Mỗi độ Tết xấp xới đầu làng, cơn bấc cơn may thổi dọc con đường ôm sông hút hoải. Làng bốn mùa xanh xanh vóc lụa, viền quanh sông như muốn đan tay cùng mẹ nước hiền hòa. Quê Việt, cho dù đồng bằng hay vùng bán sơn địa, từ xưa đã thiết chế xóm làng ôm ấp những triền sông.
Có lẽ bởi nước là nguồn sống. Và những dòng sông xưa kia còn đóng vai trò giao thông đường thủy. Ở đâu có dân cư, làng mạc, ở đó có đồng ruộng, sông, hồ. Sông là huyết mạch, âm thầm nắm giữ sinh mệnh dân cư, nuôi nấng màu xanh thắm thiết cho những ngôi làng.
Con sông đầu tiên chân tôi được chạm dòng nước mát, là một nhánh Vĩnh Giang xinh đẹp chảy giữa hai làng Đông Thành và Thanh Khê quê tôi.
Trong bóng nước dòng sông, làng xanh đôi bên thắm tình ôm ấp. Sông bé nhỏ thân thương đến nỗi, một cây sào vắt qua có khi đủ chạm tới đôi bờ. Nên vui nhất là khi nghe tiếng bờ bên này vọng sang tới xóm bên kia, gọi nhau dậy sớm, hái giúp mấy mớ rau muống, còn kịp đi chợ. Gọi cho nhau mấy quả ổi đào ngọt lịm, hay mấy quả chay mới chín đầu mùa…
Những tên người lấm lem tèo tý, mà ấm nồng, vang vọng. Gọi một người mà cả xóm làng nghe rõ. Gọi một người mà khiến mặt sông xao động, hoa nước mừng rung, vài chú cá con ngơ ngác quẫy mình…
Chiều thu trời trong mây trắng, rong tóc tiên đu đưa, tựa mái tóc dài nàng tiên xao xuyến. Tôi hay ra sông, lúc tìm bèo, khi hái rau khoai, giặt giũ. Trong niềm vui hồn nhiên thơ bé với sông, có cái thú vừa tắm táp vừa đùa chơi cùng đàn mạt nước bé tí tựa cái đầu tăm. Chúng bơi loang loáng, quẩn chân người không chút e sợ. Thảng hoặc lẫn giữa chúng là mấy con cá mương, cân cấn, sọi cờ. Nhưng bọn này khôn ngoan, đề phòng, chỉ nhao lên một cái xem có gì ăn được không rồi nhanh chóng lặn hút.
Tôi luôn nghĩ, dòng sông như tấm gương trong, soi bóng những cuộc đời. Ngôi làng bên sông, cây cối ngả về sông âu yếm.
Tôi ngày xưa ấy cũng đủ trò lấm lem với cá tôm, sông hồ, đồng ruộng. Nên sau này xa quê, nhớ sông là như nhớ cả tuổi thơ, tuổi trẻ của mình. Còng vó loi choi nhảy. Vài cái xác con xin tương đậu hờ trên ngồng rau muống. Mấy chú nhái bén nấp trong bụi bèo hoa tím, bất ngờ nhảy lên chộp đớp một chú chuồn chuồn kim.
Chiều, mấy đứa rủ nhau xách cái ống bơ han rỉ, có mấy con sâu râm bụt nổi ngo ngoe, tay cầm chiếc cần không lưỡi ra sông nhử sọi cờ. Chỉ cần buộc ngang con sâu ở đầu sợi chỉ, nhấp nhấp dứ dứ trên mặt nước. Bất ngờ, vài chú sọi cờ óng ánh kẻ màu, vì ham ăn mà lao từ đám rễ bèo ra, nhanh hút cắn câu, rồi bị giật lên, nhảy choi choi trên mặt đường lấm đất. Mỗi đứa câu được mươi con, thì hò nhau tắm trâu, bơi chuối.
Dòng sông bỗng chốc ì ũm, chao động, nắc nẻ những chuỗi cười. Dòng sông hóa thành không gian diễn xướng ấu thơ đầy biến ảo. Chúng tôi lớn thêm một chút, sông cùng dài rộng hân hoan, dâng cho tuổi trẻ bồi hồi những khoảng trời mộng mơ, âu yếm. Đôi bạn chiều nào cùng nhau hái rau vớt bèo, sau bảy, tám năm, lớn lên, những kỷ niệm rủ rê làm lụng một thuở, bỗng thành báu vật của tuổi trẻ, để những trai gái vân vi hồi tưởng đêm trăng trên chiếc cầu bắc ngang dòng sông nơi gốc gạo đôi kỳ vĩ, mà rồi nên đôi nên lứa, nên vợ nên chồng…
Hai làng vốn chung dòng sông mà nên tình thân thiết, qua nhiều thế hệ, lại biết bao đám rước cô dâu xúng xính qua cầu, để giữa hai làng có thêm nhiều gia đình mới, con đàn cháu đống sum suê. Nhiều người trở nên họ hàng thân quyến, họ đằng nội, đằng ngoại, họ ba bề bốn bên, và dẫu chẳng có họ hàng, thì cũng có chút di duyên gần gũi.
