Trong cuộc họp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng các nước thành viên NATO tại Brussels, Bỉ, ngày 14-2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo tăng ngân sách quốc phòng của khối, chỉ vài ngày sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích các nước NATO không dành đủ 2% GDP cho quốc phòng.
Hiện chỉ có 11/31 nước thành viên NATO đạt chỉ tiêu 2% GDP cho quốc phòng năm 2023. Con số này có thể tăng lên thành 20 nước trong năm 2024. Theo giới quan sát, châu Âu đã quá tự tin rằng ổn định đã được tái lập sau nhiều thập niên hòa bình và ưu tiên phát triển kinh tế, bỏ ngỏ lĩnh vực quốc phòng. Tuy nhiên, những căng thẳng địa chính trị, xung đột thời gian qua đã khiến châu Âu sực tỉnh. Hòa bình không còn được bảo đảm.
Theo giới quan sát, tất cả các nước châu Âu thành viên NATO đều chưa sẵn sàng chống trả một cuộc tấn công dù có mạng lưới phòng thủ chung và liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Nhiều chuyên gia nhận định châu Âu còn phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ về mặt quốc phòng. Lời đe dọa của ông Donald Trump buộc các nước châu Âu hình dung ra một tương lai có thể không còn lá chắn Mỹ.
Thực tế, từ 2 năm gần đây, châu Âu đã chủ trương tăng ngân sách quốc phòng, với chỉ tiêu 2% GDP cho quốc phòng trở thành mức sàn, chứ không còn là mức trần. Bất ổn toàn cầu cùng với sự không chắc chắn giữa đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ sẽ cầm quyền ở Mỹ buộc châu Âu cân nhắc để tránh quá bị phụ thuộc vào Washington. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhắc đến “nền kinh tế chiến tranh”. Thụy Điển tái khởi động nghĩa vụ quân sự. Ba Lan đầu tư 3,9% GDP cho quốc phòng. Trong cuộc họp “tam giác Weimar” giữa Pháp, Đức và Ba Lan, các nước này đều kêu gọi tăng cường phòng thủ châu Âu…
Tướng Dominique Trinquand, cựu lãnh đạo Phái bộ quân sự Pháp tại Liên hợp quốc và NATO, lưu ý dù tham vọng tự chủ chiến lược châu Âu vẫn chưa thành, đa số các nước Đông và Nam Âu vẫn dựa vào sự bảo vệ của Washington thông qua việc mua trang thiết bị quân sự, châu Âu vẫn cần phải tái vũ trang, cơ cấu lại để tự chủ quốc phòng. Dĩ nhiên, điều này phải diễn ra trong khuôn khổ tổ chức NATO.
MINH CHÂU