(Dân trí) – TP Móng Cái (Quảng Ninh) đang trỗi dậy thành vùng động lực, mũi đột phá, cực tăng trưởng kinh tế nhờ xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển với TP Đông Hưng (Trung Quốc).
Trong những năm qua, Việt Nam và Trung Quốc luôn xây dựng, duy trì mối quan hệ, thường xuyên được bồi đắp, nâng cấp, đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
Từ đó, các hoạt động giao lưu nhân dân, giao thương hàng hóa giữa hai quốc gia ngày càng phát triển và đem lại nhiều kết quả tốt.
TP Móng Cái (Quảng Ninh) tiếp giáp với Đông Hưng là khu kinh tế của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Nhiều năm qua, hoạt động giao lưu nhân dân, giao thương giữa hai địa phương này rất sôi động, đi vào chiều sâu và thu được những kết quả tích cực.
Để tìm hiểu về câu chuyện duy trì đường biên hòa bình, giao lưu, hợp tác cùng phát triển giữa người dân 2 địa phương biên giới, phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái (Quảng Ninh).
Có thể nói để có được kết quả hợp tác tích cực giữa các địa phương vùng biên của Việt Nam và Trung Quốc để phát triển kinh tế – xã hội có nhiều yếu tố, nhưng một yếu tố quan trọng đó là duy trì đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa hai bên. Vậy ông có thể cho biết, thời gian qua, TP Móng Cái đã làm những gì để duy trì đường biên giới hòa bình?
– Trên tinh thần hiểu rõ, nắm chắc, vận dụng nhuần nhuyễn bài học “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, phát huy những giá trị khác biệt về địa kinh tế, chính trị, TP Móng Cái đã nỗ lực thiết lập, duy trì, đưa các hoạt động giao lưu hữu nghị, hợp tác với TP Đông Hưng, Khu Phòng Thành (Trung Quốc) đi vào chiều sâu.
Quá trình giao lưu, hợp tác, chúng tôi luôn giữ hòa khí “trong ấm, ngoài êm, giữ ổn định để phát triển kinh tế”, với các hoạt động trên các lĩnh vực.
Cụ thể, chúng tôi triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh, Bản ghi nhớ hợp tác hữu nghị giữa Tỉnh ủy và Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Đảng Cộng sản Trung Quốc hàng năm và giai đoạn 2022-2026.
Chúng tôi ký kết, triển khai thực hiện các thỏa thuận thiết lập cơ chế giao lưu hữu nghị chiến lược và hợp tác trên các lĩnh vực (y tế, văn hóa, du lịch, thương mại,…) tạo “niềm tin chiến lược” trong quan hệ hợp tác song phương.
Hai bên thường xuyên tổ chức gặp mặt, hội đàm, hội thảo thống nhất các vấn đề cùng quan tâm trên tinh thần cởi mở, bình đẳng vì nhân dân, sự phát triển chung. Hai bên cũng duy trì thăm hỏi, chúc mừng nhân dịp lễ, tết gắn với các hoạt động thăm thực tế, tọa đàm giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai thành phố.
Các cơ quan, đơn vị chuyên môn, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội thành phố thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực với các đơn vị tương đồng của TP Đông Hưng.
Chúng tôi còn triển khai mô hình kết nghĩa “đồn – đồn”, “trạm – trạm” giữa các lực lượng biên phòng, hải quan. Hai bên có mô hình kết nghĩa cấp xã (phường Trần Phú – Trấn Đông Hưng), cấp thôn, khu (khu Tràng Vĩ – Trà Cổ và thôn Vạn Vĩ – Giang Bình; thôn Pò Hèn, Hải Sơn với thôn Thán Sản, Na Lương);…
Thông qua hoạt động giao lưu văn hóa, gia tăng sự thấu hiểu, tạo tiền đề xây dựng và củng cố niềm tin giữa hai bên. Từ đó, chúng tôi đã tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống trên tất cả các lĩnh vực với phía Đông Hưng (Trung Quốc), góp phần xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về các hoạt động gần đây của TP Móng Cái đã thực hiện, phối hợp với phía bạn để duy trì mối quan hệ giữa 2 bên, duy trì đường biên hòa bình để cùng nhau phát triển?
