Một “thầy đồ” hiện đại trao bức thư pháp chữ quốc ngữ tặng du khách nước ngoài trong ngày đầu Xuân tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội).
“Sinh sau đẻ muộn”, mới chỉ có từ khoảng đầu thế kỷ 20, nhưng với mong ước tôn vinh vẻ đẹp văn hóa Việt, từ bắc tới nam, nhiều “ông đồ” thời hiện đại đã nghiên cứu, tìm tòi, khẳng định nét đẹp của thư pháp chữ quốc ngữ, để rồi, dòng chảy thư pháp chữ quốc ngữ ngày một lan tỏa mạnh mẽ.
Những ngày đầu xuân, bên cạnh việc xin chữ Hán, chữ Nôm, nhiều người ưa thích xin chữ thư pháp quốc ngữ để treo trong nhà. Thư pháp chữ quốc ngữ mới ra đời, nhưng dần tìm được chỗ đứng trong cộng đồng.
Nền thư pháp non trẻ
Trong buổi khai mạc Hội chữ Xuân Giáp Thìn tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, thư pháp gia Lưu Thanh Hải không giấu nổi xúc động khi là người con của mảnh đất phương nam được về với nơi là cội nguồn đạo học đất Việt để viết chữ cho mọi người.
Khác với các bậc tiền nhân nơi này, anh viết thư pháp chữ quốc ngữ – một bộ môn mới, trên nền những phương pháp truyền thống. Nhưng trong niềm phấn khởi xen lẫn xúc động ấy, anh vẫn mang không ít ưu tư. Ðó là một mai, thư pháp chữ quốc ngữ sẽ được đón nhận như một bộ môn nghệ thuật chính thống, bài bản, có nền tảng và cơ sở, có đủ sức thuyết phục mà không cần phải “vay mượn” hình ảnh thầy đồ xưa. Tâm tư của thư pháp gia Lưu Thanh Hải cũng chính là một câu chuyện dài của thư pháp chữ quốc ngữ…
Cho đến giờ, nhiều người vẫn hoài cảm khi nhớ về giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khi khoa cử thời phong kiến suy tàn và khi “Ông đồ” của Vũ Ðình Liên bày mực tàu giấy đỏ mà chẳng ai hay. Nhưng cũng chính lúc ấy, chữ quốc ngữ vốn đã ra đời mấy trăm năm, mới thật sự thay thế chữ Hán, chữ Nôm trong đời sống.
Chữ quốc ngữ có lịch sử non trẻ. Song, không lâu sau khi được sử dụng một cách rộng rãi, người Việt đã nhanh chóng tìm cách “chơi” những ký tự La-tinh dùng để ghi âm tiếng Việt này. Những nhà thơ như: Ðông Hồ (1906-1969), Vũ Hoàng Chương được coi là những người đầu tiên viết thư pháp chữ quốc ngữ bằng bút lông, mực tàu.
Nhiều bút tích của thế hệ đi trước vẫn còn đến ngày nay. Chiến tranh, rồi hoàn cảnh đất nước khó khăn khiến dòng chảy của thư pháp chữ quốc ngữ ngừng trệ và chỉ được khơi dòng trở lại trong mấy chục năm trở lại đây. Những lớp người viết thư pháp đầu tiên của thời hiện đại phải kể đến như nhà thơ Trụ Vũ, Minh Ðức Triều Tâm Ảnh… Ở phía bắc, người đặt nền móng cho sự phát triển của thư pháp chữ Việt là thư pháp gia Kiều Quốc Khánh. Anh được xem là người đi tìm “hình” cho thư pháp chữ quốc ngữ.
Nền thư pháp chữ Việt non trẻ ấy vấp phải không ít rào cản. Trước hết là định kiến rằng thư pháp vốn là loại hình nghệ thuật gắn với chữ tượng hình. Chữ quốc ngữ là chữ tượng thanh, không phù hợp. Nhưng rồi với tình yêu, đam mê và khát vọng khẳng định bản sắc văn hóa Việt, nhiều nhà thư pháp vẫn nghiên cứu, tìm tòi để định hình vẻ đẹp.
Ðơn cử như Nguyệt Trà Kiều Quốc Khánh nghiên cứu thư pháp Hán-Nôm, nghiên cứu thư pháp châu Âu (calligraphy), để khai thác những nét tinh túy của cả hai trường phái, đưa vào những tác phẩm thư pháp quốc ngữ. Cũng ở miền bắc, Ngẫu Thư Nguyễn Thanh Tùng là người có nhiều nghiên cứu, quảng bá nét đẹp thư pháp chữ quốc ngữ.
