Vốn di sản vừa tạo ra bản sắc trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa, đồng thời, lại có tác dụng ngược trở lại, giúp lan tỏa và nâng cao nhận thức về di sản của cộng đồng.
Hồi sinh nghề cũ
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, làng dệt đũi Nam Cao (huyện Kiến Xương, Thái Bình) có hoạt động mới, đó là đón khách du lịch về trải nghiệm Tết. Khách du lịch được tham quan trực tiếp các xưởng dệt đũi, giao lưu với các nghệ nhân, được chụp ảnh với tà áo dài lụa đũi truyền thống và được gói bánh chưng cùng các nghệ nhân, ăn những mâm cỗ quê đầy ấm áp…
Đây không chỉ là trải nghiệm mới với khách du lịch mà còn với chính làng dệt đũi Nam Cao, điều mà trước đây không ai hình dung được. Làng dệt đũi Nam Cao hình thành từ 400 năm trước, nổi tiếng cả nước về nghề ươm tơ, dệt lụa. Đũi Nam Cao thời bấy giờ cung cấp cho vua chúa và giới quý tộc.
Thế nhưng, khi thời thế đổi thay, làng nghề truyền thống quê hương rơi vào tình cảnh suy thoái trong cơn bão kinh tế thị trường. Nếu trở về làng đũi Nam Cao trong khoảng những năm 2010 thì hiếm ai có thể nghe tiếng khung cửi lách cách hay nhìn thấy người ta phơi kén, kéo sợi bởi làng nghề truyền thống đang dần rơi vào quên lãng. Tưởng chừng có nguy cơ bị xóa xổ, thì bỗng chốc, các khung dệt lách cách trở lại. Hợp tác xã dệt đũi Nam Cao ra đời.
Sự hồi sinh của làng dệt đũi có vai trò tiên phong của chị Lương Thanh Hạnh, một người trước đó… không biết gì về tơ, về dệt. Chị Hạnh khi đó đang có công việc ổn định thu nhập cao trong lĩnh vực nội thất. Nhưng khi về với đũi Nam Cao, chị có suy nghĩ khác. “Giữa thời điểm công nghiệp hóa, máy móc dần thay thế con người, các sản phẩm lụa trên thị trường khó giữ được cái “chất” ban sơ. Do đó, nếu giữ nguyên cái hồn của đũi, lụa thì sẽ có cơ hội thành công”, chị Hạnh cho biết.
Chuyện khởi nghiệp của chị Hạnh khiến ngay cả các nghệ nhân cũng bất ngờ. Chị phải vận động các nghệ nhân tham gia Hợp tác xã, vận động mọi người chung tay hồi sinh làng nghề. Điều quý nhất của những sản phẩm truyền thống không chỉ là sản phẩm mà là cả các công đoạn tạo ra sản phẩm. Chị có quyết định táo bạo là Hợp tác xã không chỉ dệt lụa mà xây dựng cả chuỗi giá trị từ vùng nguyên liệu – sản xuất – tiêu thụ – xuất khẩu với 16 công đoạn. Hợp tác xã có vùng nuôi tằm với tổng diện tích khoảng 100 ha tại huyện Vũ Thư.
Nguyên liệu kén được thu mua, sau đó giao về cho các hộ gia công sản xuất các khâu từ kéo đũi, quay tơ, đánh ống và dệt vải dưới sự hỗ trợ và tổ chức của Hợp tác xã dệt đũi Nam Cao. Bên cạnh đó, 100% sản phẩm lụa, đũi đều được dệt thủ công, nhuộm bằng những màu thiên nhiên đạt chuẩn hữu cơ như màu đỏ của gấc, màu tím của nếp cẩm, màu xanh của lá cây, màu vàng nguyên bản từ kén tằm, màu nâu từ lá bàng… Hợp tác xã cũng đa dạng hóa các sản phẩm như vải lụa đũi, lụa tơ tằm, khăn, vòng lụa, chăn ga gối lụa thêu tay và đặc biệt là dòng sản phẩm khăn mặt, khăn tắm tự nhiên 100% tơ tằm…
Đã có những quãng thời gian, mỗi khi nói đến làm ăn, người ta hay chạy theo cái mới, cái lạ. Di sản được coi như cái gì đó “cũ kỹ”, không phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Lương Thanh Hạnh thành công bởi chị là người đã “đi trước một bước”. Các vị khách quốc tế rất ưa thích tìm hiểu từng công đoạn làm ra sản phẩm, ăn những bữa cơm do chính người dân bản địa nấu.
