Dự kiến cặp sếu đầu tiên sẽ về Việt Nam trong tháng 4. Tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng đến năm 2032 sẽ có 50 con sếu sống quanh năm ở khu vực Tràm Chim.
Liên quan đề án bảo tồn sếu đầu đỏ trị giá gần 185 tỷ đồng, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết cặp sếu đầu tiên sẽ về Vườn quốc gia Tràm Chim trong tháng 4 năm nay.
Trước đó, Đồng Tháp có kế hoạch đưa cặp sếu đầu tiên từ Thái Lan về Việt Nam trong năm 2023, tuy nhiên không thực hiện được. UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc chuyển giao sếu phải trải qua nhiều công đoạn, thủ tục ngoại giao và yêu cầu kỹ thuật.
Cơ quan này cũng cho biết, người Thái coi sếu là quốc bảo, vì vậy việc chuyển giao không được xem là mua bán. Ngoài nhận khoản phí tượng trưng, phía vườn thú của Thái Lan sẽ chọn 2 động vật ở Việt Nam để trao đổi như một phần điều kiện chuyển giao sếu.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Vườn quốc gia Tràm Chim sẽ nuôi sếu đầu đỏ theo mô hình sinh dưỡng cộng đồng. Sếu sẽ không còn di cư mà chỉ ở Tràm Chim và những vùng phụ cận, sinh sản trên ruộng lúa sinh thái của người dân.
Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ được UBND tỉnh Đồng Tháp thông qua, có thời hạn 10 năm, kết thúc vào năm 2032. Trong gần 185 tỷ đồng tổng kinh phí đề án, 56 tỷ đồng sẽ được dùng để chuyển giao và gây đàn sếu. Phần tiền còn lại sẽ chi cho việc phục hồi sinh cảnh, xây dựng mô hình nông nghiệp bền vững và các chi phí liên quan.
Dự kiến trong 10 năm, sẽ có 60 con sếu được Thái Lan chuyển giao. Cũng trong thời gian này, đàn sếu sẽ sinh sản thêm tại Tràm Chim, kỳ vọng có ít nhất 50 con thích nghi tốt, sống quanh năm trong môi trường tự nhiên của khu vực.
Tỉnh Đồng Tháp cũng kỳ vọng, khi sinh cảnh phục hồi, sếu hoang dã sẽ lần nữa về lại Tràm Chim.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, cán bộ phụ trách kỹ thuật của Vườn quốc gia Tràm Chim cho biết, sếu đầu đỏ có điểm nổi bật là phần đầu, cổ và chân có màu đỏ, vằn trên cánh và đuôi màu xám ánh thép. Sếu trưởng thành cao đến 1,8m, sải cánh đến 2,5m, nặng đến 10kg, là loài cao nhất trong những loài chim biết bay.
Sếu 3 năm tuổi bắt đầu sinh sản, tuy nhiên trước đây sếu chưa từng sinh sản ở Tràm Chim. Sếu chỉ về Tràm Chim kiếm ăn mùa nước cạn, thức ăn ưa thích là củ năn kim, ốc, cua, cá…
“Sếu là loài đặc biệt nhất ở Tràm Chim, rất tinh khôn. Tiếng kêu của sếu cũng rất lớn, có thể vang xa hơn 5km từ trung tâm ra đến bìa rừng”, vị cán bộ cho biết.
Vườn quốc gia Tràm Chim rộng khoảng 7.500ha, là sinh cảnh đặc trưng nguyên thủy của vùng Đồng Tháp Mười. Vườn có khoảng 130 loài thực vật với các kiểu quần xã nổi bật là đồng cỏ ngập nước và rừng tràm.
Vườn là nhà của 232 loài chim, trong đó có 32 loài quý hiếm, 16 loài nằm trong sách đỏ quốc tế. Tràm Chim cũng có 130 loài cá, hàng trăm loài phiêu sinh, bò sát, lưỡng cư.
Trước đây có hàng nghìn con sếu đầu đỏ về Tràm Chim kiếm ăn theo mùa. Tuy nhiên do sinh cảnh, mực nước trong khu bảo tồn thay đổi, việc thâm canh, lạm dụng hóa chất ở các đồng ruộng xung quanh khiến từ năm 2022 sếu không còn quay lại Tràm Chim.
Theo đề án bảo tồn sếu, mực nước trong vườn quốc gia đã được hạ thấp, các bãi cỏ năn đã được cải tạo, phục hồi để sếu kiếm ăn. Các khu nhà lồng quy mô lớn cũng đã được xây dựng để sẵn sàng tiếp nhận sếu.
Đội ngũ nhân sự đã được đưa sang Thái Lan học tập và nhận chuyển giao kỹ thuật chăm sóc sếu.
Ngoài ra, hơn 1.000ha lúa quanh Tràm Chim sẽ được canh tác hữu cơ nhằm cải tạo chất lượng môi trường và lấy không gian cho sếu làm tổ sinh sản. Khu vực này sẽ là nơi du khách có thể tận mắt nhìn thấy đàn sếu./.
dantri.com.vn