Làng cứ tíu ta tíu tít nhận họ nhận hàng, người lớn nhắc trẻ con nên gọi thế nào cho đúng phép tắc. Nên người làng ngày ấy thắm thiết nghĩa tình, sống hồn nhiên, lấm láp với đất đai, chia cho nhau từng đẵn mía, củ khoai, nắm chè, củ sắn. Quả bưởi, nải chuối, quả cam, biếu nhau Tết về bày mâm ngũ quả. Chỉ cần ra bờ sông, gọi ới sang bên kia, nhắn người sang lấy. Để rồi những giọng cười lại giòn tan óng ánh mặt sông…
Vậy mà bây giờ, vẫn con sông ấy, vì nước thải dân sinh tại chỗ, và nước thải công nghiệp từ cửa ngõ thành phố chảy về, đã không còn trong sạch, không rong rêu nên cũng dần thưa vắng tiếng cười. Nàng tiên tóc rong, đàn mạt nước, lũ sọi cờ, chỉ còn là bóng nhớ, ẩn khuất trong trí nhớ non thơ. Tôi luôn chạnh nhớ những dòng sông, nhất là khi Tết xấp xới gọi về. Bởi tôi biết, chỉ về đến đầu làng, là đã có sông luôn thủy chung chờ đợi…
Con sông nhỏ bé với tôi, đã từng hơn cả mênh mông những cánh đồng sải cánh cò bay, cho mùa màng no ấm ngày xưa, nay đã thành đô thị, công xưởng. Nỗi nhớ dòng sông ngày cũ có lúc tưởng đến bải hoải bước chân hôm nay khô khốc trên con đường bê tông ráo tạnh. Có lẽ, cả một cánh đồng với con mắt tuổi thơ đã quá đỗi rộng dài, đôi khi mịt mờ, xa vắng.
Cánh đồng trang trải với tâm tình của mẹ, của chị nhiều hơn, bởi mẹ, bởi chị đã nhọc nhằn nhiều nhất trong suốt cuộc đời lam lũ cùng lúa ngô và con tôm cái tép trên những cánh đồng, để chúng tôi được yêu thương trìu mến, được ôm ấp vỗ về, được vui chơi đùa đẫm nhiều nhất nơi những dòng sông.
Tôi luôn nghĩ, dòng sông như tấm gương trong, soi bóng những cuộc đời. Ngôi làng bên sông, cây cối ngả về sông âu yếm. Bóng người qua sông, cây cầu tre run lên từng nhịp bồi hồi. Trong gương nước dòng sông, biết bao con người là bấy nhiêu số phận, đã tắm đẫm cuộc đời mình ở đó, đã lớn lên nhờ nguồn nước ngọt lành từ những dòng sông. Xuôi từ Đông Thành, Thanh Khê, qua Xóm Trại, người làng Đông – Khê – Trại hôm nay, vẫn không tách rời đời sống hiện đại có ô tô đậu trước cổng, có nước máy về tận bếp nhà mình, với dòng Vĩnh Giang nhỏ bé. Năm xưa, mỗi ngày múc về từng thùng nước mát, cất từng con cá con tôm, nuôi từng mớ rau, đọt khoai mà chiu chắt thảo thơm cho bữa cơm chiều đầm ấm.
Bây giờ, sông không còn trong sạch, cũng bặt vắng bèo hoa. Một đời sống vạn vật từng sinh sôi, thiết tha, đắm đuối trên dòng sông ấy, giờ đã hoàn toàn biến mất. Nhìn đôi bờ bê tông xám lạnh, ống nước xả thải lạnh lùng, không khỏi bần thần, tiếc nuối, xót xa. Đôi lúc, muốn phải làm ngay một cái gì đó để đòi lại dòng sông xanh biếc, của một thuở ấu thơ, một thời tuổi trẻ, cho tới ngày tóc sương soi trong bóng nước…
Thương một dòng sông vẫn đang ngày đêm ôm lên bấy nhiêu số phận dân làng, mà giờ không còn hiền hòa, xanh trong, thao thiết. Nhớ dòng sông âm thầm chảy qua khó nhọc đến thương yêu của mẹ cha; chảy qua tuổi thơ đến tuổi trẻ chúng tôi, sóng sánh một miền thơ ấu; đã dung dưỡng, nuôi nấng bao nhiêu ước mơ, khát vọng.
Một dòng sông âu yếm chở mang thơ bé chúng tôi xuôi nước ra đồng, chan hòa về nơi Sông Mẹ, để vơi bớt nhọc nhằn, của những mẹ, những chị, của lũ quê hương trên biết bao đắng đót, ngọt ngào. Để rồi lớn lên, xa quê mải miết, vẫn luôn thèm khát được “đi về phía dòng sông”, “soi mình xuống nước dòng sông”…