Văn hóa – mạch nguồn sáng tạo
Với bề dày văn hóa nghìn năm và sự phong phú về sắc thái văn hóa của 54 dân tộc, di sản văn hóa hiện nay được xem là nguồn tài nguyên giàu có để khai thác trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Cũng sớm gặt hái được thành công trên con đường sự nghiệp nhờ khai thác vốn di sản là nhà thiết kế Vũ Thảo Giang.
Vốn là một cô gái dân tộc Tày, khi theo đuổi nghề thiết kế, Thảo Giang có nhiều thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa, khi xuất thân từ một cô gái “tỉnh lẻ”, việc cập nhật các xu hướng thời trang dễ bị thua bạn, kém bè.
Nhưng rồi, Vũ Thảo Giang đã gặt hái được những thành công vượt dự đoán của nhiều người. Các thiết kế của Thảo Giang sớm có những dấu ấn riêng.
Áo dài vốn là một di sản trang phục của người Việt và khi thiết kế áo dài, Thảo Giang đã khai thác vốn di sản văn hóa của dân tộc, gồm cả người Việt lẫn những nét văn hóa của người Tày, dân tộc của cô. “Qua quá trình theo đuổi nghề thiết kế thời trang, tôi đã sớm khai thác vốn văn hóa dân tộc để đưa vào thiết kế của mình.
Tôi nhận ra rằng, khi người trẻ sáng tạo, ứng dụng vốn văn hóa vào khởi nghiệp sẽ dễ thành công hơn nhiều”, Thảo Giang chia sẻ.
Mỗi bộ sưu tập áo dài của Thảo Giang lại kể một câu chuyện văn hóa khác nhau. Có thể kể đến bộ sưu tập “Dấu ấn vàng son”. Khi nhà thiết kế trẻ lấy cảm hứng từ các hoa văn họa tiết trong kiến trúc cung đình xưa như rồng, phượng, hoa sen, lá bồ đề, gốm sứ…
Hay từ các di vật khảo cổ Cung đình Huế và Hoàng thành Thăng Long; bộ sưu tập “Bát Nhã” khai thác chủ yếu những hoa văn gốm khảm, bộ sưu tập “Qua miền di sản” lại là câu chuyện về 26 di sản Việt Nam được UNESCO công nhận, bộ sưu tập thổ cẩm “Phố Làng”, bộ sưu tập di sản công viên địa chất toàn cầu và thổ cẩm người Tày…
Những thiết kế của Thảo Giang luôn được cho là có hồn, không phải là sự sao chép máy móc những họa tiết, hoa văn, nét đẹp kiến trúc… từ nguồn vốn di sản phong phú, giàu có của dân tộc. Để khai thác một cách hiệu quả, Thảo Giang đã đi nhiều nơi, đến tìm hiểu gốc gác của di sản, gặp gỡ các nhà nghiên cứu…
Từ đó, cô lựa chọn, chắt lọc những gì tinh tuý nhất, phù hợp nhất. Đơn giản như hình tượng rồng, phượng đều là những vật thiêng trong văn hóa dân tộc, đặt rồng, phượng ở vị trí nào trên trang phục cũng phải cân nhắc kỹ càng.
Vũ Thảo Giang cho rằng, những người trẻ khởi nghiệp bằng vốn văn hóa được tiếp sức mạnh mẽ hơn khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng mong muốn đồng hành với những hình ảnh, biểu tượng xưa và kể câu chuyện văn hóa tới công chúng.
Việc khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống vào thời trang còn tạo ra mối liên hệ gắn kết sâu sắc giữa nhà thiết kế và các nghệ nhân làng nghề, tạo sinh kế cho cộng đồng làm nghề truyền thống, góp phần giữ gìn những giá trị truyền thống.
Các ngành công nghiệp văn hóa đang có chuyển động mạnh mẽ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng mạnh, những giá trị mang tính địa phương lại là thứ tạo nên khác biệt, tạo nên bản sắc trong sản phẩm của mình, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghiệp văn hóa như: Thủ công mỹ nghệ, thời trang, âm nhạc…
Khai thác di sản văn hóa trong quá trình khởi nghiệp không chỉ giúp bảo tồn di sản, mà còn giúp lan tỏa giá trị văn hóa Việt đến cộng đồng, đến bạn bè quốc tế.