Sau thời gian du học và làm việc ở nước ngoài, nhiều tài năng công nghệ quay về Việt Nam, trở thành nguồn lực quan trọng cho hệ sinh thái khởi nghiệp.
Nhiều quốc gia đang mong muốn phát triển một Thung lũng Silicon bản địa. Việt Nam cũng không ngoại lệ. “Rất nhiều nhân tài công nghệ Việt đang trở về quê hương, thúc đẩy chuỗi cung ứng điện tử và nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng”, Nikkei Asia cho biết.
Trong hơn hai thập kỷ, Việt Nam đã có nhiều sinh viên ra nước ngoài. Những tài năng trẻ đi khắp thế giới đã tích lũy được những kỹ năng và mạng lưới giá trị trước khi quay về quê hương khi sự nghiệp đã chín muồi. Đây là lúc Việt Nam được đánh giá đến giai đoạn “thu hoạch”.
Việt Nam nằm trong 10 nguồn sinh viên quốc tế hàng đầu tại Mỹ trong hơn một thập kỷ qua. Theo dữ liệu năm 2022 của quốc gia này, Việt Nam xếp thứ 5 về số lượng sinh viên theo học tại đây. Các trường đại học ở Phần Lan hay Hàn Quốc cũng xếp hạng Việt Nam là quốc gia chiếm tỷ lệ lớn nhất về số lượng sinh viên.
Từ năm 2003, Quốc hội Mỹ xây dựng một học bổng tên Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) để thu hút sinh viên. Tú Ngô, một nhà đầu tư và học giả VEF, cho biết quỹ này là một ví dụ điển hình về thành quả của những chương trình du học khi các cựu sinh viên đã trưởng thành và khẳng định được vị thế của mình trong nền kinh tế Việt Nam. Những du học sinh cùng thời cô đã liên tục thành lập startup danh tiếng, như nhà cung cấp máy học Palexy. Nhiều doanh nghiệp nổi bật như Tap Tap, Uber Việt Nam, Abivin, Genitica… cũng được thành lập bởi du học sinh Việt.
“Ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp chọn về và định cư ở Việt Nam. Khi nền kinh tế này đạt tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới, thu hút các công ty như LG và Alibaba, tình trạng chảy máu chất xám cũng đã giảm mạnh”, Nikkei Asia bình luận.
Theo một nghiên cứu của Google, Temasek và Bain, Việt Nam được dự báo chứng kiến sự gia tăng lớn nhất khu vực Đông Nam Á về quy mô nền kinh tế Internet vào năm 2025. Các giao dịch đầu tư mạo hiểm từ 2025 đến 2030 dự kiến tăng trưởng vượt bậc.
Trước đó, Bloomberg cho rằng Việt Nam đang trở thành trung tâm công nghệ mới của Đông Nam Á khi số lượng startup và thương vụ đầu tư tăng mạnh. Theo báo cáo của KPMG International và HSBC Holdings hồi tháng 7/2022, số lượng công ty khởi nghiệp ở Việt Nam đã tăng gấp đôi kể từ đầu 2021 đến giữa 2022. Nhiều nhà đầu tư lớn của thế giới như Sequoia Capital, Warburg Pincus LLC và Alibaba đang rót vốn vào các startup hứa hẹn ở Việt Nam.
Trước khi về Việt Nam, tiến sĩ Tuấn Cao là kỹ sư cao cấp tại Google AI, sau đó thành lập Genetica – công ty xét nghiệm gene ứng dụng AI tại Mỹ. “Năm 2017 khi quyết định rời đi, tất cả gợi ý đều chỉ dẫn về Singapore, nơi vô cùng cởi mở về công nghệ mới, được chính phủ hỗ trợ và dễ kết nối khách hàng tiềm năng… Nhưng cuối cùng, nhìn bức tranh lớn hơn của thị trường, tôi quyết định quay về Việt Nam”, CEO Genetica kể về lý do về quê hương để khởi nghiệp.
Sau nhiều năm, Tuấn Cao vẫn cho rằng đó là quyết định may mắn và thay đổi hoàn toàn cuộc đời anh. “Mọi người đều nói về Việt Nam khó phát triển nhưng tôi lại thấy ở đây có rất nhiều cơ hội”, anh nói. Đầu tiên là sự hỗ trợ của Chính phủ cho các lĩnh vực công nghệ mới, các bệnh viện, các trường đại học, đồng nghiệp trong cùng lĩnh vực, các công ty công nghệ. Tiếp đến là thị trường Việt Nam và khu vực đang rất mở và tiềm năng. “Công nghệ dù tốt đến mấy nhưng không có thị trường cũng có thể phải đóng cửa, thị trường quyết định tất cả. Genetica giải mã gene cho người châu Á vì vậy quay về Việt Nam không có gì lạ”, anh cho hay.
Nguyễn Quốc Huy, nhà phát triển ứng dụng ghi chú CollaNote và được Apple vinh danh là nhà sáng tạo nổi bật đưa sản phẩm Việt ra nước ngoài, cũng quyết định quay về Đà Nẵng để khởi nghiệp sau thời gian du học tại Đức.
“Khi dự án đủ lớn và có những nguồn thu đầu tiên, tôi nghĩ đã đến lúc thành lập một đội ngũ bài bản để chinh phục mục tiêu lớn hơn. Nơi đầu tiên tôi nghĩ tới là Việt Nam khi mơ về giấc mơ toàn cầu”, Huy kể. Theo anh, ứng dụng được phát triển tại Đức, thị trường khách hàng lớn nhất là đến từ Mỹ, Trung Quốc, Ả Rập, Đức, Hàn Quốc nhưng đội ngũ vận hành nếu đặt ở Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế về tối ưu vận hành trong khi chất lượng và kỹ năng của thế hệ trẻ không hề thua kém.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, các nhà phân tích cho rằng hiệu suất của lao động Việt Nam vẫn chưa theo kịp tiềm năng phát triển của đất nước.
Các đối tác cung ứng của Apple cho biết họ không thể tìm đủ kỹ sư tại Việt Nam khi mở rộng họat động sản xuất. Dù đã xuất hiện các kỳ lân công nghệ, Việt Nam vẫn đang tìm kiếm một công ty khởi nghiệp có thể thực sự đưa thương hiệu quốc gia ra thế giới như Gojeck của Indonesia hay Shopee của Singapore.
“Các nhà đầu tư thường nói Việt Nam có nhiều tiềm năng, nhưng thách thức nằm ở việc tìm kiếm những người sáng lập và đối tác có thể tin tưởng để xây dựng doanh nghiệp có tiêu chuẩn quản trị và liêm chính”, Tú Ngô nói với Nikkei Asia. Tuy nhiên, cô cho rằng những thế hệ du học sinh quay về quê hương khởi nghiệp sẽ là cầu nối quan trọng để đưa mọi thứ tiến lên phía trước, giúp định hình lại nhận thức về các doanh nghiệp Việt.
An Thu tổng hợp