Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam – MXV, cho biết, có nhiều yếu tố tác động lên diễn biến giá dầu thế giới trong năm 2024. Trong đó, căng thẳng chính trị và chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể đẩy giá dầu lên nhưng tăng trưởng kinh tế chậm lại và tiêu thụ ít đi có thể khiến giá chững hoặc đi xuống.
Kịch bản thứ nhất, nếu tăng trưởng nhu cầu yếu, OPEC+ sẽ duy trì chính sách sản lượng thấp hoặc thậm chí sẽ cắt giảm thêm để hỗ trợ giá dầu. Tại cuộc họp vào cuối tháng 11.2023, nhóm đã quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng dầu/ngày. Theo đó, quý đầu năm 2024, thị trường có thể sẽ thâm hụt từ 500.000 đến 800.000 thùng dầu/ngày. Với kịch bản trung tính này, giá dầu WTI có thể đạt trung bình khoảng 80 USD/thùng và dầu Brent khoảng 85 USD/thùng.
Kịch bản thứ hai – kịch bản xấu nhất, nếu căng thẳng mở rộng ra khu vực Trung Đông hoặc kéo theo sự tham gia của Mỹ hay Iran, các huyết mạch dòng chảy dầu mỏ trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng lớn, trong đó có các eo biển quan trọng chiến lược bao gồm eo biển Hormuz với quyền kiểm soát của Iran và eo biển Bad Al-mandab dưới sự ảnh hưởng của phiến quân Houthi tại Yemen do Iran hậu thuẫn. Nếu xung đột làm gián đoạn nghiêm trọng, khả năng giá dầu vượt 100 USD/thùng hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo ông Quỳnh, những diễn biến của giá dầu thế giới sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới giá xăng, dầu trong nước trong năm 2024, bởi Việt Nam là quốc gia nhập khẩu xăng dầu.
“Với kịch bản trung tính mà tôi đã phân tích ở trên, khả năng cao giá xăng dầu nội địa cũng sẽ nhích nhẹ vào đầu năm 2024, khi tác động cắt giảm sản lượng của OPEC+ và căng thẳng quanh khu vực Biển Đỏ ảnh hưởng tới giá toàn cầu. Nhưng xét tổng thể cả năm 2024, cung cầu sẽ tương đối cân bằng, giá dầu sẽ tiếp tục ổn định và có thể tương đương với mức trung bình của năm 2023 vừa qua”, ông Quỳnh nói.
Theo ông Quỳnh, năm 2024 sẽ ít khả năng giá xăng dầu trong nước tăng vọt bất thường như năm 2022. Về yếu tố thế giới, phần lớn là do rào cản từ sức ép tăng trưởng toàn cầu, ít nhất là khoảng nửa đầu năm. Cuối năm 2024, Mỹ sẽ tiến hành bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới nên nước này cũng sẽ tìm mọi cách để kiềm chế giá tăng nóng.
Còn về yếu tố trong nước, việc ban hành Nghị định 80/2023/NĐ-CP sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, trong đó rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày, sẽ giúp giá xăng dầu trong nước tiệm cận sát với giá thị trường thế giới.
Thêm vào đó, Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong dài hạn, đây chính là giải pháp hữu hiệu để giúp ổn định cung cầu và giá xăng dầu trong nước.