Nhiều người nói thụt rửa đại tràng bằng cà phê hoặc nước có thể giúp thải các chất độc tích tụ do ăn uống quá đà đợt Tết, điều này đúng hay sai? (Hùng, 34 tuổi, TP HCM).
Trả lời:
Cơ thể con người đã có cơ chế thải độc qua bài tiết mồ hôi, đi vệ sinh, hít thở, vệ sinh thân thể, vận động. Còn thụt rửa ruột già thực ra là một thủ thuật y khoa, phải được thực hiện tại bệnh viện, do bác sĩ trực tiếp tiến hành.
Thụt rửa đại tràng tại nhà thực chất là đưa nước lên một đoạn đại tràng và không thể làm sạch toàn bộ ruột như quảng cáo. Đây là phương pháp phản khoa học, không thanh lọc cơ thể như lời đồn. Hành động này còn khiến khoáng chất, vi khuẩn tốt và xấu bị xổ ra ngoài, mất cân bằng điện giải. Thụt rửa từ hậu môn dẫn đến nhiều tai biến như tổn thương niêm mạc, trầy xước, thủng rách vỡ đại trực tràng, nhiễm vi khuẩn…
Một số phương pháp thải độc khác như dùng miếng dán, nước uống giải độc… cũng không có tác dụng. Hay xông hơi quá nhiều khiến cơ thể mất nước, mệt mỏi, thậm chí ảnh hưởng chức năng chuyển hóa và đào thải của nhiều cơ quan.
Để đường ruột khỏe mạnh, người dân cần uống trên hai lít nước mỗi ngày, ăn đầy đủ chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và cá, hoa quả. Giảm ăn đường, ăn đủ chất béo lành mạnh có trong bơ, hạnh nhân, đậu phộng, hạt macadamia, quả phỉ, cá béo, dầu ô liu và dầu dừa…
Hạn chế thịt đỏ, đồ chiên rán, dầu mỡ… Không hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích. Nên kiêng uống rượu bia sau Tết và hạn chế ăn thức ăn thừa như bánh chưng, nem rán, canh măng.
Sau Tết, bạn nên duy trì tập thể dục để bài tiết mồ hôi, duy trì lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc để cơ thể khỏe mạnh.
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương
Khoa Tiêu hóa – Gan mật, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP HCM)