Điều thứ hai nữa là bầu trời trên đỉnh đèo: trong vắt như thủy tinh, xanh thẳm như đại dương, và mênh mông đến vô hạn. Trong cái vô hạn, khoáng đạt và tự do đó, vẻ đẹp của những đóa hồng dường như “thần thánh” một cách hồn nhiên mà không cần tới một lời cầu nguyện nào, một tín ngưỡng nào, hay một giáo lý nào để chứng tỏ sự thần thánh ấy. “Thần thánh” trong trạng thái không biết mình “thần thánh”.
Có một nghịch lý dần dần trở thành bình thường là đi Đà Lạt bây giờ, những điều thú vị và nên thơ lại không còn ở Đà Lạt nữa, mà chính là cái hành trình đến Đà Lạt. Cứ như Đà Lạt chỉ còn là cái cớ để bắt đầu chuyến đi, còn thì những mộng mơ bay bổng Đà Lạt đánh mất từ lâu rồi. Chợt nhớ những con người ở xứ này đi tìm những giấc mơ âm nhạc nơi đô thị Sài Gòn, để giữ lại được cái hồn của Đà Lạt trong tiếng ca, trong nét nhạc là điều không dễ dàng.
Những bụi hồng trên đèo Đại Ninh với vẻ đẹp thật hoang dã và tự do, làm tôi nhớ tới một vài con người Đà Lạt mà theo tôi, nét tự do phóng khoáng ấy có lẽ vẫn còn nơi họ, dù bao năm tháng rong ruỗi bôn ba nơi phố thị Sài Gòn, ít nhiều có làm cái chất phiêu lãng ấy hao mòn chút đỉnh.
Dũng Đà Lạt, cái tên đầu tiên mà tôi muốn nhắc đến. Một con người phiêu lãng và hồn nhiên theo đúng nghĩa đen của những từ này. Còn nhớ mỗi lần làm việc với anh, phải khởi động bằng cuộc hàn huyên với một ấm trà ô long thật nồng ấm, rồi cứ thế những câu chuyện đời miên man bất tận. Và cuối cùng, khi cảm hứng dâng trào bởi sự đồng cảm giữa hai tâm hồn, buổi thu âm mới bắt đầu…
Tôi xem Dũng như những bụi cây hoang dã và tự do như đang mọc trên đèo Đại Ninh vậy, không ghi nốt, không giới hạn, không gò bó vào bất cứ khuôn phép nào mà để ngón đàn của anh thật bay bổng. Và kết quả của những tháng ngày đó là câu guitar cùng những skill xuất thần. Điển hình là trong bản phối Em hãy ngủ đi (Trịnh Công Sơn), câu guitar của Dũng hệt như những bụi hồng trên đèo Đại Ninh một chiều bất chợt. Nó tự do, khoáng đạt và quyến rũ lạ lùng.
Em hãy ngủ đi (sáng tác: Trịnh Công Sơn, thể hiện Nguyên Thảo ft. Dũng Đà Lạt, hòa âm: Võ Thiện Thanh)
Đặc biệt hơn, đi cùng với tiếng guitar của xứ sương mù này lại cũng là một giọng ca lúc đặc quánh, khi lẩn khuất cũng đến từ xứ sở sương mù Đà Lạt: Nguyên Thảo. Bản phối Em hãy ngủ đi như một khoảnh khắc hiếm có khi hội tụ hai cuộc đời mà khởi nguồn như những bụi hồng trên đèo Đại Ninh, với đầy đủ vẻ đẹp của sự phóng khoáng và tự do.
Nguyên Thảo – ngọn cỏ mọc trên đỉnh đèo. Vì bầu trời quá trong suốt và vô hạn kia làm tan biến mọi mong ước danh vọng, chỉ còn lại một giọng hát “thần thánh” nhưng không bao giờ muốn làm “thánh thần”
Chiều đã dần tắt, khi tôi đổ xuống con đèo thì nắng xuyên qua cánh rừng. Phía dưới xa kia, một hồ nước màu hổ phách tuyệt đẹp hiện ra. Giọng hát “thần thánh” Nguyên Thảo cùng tiếng guitar ma mị của Dũng Đà Lạt như những vệt nắng cắt ngang núi đồi:
“Đồi đứng ngóng và đồi thắp nắng
Em hãy ngủ đi
Mặt đất im mặt trời cúi nhìn
Em hãy ngủ đi”
Nếu mai này tôi có quay lại đỉnh đèo Đại Ninh, thì những bụi hồng hoang dã rực rỡ kia sẽ không còn, cũng như một lần duy nhất tôi bắt gặp cùng lúc hai tâm hồn Đà Lạt hòa quyện trong bản phối Em hãy ngủ đi vậy: vẻ đẹp của sự khoáng đạt và tự do trong một khoảnh khắc mà mãi cho tới bây giờ tôi vẫn còn nuối tiếc, như những đóa hoa hồng chỉ bắt gặp một lần trên đỉnh đèo Đại Ninh.