Từ chỗ đam mê một cách tự nhiên, sau này, khi trở thành giáo viên dạy văn, anh càng yêu vẻ đẹp của con chữ tiếng Việt và miệt mài sáng tác đào sâu vẻ đẹp của chữ quốc ngữ, ý tứ nội hàm con chữ, chất văn của con chữ. Thanh Tùng chia sẻ: “Bất kỳ một bộ môn nghệ thuật nào khi sinh ra cũng luôn chuyển động, hòa nhập với đời sống. Thư pháp cũng không đứng yên. Ngay nội bộ thư pháp chữ Hán hôm nay cũng có biến đổi khác xưa. Trên thế giới, hệ chữ viết nào trong đời sống, bên cạnh ghi chép thông thường, thì nó đều có thể nâng lên thành nghệ thuật. Hệ chữ La-tinh của phương Tây cũng có thư pháp. Còn ở Việt Nam, mấy chục năm trước, các cụ dùng bút lông, mực tàu để gieo mầm cho thư pháp chữ Việt. Ðó là những viên gạch đầu tiên để chúng tôi tiếp tục phát triển”.
Trên khắp cả nước, có nhiều người nghiên cứu, thử nghiệm, tìm tòi phát triển thư pháp chữ quốc ngữ để những chữ viết tiếng Việt có thể “đứng” được như một tác phẩm độc lập. Dòng chảy cứ thế mà thành.
Nhà thư pháp Lưu Thanh Hải vốn là “thế hệ trẻ” khi thư pháp chữ Việt bắt đầu trở lại vào những năm 1990. Ðến nay, anh đã trải qua hơn 20 năm gây dựng phong trào thư pháp quốc ngữ ở đất phương nam. Với anh, nếu treo một bức thư pháp mà người xem không hiểu được thì bức thư pháp đó sẽ giảm đi ý nghĩa. Thư pháp chữ quốc ngữ giúp nhiều người hiểu ý nghĩa những chữ viết. Ðó chính là động lực để anh gắn bó, cống hiến.
Anh chính là người đề xướng và tổ chức “phố ông đồ” lần đầu tiên vào Xuân Ðinh Hợi năm 2007 tại Thành phố Hồ Chí Minh. “Phố ông đồ” sau đó được Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh nâng cấp thành Lễ hội Tết Việt được tổ chức liên tục từ đó đến nay.
Tại Hà Nội, “phố ông đồ” tự phát bên vỉa hè Văn Miếu-Quốc Tử Giám nhiều năm trước, rồi được tổ chức quy củ trong hồ Văn thuộc khuôn viên di tích thành Hội chữ Xuân. Bên cạnh những gian hàng chữ Hán-Nôm, thư pháp chữ quốc ngữ đã trở thành điều không thể thiếu. Ðó cũng là điều đang diễn ra ở nhiều Hội chữ Xuân đang được tổ chức khắp nơi trên khắp cả nước. Vượt qua những định kiến, dẫu mới hình thành, nền thư pháp chữ quốc ngữ đang có sức sống mạnh mẽ. Nói theo cách của nhà thư pháp Nguyễn Thanh Tùng, thư pháp chữ quốc ngữ rất giàu nội lực.
Định vị bản sắc
Một nền thư pháp non trẻ tất nhiên chưa thể có một hệ thống lý luận, những nguyên tắc mỹ học, những thủ pháp, kỹ pháp… một cách hoàn chỉnh. Song, nhìn chung, những người viết thư pháp quốc ngữ sử dụng phương tiện, bút lông, nghiên, mực tàu… và một số kỹ thuật của thư pháp Hán-Nôm để ứng dụng vào thư pháp chữ quốc ngữ; một số kết hợp cả thư pháp Hán-Nôm lẫn thư pháp phương Tây (vốn gắn ký tự La-tinh như tiếng Việt).
Nhà thư pháp Lưu Thanh Hải cho biết thêm: “Thư pháp chữ quốc ngữ là thư pháp từ dân gian mà ra. Hiện nay, có nhiều hình thái thể hiện, nhiều quan điểm khác nhau. Một số người theo phương pháp, kỹ pháp của thư pháp Hán-Nôm truyền thống. Một số người cho rằng hệ chữ La-tinh, nên viết tự do. Trong cách nhìn của tôi, nếu thư pháp Hán-Nôm có nhiều nét ngang, nét dọc, thì thư pháp chữ Việt có nhiều đường vòng, ứng với hành thư, hành thảo của thư pháp Hán-Nôm”.
