Ảnh hưởng của El Nino, nhu cầu thị trường thế giới tăng trong khi nguồn cung hạn chế giúp giá gạo, sầu riêng tiếp tục tăng cao, riêng cà phê lập kỷ lục mới.
Từ đầu năm đến nay, giá cà phê trong nước và thế giới liên tục tạo đỉnh mới. Kết phiên 5/2, giá cà phê nhân xô leo lên mốc 79 triệu đồng một kg, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ 2023. Đến 17/2, mỗi kg cà phê lên 80.100 đồng, tăng 14.000 đồng số với ngày trước. Đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Với giá gạo, đầu năm, Việt Nam trúng đấu thầu 300.000 tấn từ Indonesia, chiếm 60% lượng gạo đấu thầu mà nước này muốn mua. Việt Nam sắp vào vụ Đông Xuân với sản lượng lớn nhưng giá gạo xuất khẩu vẫn đang duy trì 640 USD một tấn, tương đương mức đỉnh năm ngoái.
Trong khi đó, sầu riêng “vua trái cây” của Việt Nam đầu năm giá tăng 20% so với cuối năm 2023 và đang được doanh nghiệp thu mua tại kho cho hàng loại A với giá lên tới 200.000 đồng một kg Monthong. Giá này bằng đỉnh cũ cách đây một năm.
CEO Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng dự báo giá nhiều loại nông sản sẽ tiếp tục tăng những tháng đầu năm và cân bằng lại ở giữa năm. Trong đó, sầu riêng, cà phê, gạo là những mặt hàng chủ lực của Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành tựu mới. Với sầu riêng, sắp tới, Trung Quốc cho xuất thêm mặt hàng đông lạnh sẽ không lo mất giá, thị trường có thể bước vào giai đoạn ổn định. Sang tháng 2 và 3 khi các nước như Thái Lan, Malaysia không còn sầu riêng, hàng Việt sẽ tiếp tục được bán với giá cao.
Với mặt hàng gạo, theo các doanh nghiệp xuất khẩu, trên thị trường thế giới, giá khó hạ nhiệt vì mất cân bằng cung – cầu. Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới nên tiếp tục được hưởng lợi.
Là mặt hàng “phá đỉnh liên tục trong 6 tháng qua”, cà phê nhân xô được các doanh nghiệp dự báo vượt 80 triệu đồng một tấn. Theo lãnh đạo Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam, các nhà nhập khẩu trên thế giới đang tìm về Việt Nam mua cà phê. Năm 2023, các doanh nghiệp gần như “vét sạch” kho hàng để xuất khẩu. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử khi chỉ đến tháng 6/2023, người dân đã không có cà phê bán. Hiện tồn kho hàng hóa này giảm mạnh và là lý do để giá cà phê liên tục lập đỉnh mới.
Quản lý vựa sầu riêng – cà phê – tiêu lớn nhất Việt Nam, ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đăk Lăk, đánh giá 2023 là một năm nhiều nông sản “được mùa được giá”. Đặc biệt, cà phê, sầu riêng, khoai lang liên tục lập đỉnh mới. Đầu năm nay, giá nhiều nông sản tiếp tục được hưởng lợi khi nhu cầu trên thế giới tăng cao.
“Riêng với sầu riêng, giá sẽ vẫn ở mức tốt khi nhu cầu từ phía Trung Quốc lớn. Cộng thêm các chính sách và Nghị định thư mới được áp dụng kích thích sự tăng trưởng của nhóm nông sản này”, ông Côn nói.
Đồng quan điểm, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho rằng năm nay, ngoài như cầu lớn của Trung Quốc, ảnh hưởng của El Nino và khủng hoảng Biển đỏ kéo dài làm suy giảm lượng rau quả các nước châu Á và Tây Phi, chi phí vận chuyển tăng cao đẩy giá hàng hóa tăng lên. Sầu riêng thời điểm khan hiếm sẽ tăng tới 50% về giá, còn chuối, mít có thể tăng 5-10%.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo giá hàng hóa sẽ có nhiều thay đổi trong năm nay. Trong tháng 1, giá hầu hết các mặt hàng có xu hướng tăng so với thời điểm tháng 11/2023. Trong đó, cà phê tăng 4-9%, gạo thường trên 6%, xoài cát chu 8%, tôm nguyên liệu (4%), cá nguyên liệu (5-6,7%)…
Bộ đặt mục tiêu Tốc độ tăng trưởng toàn ngành 3,2-4,0%; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54-55 tỷ USD. Trong đó, các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, sầu riêng sẽ tiếp tục bứt phá trong năm nay.
Thi Hà