Quan hệ ngoại giao mạnh mẽ sẽ là chìa khóa mở ra cơ hội cho doanh nghiệp về bán dẫn tại Việt Nam, giúp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bán dẫn khu vực và toàn cầu. (Nguồn: iStock)
Trang tin này trích dẫn nội dung một cuộc trả lời phỏng vấn Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Huỳnh Thành Đạt, cho biết chương trình quốc gia về sản xuất chip bao gồm các khoản tài trợ cho ngành thông qua quỹ khoa học và nghiên cứu chung giữa nhà nước với các công ty tư nhân như FPT. Các tập đoàn từ Nvidia (Mỹ) đến Samsung (Hàn Quốc) đang tìm cách tăng cường sản xuất chip tại Việt Nam.
Dự kiến, Việt Nam sẽ tiếp nhận hàng triệu USD trong khuôn khổ Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ, đồng thời là nơi đặt nhà máy lắp ráp và thử nghiệm lớn nhất toàn cầu của tập đoàn Intel.
Nikkei Asia cũng trích dẫn lời của ông Jose Fernandez, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, cho rằng Việt Nam đã thu hút hàng chục công ty trong lĩnh vực bán dẫn và nhiều công ty Mỹ khác sẽ đầu tư vào Việt Nam nếu Việt Nam có đủ năng lượng tái tạo để đáp ứng các mục tiêu xanh của các công ty này.
Việt Nam cần đạt được các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các nước đang chiếm vị trí hàng đầu trong lĩnh vực chip. Quốc gia Đông Nam Á dự kiến nới lỏng các chính sách để thu hút chuyên gia nước ngoài, vốn đang gặp khó khăn xin giấy phép lao động trong thời gian gần đây.
Để đạt được mục tiêu đó, các trường đại học đang triển khai các khóa đào tạo về chất bán dẫn với sự hợp tác của các nhà tuyển dụng như Samsung.
Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn vào năm 2030 dựa trên nền tảng giáo dục khoa học và công nghệ vững chắc.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn khi đến thăm Việt Nam mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Fernandez chia sẻ, Việt Nam là ứng viên hàng đầu cho các khoản trợ cấp theo Đạo luật CHIPS của Washington. Số tiền chính xác tính theo USD sẽ được tính toán dựa trên báo cáo đánh giá trong tháng 2 này.
Baoquocte.vn