Ðối với nhà thư pháp Kiều Quốc Khánh, sau nhiều năm khổ luyện calligraphy, anh đúc kết ra một số điểm tinh túy nhất có thể đưa vào thư pháp quốc ngữ. Ðó là “chân chữ” tạo nên sự vững chãi cho con chữ, “nét sóng” giúp con chữ thêm mềm mại, uyển chuyển. Còn kỹ pháp của calligraphy giúp người viết làm chủ những chữ cái có đường cong phức tạp.
Trong đó, cái khó nhất theo anh là “thi triển” những kỹ năng của phương Tây bằng bút lông, chứ không phải bút sắt – loại bút “chính thống” của calligraphy. “Một khi đã kết hợp nhuần nhuyễn được tinh hoa của cả thư pháp Á lẫn Âu, thì chữ của thư pháp quốc ngữ cũng sẽ có hình và hàm chứa được nhiều tầng nghĩa như thư pháp Hán. Còn đẹp hay không thì phụ thuộc vào trình độ của người viết”, nhà thư pháp Kiều Quốc Khánh chia sẻ.
Có thể nói, chưa bao giờ thư pháp chữ quốc ngữ phát triển nở rộ như bây giờ. Không chỉ nhiều người viết mà còn có nhiều lớp thư pháp chữ quốc ngữ mọc lên. Có người muốn nâng thành nghệ thuật, có người coi là thú chơi giải trí, hay để tranh thủ kiếm thêm dịp đầu xuân…
Nhiều người cho rằng thư pháp chữ Việt “dễ”. Nhưng thực tế không phải thế. Nghệ thuật thư pháp chữ Việt chính là sự giao hòa của văn hóa bản địa với văn hóa Ðông-Tây. Ðể trở thành một người viết thư pháp có trình độ, câu chuyện không chỉ nằm ở con chữ. Chính bởi thư pháp quốc ngữ là kết quả của giao thoa văn hóa, cho nên nhà thư pháp phải là người am hiểu đông-tây, kim-cổ. Từ chỗ có kiến thức, mới chọn những con chữ phù hợp, kiến giải một cách có chiều sâu và rồi thể hiện thành “hình” – tức con chữ. Khi ấy, chữ viết mới được nâng tầm thành nghệ thuật, chữ mới có thể “tải đạo”.
Trong những người viết thư pháp chữ Việt, có một nhân vật hết sức đặc biệt. Ðó là anh Jean Sébastien Grill, quốc tịch Pháp. Anh có tên tiếng Việt là Trường Giang. Trường Giang đã bị chinh phục bởi nét đẹp thư pháp chữ quốc ngữ. Anh có quá trình nghiên cứu, học hỏi nhiều năm ở Việt Nam.
Một trong những người thầy của anh là nhà thư pháp Kiều Quốc Khánh. Tết Quý Mão, anh tham gia Hội chữ Xuân tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám và gian hàng luôn đông khách. Tết Giáp Thìn năm nay, tuy không về Việt Nam, nhưng anh tham gia nhiều sự kiện văn hóa ở Pháp, Bỉ và đem thư pháp chữ Việt đến cả người Việt lẫn bạn bè châu Âu.
Câu chuyện của Jean Sébastien Grill cho thấy sức sống, sức lan tỏa mạnh mẽ của thư pháp chữ quốc ngữ. Và anh không phải trường hợp cá biệt. Nhà thư pháp Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Tôi đã từng dạy cho nhiều bạn bè quốc tế về thư pháp chữ quốc ngữ. Các bạn đều rất thích thú với bộ môn nghệ thuật này, cho dù các khóa học thường diễn ra trong thời gian ngắn. Có những bạn thậm chí còn thích viết thư pháp quốc ngữ những câu thơ trong Truyện Kiều”.
Một nền thư pháp còn non trẻ, nhưng đầy sức sống. Chính bởi thế, người viết thì nhiều, nhưng để có những người có thể tạo ra tác phẩm giá trị, còn cả một quá trình dài. Dẫu vậy, sự nở rộ ấy cũng đem đến nhiều tin vui. Từ “lượng”, sẽ có “chất”, từ đại chúng, sẽ chắt lọc được tinh hoa.
GIANG NAM – Nhandan.vn