Một đoàn 320 khách du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm) đến từ Ấn Độ vừa có dịp trải nghiệm sản phẩm du lịch đường thủy từ TP HCM đi Mỹ Tho (Tiền Giang). Trước đó, một đoàn hơn 200 khách tàu biển quốc tế cũng tham quan và trải nghiệm sản phẩm du lịch trên dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè… Du lịch đường thủy của TP HCM đang khởi sắc, được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm tạo sự khác biệt.
Loạt sản phẩm mới chờ du khách
Đoàn 320 khách đến từ Ấn Độ của Tập đoàn L’Oreal Matrix do Công ty TNHH Du lịch Đường mòn Châu Á tổ chức. Điểm đặc biệt, theo Sở Du lịch TP HCM, là trong những ngày ở thành phố, đoàn khách quốc tế bên cạnh tham quan các điểm đến nổi tiếng như Địa đạo Củ Chi, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố… còn trải nghiệm một tuyến đường sông bằng ca nô cao tốc đi từ TP HCM đến khu vực miền Tây đặc sắc.
Với đoàn 200 khách tàu biển tham quan tour kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, bà Nguyễn Thị Vương, quản lý điều hành Công ty TNHH Thuyền Nhiêu Lộc, cho biết tour được thiết kế để du khách chiêm ngưỡng 9 cây cầu bắc qua dòng kênh như cầu Hoàng Hoa Thám, cầu Trần Khánh Dư, cầu Kiệu, cầu Công Lý… Điểm nhấn là du khách được trải nghiệm thả cá trên sông nhằm cải tạo nguồn nước, góp phần tăng cường hệ sinh thái phong phú cho dòng kênh. Dưới những cây cầu cũng được lắp đặt những loại đèn chiếu sáng nhiều màu khác nhau, tạo điểm check in mới lạ.
“Trong không khí thư giãn, du khách cùng lắng nghe giai điệu dân gian, thưởng thức đờn ca tài tử trên kênh. Sản phẩm du lịch trên dòng kênh đang có sức cạnh tranh với nhiều điểm đến du lịch khác, trong các tour du lịch đón khách đến với TP HCM. Hiện tại khách quốc tế chiếm tới hơn 50% lượng khách tham quan ở tuyến du lịch này của công ty” – bà Vương nói.
Trước đó, Lễ hội Sông nước TP HCM lần đầu tiên được tổ chức cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú giới thiệu sản phẩm dịch vụ du lịch với du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, kết nối hành trình trải nghiệm trên sông và các tour tuyến du lịch từ thành phố đến các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ và các nước.
Không chỉ doanh nghiệp tăng cường quảng bá, giới thiệu, đón khách quốc tế mà các quận, huyện và TP Thủ Đức cũng “nhập cuộc” đưa vào khai thác những sản phẩm du lịch đường thủy mới. Tại Tuần lễ Du lịch TP HCM năm 2023 vừa diễn ra, ngành du lịch thành phố cũng giới thiệu một loạt sản phẩm du lịch đường thủy mới, thường kỳ.
Phải khai thác hiệu quả lợi thế
TP HCM vốn có lợi thế rất lớn trong phát triển nguồn tài nguyên du lịch đường sông phong phú, đa dạng với 4 dòng sông chính là Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và sông Soài Rạp chảy qua. Gần 1.000 km đường sông với hệ thống kênh rạch của thành phố kết nối với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và nhất là kết nối với khu vực ĐBSCL.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông và marketing Công ty TSTtourist, nhận định thành phố có điều kiện tự nhiên và lợi thế rất lớn cho phát triển du lịch đường sông. Như tại TSTtourist, các chương trình du lịch đường sông chiếm khoảng một nửa sản phẩm tour của TP HCM với đa dạng sản phẩm cho du khách.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết việc hình thành sản phẩm du lịch đường thủy trở thành một trong các sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt của thành phố, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế và nội địa. Vì đường thủy là một lợi thế, một điểm mạnh của thành phố nên cần được khai thác một cách hiệu quả.
Đến nay, thành phố có trên 47 sản phẩm du lịch đường thủy của hơn 18 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch bằng đường thủy, với 3 nhóm sản phẩm du lịch đường thủy chính gồm: Các tour tầm ngắn (khu vực bến Bạch Đằng, cảng Sài Gòn, khu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè), các tour tầm trung (tour du lịch đi Cần Giờ, tour du lịch đi Củ Chi) và các tour du lịch tầm xa như đi từ khu vực bến Bạch Đằng đến các tỉnh, thành ĐBSCL và liên vận đến thủ đô của Campuchia.
Mới đây, Sở Du lịch TP HCM đã tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP HCM giai đoạn 2023-2025, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, phát huy tiềm năng du lịch. Thành phố đang kêu gọi đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, bến, bãi neo đậu tàu; đồng thời sắp xếp, quy hoạch các bến tàu trong sự phát triển quy hoạch chung trên địa bàn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Theo các chuyên gia, việc phát triển du lịch đường thủy mở ra nhiều cơ hội trong thu hút vốn đầu tư, kích cầu du lịch và nâng cao cuộc sống người dân.