– Năm 2023, sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, TP Móng Cái (Việt Nam) và TP Đông Hưng, Khu Phòng Thành (Trung Quốc) đã sớm tái khởi động và thúc đẩy các hoạt động hợp tác, giao lưu hữu nghị từ trực tuyến sang trực tiếp theo hướng đồng bộ, toàn diện.
Cụ thể, chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc hội đàm, hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cả kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao chính quyền và đối ngoại nhân dân.
Hai bên ký kết 7 bản ghi nhớ, thỏa thuận quốc tế; trao đổi, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến các công trình kè biên giới. Hai bên cũng bàn bạc, tháo gỡ khó khăn về thủ tục xuất nhập khẩu và chính thức khởi động công năng xuất nhập cảnh cho khách du lịch bằng hộ chiếu qua cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc) từ tháng 11/2023.
Bên cạnh đó chúng tôi đã tổ chức thành công Hội chợ Thương mại – Du lịch Quốc tế Việt – Trung (Móng Cái, Việt Nam và Đông Hưng, Trung Quốc) lần thứ 15 năm 2023 với chủ đề “Hợp tác hữu nghị – Liên kết phát triển”. Hội chợ với quy mô trên 400 gian hàng và các hoạt động giao lưu kinh tế – văn hóa truyền thống đặc sắc nơi biên giới.
Hoạt động giao lưu, hợp tác ngày càng thêm bền chặt, đi vào chiều sâu, thực chất và phát triển tốt, làm phong phú và thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, trở thành “nhịp cầu nối” bền chặt giữa hai quốc gia, dân tộc.
Ông có thể khái quát kết quả về kinh tế – xã hội của Móng Cái trong năm 2023, những kết quả này đến từ hoạt động giao lưu nhân dân, giao thương với các địa phương của Trung Quốc như thế nào, thưa ông?
– Năm 2023, TP Móng Cái đã phấn đấu thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, 15/16 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt tiến độ. Thành phố đã tận dụng tốt thời cơ hoạt động thông quan trở lại và hiệu quả từ đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái để phát triển kinh tế – xã hội, nhiều chỉ tiêu đạt cao so với cùng kỳ (thương mại, dịch vụ tăng 115%).
TP Móng Cái là “điểm đến du lịch”, trong năm 2023 đạt trên 2,5 triệu lượt người, tăng 130% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước của Móng Cái cao nhất từ trước đến nay, đạt gần 5.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 2.200 tỷ đồng, vượt 46,7%,…
Tình hình an ninh chính trị ổn định, không có tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra trên địa bàn. Hoạt động đối ngoại được tăng cường, đi vào chiều sâu, là điểm sáng “hình mẫu” trong quan hệ hợp tác khu vực biên giới hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Từ những kết quả trên đã tạo niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền được cũng cố, nâng lên. Có thể nói, diện mạo, tầm vóc và vị thế của TP Móng Cái ngày càng được khẳng định, đang vươn lên trở thành vùng động lực, cực tăng trưởng kinh tế của tỉnh và cả nước.
Đạt được những kết quả toàn diện, quan trọng trên các lĩnh vực là do Móng Cái đã tận dụng và phát huy tốt những giá trị khác biệt về địa kinh tế, chính trị, khơi dậy mạnh mẽ mọi tiềm năng, thu hút mọi nguồn lực.
Trong đó nguồn lực từ hiệu quả hợp tác với các địa phương nước bạn đóng góp quan trọng. Riêng năm 2023 thành phố đã thu hút thêm 599 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nâng tổng số 1.028 doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Cũng trong năm 2023, chúng tôi ký kết 21 hợp đồng, hợp tác kinh tế của các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc (trị giá ước trên 15 triệu USD).
Tổng trọng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đạt hơn 1,6 triệu tấn, tăng 71,3% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 4,5 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 28% so với cùng kỳ.
