Lễ hội Sominsai có truyền thống hơn 1.000 năm bị chấm dứt do cư dân địa phương già hóa, không đủ sức đảm đương công việc tổ chức.
Hàng trăm người đàn ông đóng khố truyền thống tối 17/2 cùng tranh giành chiếc túi thiêng đựng những lá bùa gỗ trong lễ hội Sominsai tại đền Kokuseki ở tỉnh Iwate, miền bắc Nhật Bản. Những tiếng hô “ma quỷ hãy biến đi” vang vọng khắp rừng cây tuyết tùng, đánh dấu thời điểm kết thúc sự kiện diễn ra thường niên suốt hơn 1.000 năm qua.
Đây cũng là lần cuối cùng đền Kokuseki tổ chức Sominsai. Sự kiện vốn thu hút hàng trăm người tham gia và hàng nghìn du khách mỗi năm đã trở thành gánh nặng với cộng đồng cư dân địa phương, vốn đang già hóa nhanh chóng và không còn đủ sức đảm đương công việc tổ chức.
“Rất khó để tổ chức sự kiện quy mô như vậy. Lễ hội trông rất thú vị, nhưng đi kèm với đó là hàng loạt nghi lễ và công việc cần tiến hành sau hậu trường. Tôi không thể phớt lờ thực tại khó khăn hiện nay”, nhà sư Daigo Fujinami cho hay.
Sominsai là một trong những lễ hội nổi tiếng và lâu đời nhất ở khu vực phía bắc Nhật Bản, thường diễn ra vào từ đêm mùng 7 đến sáng mùng 8 tháng giêng âm lịch.
Sự kiện diễn ra khi thời tiết còn rất lạnh, nhằm kiểm tra sức chịu đựng và lòng thành của người tham dự. Những người đàn ông chỉ được mặc khố, đi bộ từ đền Kokuseki đến sông gần đó để đắm mình trong làn nước gần như đóng băng. Họ sau đó quay lại đền để tranh giành túi thiêng, với niềm tin rằng người chiến thắng sẽ được các vị thần phù hộ trong năm mới.
Sự kiện từng bị thu nhỏ quy mô trong đại dịch Covid-19. Lễ hội đêm 17/2 cũng được rút ngắn và kết thúc lúc 23h, nhưng cư dân địa phương nói rằng đây là buổi lễ thu hút nhiều người tham gia và chứng kiến nhất trong những năm gần đây.
Toshiaki Kikuchi, người giành được túi thiêng và từng tham gia tổ chức lễ hội suốt những năm qua, tỏ ý hy vọng Sominsai sẽ quay trở lại trong tương lai. “Tôi vẫn muốn duy trì truyền thống này, dù có thể phải thay đổi hình thức tổ chức. Bạn chỉ có thể hiểu rõ giá trị của nhiều hoạt động nếu trực tiếp tham gia”, anh nói.
Nhiều người tham gia và khán giả cũng thể hiện nỗi buồn khi sự kiện bị đình chỉ. “Đây là buổi lễ cuối cùng của truyền thống vĩ đại kéo dài suốt hơn 1.000 năm. Tôi thực sự muốn tham gia”, Yasuo Nishimura, điều dưỡng 49 tuổi đến từ Osaka, cho hay.
Hàng loạt lễ hội tương tự trên khắp Nhật Bản cũng điều chỉnh quy định để duy trì tổ chức, như cho phép phụ nữ tham gia sự kiện vốn chỉ dành cho nam giới trong quá khứ.
Tình trạng già hóa dân số tại Nhật Bản đang diễn ra ngày càng nhanh. Dữ liệu thống kê của Bộ Nội vụ Nhật Bản hồi tháng 9/2023 cho thấy nước này lần đầu tiên ghi nhận 12,59 triệu người trên 80 tuổi, chiếm hơn 10% tổng dân số. Số người trên 75 tuổi cũng đạt 20 triệu, trong khi tỷ lệ dân trên 65 tuổi chạm mức cao kỷ lục 29,1%.
Vũ Anh (Theo AFP)