Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam gửi Bộ Công Thương, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu, luận chứng để so sánh, lựa chọn phương án cấp điện cho huyện Côn Đảo theo các phương án:
Phương án 1 là phát triển nguồn nhiệt điện tại chỗ.
Phương án 2 là phát triển nguồn điện mặt trời và điện gió trên mặt đất.
Phương án 3 là phát triển điện gió ngoài khơi.
Phương án 4.1 là phát triển nguồn điện gió ngoài khơi kết hợp với nguồn diesel hiện hữu và điện mặt trời hiện hữu.
Phương án 4.2 là phát triển nguồn điện gió ngoài khơi kết hợp với lưu trữ năng lượng, nguồn diesel hiện hữu cùng điện mặt trời hiện có và phát triển mới.
Phương án 5 là đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc gia bằng tuyến cáp ngầm vượt biển.
Kết quả nghiên cứu về suất đầu tư, giá thành điện của tư vấn cho thấy: Giá thành thấp nhất thuộc về việc kéo điện lưới ra đảo bằng cáp ngầm, với mức 3.690 đồng/kWh. Còn đắt nhất thuộc về phương án đầu tư điện gió ngoài khơi.
Trường hợp có ngân sách hỗ trợ, việc dùng điện lưới quốc gia bằng cách kéo cáp ngầm có giá thành rẻ nhất là 2.356 đồng/kWh, còn đắt nhất là phương án điện mặt trời kết hợp với nhà máy điện diesel.
EVN cho rằng: Dự báo nhu cầu phụ tải điện đến năm 2045 (114,4 MW) là phù hợp với dự báo nhu cầu điện trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng huyện Côn Đảo đến năm 2045, đang trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua (dự báo đến năm 2045, nhu cầu điện là 113,8 MW).
Do đó, phương án cấp điện từ lưới quốc gia bằng tuyến cáp ngầm 110kV vượt biển (Phương án 5) được EVN “chốt” để báo cáo Bộ Công Thương. Cụ thể, đường dây trên không trên biển 16,9km; cáp ngầm biển 73,3km chôn dưới đáy biển; cáp ngầm trên đảo 6,1km.
Phương án này được EVN đánh giá là đảm bảo khả năng đáp ứng phụ tải của huyện đảo Côn Đảo trong các giai đoạn một cách đầy đủ và liên tục, giá thành điện năng ở mức chấp nhận được.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về phương án cấp điện cho Côn Đảo.
Nếu đầu tư hai tổ máy điện sinh khối với tổng công suất 20MW (2x10MW) chỉ mất khoảng 1.000 tỷ đồng (hơn 40 triệu USD), với giá thành điện sản xuất khoảng 2.000 đồng/kWh.
Chú ý rằng các nhà máy điện sinh khối này có thể dùng gỗ dăm hiện Việt Nam xuất khẩu rất nhiều cho Mỹ để dùng cho sản xuất điện sinh khối. Nhà máy điện sinh khối này cũng có thể dùng các củi rác thu gom từ rừng Côn Đảo. Thêm nữa, các nhà máy điện sinh khối có tính linh hoạt cao, có thể dừng 1 hoặc cả 2 tổ máy khi có dư điện tái tạo và sẵn sàng phát điện khi cần huy động.
TS. Vũ Minh Khương nói rằng nếu đầu tư hai tổ máy điện sinh khối với tổng công suất 20MW (2x10MW) chỉ mất khoảng 1.000 tỷ đồng (hơn 40 triệu USD) và giá thành điện sản xuất khoảng 2.000 đồng/kWh.
Nhưng gỗ dăm tập kết ra cảng có giá là 150 USD/tấn. Viên nén gỗ chất lượng cho chạy lò sinh khối có mức giá là 180 USD/tấn. Nhiệt lượng bằng 70-80% than chuẩn 5.200kcal.
Nếu cứ cho nhiên liệu chiếm 50% giá thành thì ít nhất giá điện phải 3.000 đồng/kWh. Giá thành bán lẻ ở mức 3.500 đồng/kWh nếu lò chạy đều 6.000 giờ/năm. Còn chạy cho phụ tải nhỏ thất thường như Côn Đảo thì giá phải tới 5.000 đồng/kWh.
Ước tính trong tương lai, Côn Đảo tiêu thụ điện là 250 triệu kWh/năm. Nếu phải bù giá 3.000 đồng/kWh thì 1 năm phải bỏ ra 750 tỷ để bù lỗ. Ai sẽ chi số tiền đó?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tiền đã trong kế hoạch vốn Tại Thông báo số 61/TB-VPCP ngày 25/3/2021 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận: “… Cần có giải pháp kéo điện ra đảo, xây dựng lưới điện, sử dụng các nguồn vốn, vốn nhà nước khoảng 50%, vốn EVN khoảng 50%. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi vốn đầu tư trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025”. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 cho EVN (4.382 tỷ đồng), trong đó có tính đến nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện Dự án cấp điện cho huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. |