Đồng thời, hoạt động thông quan của khách du lịch và cư dân biên giới được giải quyết nhanh chóng, từ đó thành phố đã thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Thành phố đã giải quyết thủ tục cho gần 4 triệu lượt người xuất nhập cảnh.
Theo quy hoạch, định hướng phát triển Quảng Ninh, có nêu sẽ phát triển TP Móng Cái là thành phố cửa khẩu sôi động, phát triển bậc nhất của khu vực. Vậy ông cho biết, Móng Cái đã chuẩn bị những gì và sẽ làm gì để thực hiện theo định hướng này, và ông đánh giá thế nào về tiềm năng giao thương với tỉnh bạn Trung Quốc?
– TP Móng Cái nằm trong vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ, là điểm kết nối quan trọng trong hợp tác “hai hành lang, một vành đai” giữa hai nước Việt – Trung.
Trên địa bàn hiện có 1 cửa khẩu quốc tế với hai khu vực: Cầu Bắc Luân I, cầu Bắc Luân II. Trong đó khu vực cầu Bắc Luân II kết nối trực tiếp với tuyến cao tốc Móng Cái – Vân Đồn – Hạ Long – Hải Phòng – Hà Nội, là hành lang đường bộ quan trọng kết nối các tỉnh phía Bắc Việt Nam với Trung Quốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển liên kết vùng miền.
Hiện nay, cửa khẩu Móng Cái đã được bố trí trang thiết bị hiện đại, đầy đủ. Các ngành cửa khẩu triển khai đồng bộ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện các thủ tục khai báo điện tử, mang lại hiệu quả tiết kiệm nhân lực, nâng cao năng lực giám sát, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Chúng tôi còn đang nghiên cứu, thí điểm thực hiện mô hình Cửa khẩu số tại cầu Bắc Luân II.
Từ tháng 3/2023, cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái – Đông Hưng (khu vực cầu Bắc Luân II) trở thành cửa khẩu đường bộ được phép làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng lương thực từ Việt Nam và các nước ASEAN sang Quảng Tây, Trung Quốc.
Bên cạnh đó, từ ngày 6/12/2023, cửa khẩu đường bộ Đông Hưng (khu vực cầu Bắc Luân II) được phép làm thủ tục nhập khẩu thêm với 3 mặt hàng nông sản, từ đó sẽ nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố.
TP Móng Cái đang tiếp tục tập trung hoàn thiện các quy hoạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là các dự án động lực tăng cường liên kết vùng gắn với chuyển đổi số toàn diện, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
Chúng tôi tìm mọi giải pháp để tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi, thông thoáng, ưu đãi nhất cho hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ.
Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục để xuất các cấp thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ lập, trình duyệt dự án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm triển khai nhiều dự án như: Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Ninh); Dự án xây dựng Đường dẫn và cầu Bắc Luân III; Quy hoạch, xây dựng tuyến đường sắt kết nối Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai (Việt Nam) kết nối với Móng Cái, Quảng Ninh; mở cửa khẩu song phương khu vực km3+4 và mở lối thông quan cầu Bắc Luân III thuộc cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc); Đề án hợp tác thúc đẩy hoạt động logistics khâu vận tải TP Móng Cái (Việt Nam) – TP Đông Hưng (Trung Quốc).
Chúng tôi nhận định còn rất nhiều dư địa để Móng Cái và Đông Hưng phát triển hợp tác, giao thương về kinh tế, thương mại và đầu tư.
Hai bên có lý do lạc quan để đạt được các mục tiêu, dự định là bởi có được thuận lợi từ chủ trương ủng hộ của lãnh đạo cấp cao hai nhà nước.
Sự ủng hộ, tin tưởng của lãnh đạo hai bên được cụ thể hóa bằng các tuyên bố chung, thỏa thuận hợp tác. Đồng thời, chúng tôi còn có thuận lợi vị trí địa lý, tương đồng về truyền thống văn hóa và đặc biệt là niềm tin chính trị chính từ hiệu quả hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực trong suốt những năm qua.
Thiết kế: Đức Bình