự hiểu biết chung và thu hẹp những khác biệt.
Hội thảo đã góp phần thúc đẩy sự minh bạch, xây dựng mạng lưới giữa các chuyên gia trên các lĩnh vực khác nhau và tạo ra một nền tảng để trao đổi các ý kiến nội khu vực; là tổng hòa những xung lực cho hợp tác và giảm thiểu rủi ro, biến Biển Đông trở thành một vùng biển của sự hợp tác hơn là đối đầu, một vùng biển kết nối chứ không chia rẽ, một vùng biển đem đến phồn vinh và giảm thiểu bất hòa.
“Chỉ có hợp tác trên biển mới có thể giúp chúng ta dịch chuyển mảng màu sắc Biển Đông đang từ xám sang xanh, tiến tới hòa bình và phát triển bền vững. Để thực hiện được điều đó thì việc tôn trọng và tuân thủ luật biển quốc tế như đã được phản ánh trong UNCLOS, là yếu tố then chốt,” ông Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh./.