Những người yêu thích Hồ Xuân Hương hẳn sẽ có những hình dung nhất định về làng quê luôn thường trực trong những câu thơ của bà. Tuy nhiên, lần đầu về thăm nơi chôn nhau cắt rốn của nữ thi sĩ được UNESCO vinh danh, tôi vô cùng ngạc nhiên về truyền thống và bề dày văn hoá của ngôi làng “địa linh nhân kiệt” với lịch sử hơn 600 năm.
Tượng nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương ở Quỳnh Đôi. (Ảnh: Hà Anh) |
Quỳnh Đôi (thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) khi xưa vốn là vùng đất ngập mặn cây hoang, cỏ dại giáp sông Mơ.
Theo lịch sử ngôi làng ghi lại từ năm 1378, ông Hồ Kha giao cho con trai trưởng là Hồ Hồng cùng với ông Nguyễn Thạc và ông Hoàng Khánh cùng nhau đến đây khai cơ, lập ấp đặt tên là “Thổ Đôi Trang”, tới năm 1528 đổi tên thành làng Quỳnh Đôi.
Ngôi làng hiếm có
Nói về sự hiếu học của ngôi làng này, từ xa xưa trong dân gian đã truyền tụng Bắc Hà: Hành Thiện, Hoan Diễn: Quỳnh Đôi để so sánh với làng Hành Thiện ở Nam Định.
Ước tính từ năm 1444 cho đến năm 1918, khi bãi bỏ khoa thi bằng chữ Hán, làng Quỳnh có 734 người đậu Tú tài và Cử nhân, 4 Phó bảng, 7 Tiến sĩ, 2 Hoàng Giáp, 1 Thám hoa.
Tiêu biểu là ông Hồ Sỹ Dương đậu giải nguyên Đông các; nữ sĩ Hồ Xuân Hương – bà chúa thơ nôm thế kỷ thứ XVIII; chí sĩ Phạm Đình Toái – một Đại Nam quốc sử diễn ca được coi là một thiên anh hùng ca của dân tộc; nhà thơ Hoàng Trung Thông – Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, Phó Giáo sư Văn Như Cương; ba anh em Phan Cự Nhân, Phan Cự Đệ và Phan Cự Tiến…
Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ của địa phương thì toàn xã có trên 1.000 người tốt nghiệp Đại học trở lên, có trên 300 người đang theo học và giảng dạy trên 28 trường đại học khắp cả nước, trong đó có 52 Thạc sĩ, 55 Tiến sĩ, có 16 Phó Giáo sư, 5 Giáo sư, 3 Viện sĩ khoa học quốc tế, hàng trăm người đang hoạt động trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, báo chí, văn nghệ sĩ…
Trong đấu tranh chống ngoại xâm, người Quỳnh Đôi có quyền tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng, vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tăng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Làng có những anh hùng tiêu biểu như Hồ Tùng Mậu – trợ thủ đắc lực của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc thành lập các tổ chức tiền sinh của Đảng, là một trong bảy người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2/1930; cán bộ lão thành cách mạng tiêu biểu của Đảng, được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao vàng, Anh hùng liệt sĩ Cù Chính Lan.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu – Phó Chủ tịch Hội Đồng Họ Hồ Việt Nam, một người con của Quỳnh Đôi, tự hào cho biết thêm, trong lực lượng vũ trang toàn xã có sáu Thiếu tướng, 64 Đại tá và rất nhiều cán bộ, sĩ quan đang phục vụ trong quân đôi, công an.
Bên cạnh đó, ngôi làng cũng được công nhận là “Làng Văn hoá” đầu tiên của tỉnh Nghệ An vào năm 1998 với tám Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia (Đình Quỳnh Đôi, Nhà thờ họ Hồ, Nhà thờ họ Nguyễn Triệu Cơ, Đền thờ Hoàng Khánh, Nhà thờ và mộ Hồ Tùng Mậu, Mộ và đền thờ Hồ Sỹ Dương, Đền Thần; Mộ và Nhà thờ Hồ Phi Tích) và một Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh (Nhà thờ họ Dương).
Từ sự tích “con cá gỗ”
Xưa kia làng Quỳnh Đôi có hai nghề chính: nghề học và làm thầy đồ đi khắp các địa phương khác để dạy học; nghề dệt, nghề nuôi các sĩ tử đi học và đi thi. Để đạt được những thành tựu khoa bảng như vậy, người làng Quỳnh đã phải vượt qua bao gian khó và luôn tự hào với sự tích về con cá gỗ.
Sự tích ấy kể rằng một sĩ tử người Nghệ trên đường đi thi ghé vào một quán ăn bên đường. Ông chỉ gọi một bát cơm, không hề có chút thức ăn nào, rồi giở trong tay nải ra một con cá gỗ được tẩm màu vàng rộm, rồi nói với chủ quán cho một ít nước mắm để ăn với con cá rán đem theo. Thế là, để ăn cho hết bát cơm, ông cứ chấm con cá gỗ vào nước mắm rồi ăn một cách ngon lành như thật.
Ngày nay, những vị cao niên trong làng Quỳnh Đôi luôn coi “con cá gỗ” là hình ảnh đáng yêu trong gian khó thể hiện tinh thần khổ luyện thành tài của cả cộng đồng. Họ nhắn nhủ cho con cháu tiếp nối việc học tập và làm việc, truyền thống của làng, luôn vượt qua gian khó bất kể ở hoàn cảnh nào.
Để phát huy truyền thống hiếu học và những giá trị văn hóa, người dân Quỳnh Đôi cũng nuôi hy vọng xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa trong làng và kết nối với các điểm đến khác trong huyện Quỳnh Lưu và tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, để phát huy giá trị văn hóa xây dựng thành sản phẩm du lịch thực sự là thách thức đối với địa phương, đặc biệt là cách làm sản phẩm du lịch văn hóa.
Năm 2023, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đến khảo sát, hướng dẫn, hỗ trợ và chỉ định Công ty Du lịch bền vững Việt Nam trực tiếp cùng xã từng bước nghiên cứu, đánh giá tài nguyên, bàn bạc và thống nhất các ý tưởng cùng các bước triển khai.
Quỳnh Đôi đã huy động tất cả lãnh đạo, cán bộ, viên chức, nhân dân vào cuộc, đã thành lập Ban phát triển du lịch trực tiếp là Bí thư xã làm Trưởng ban, Chủ tịch xã làm Trưởng ban điều hành.
Với sự ủng hộ của người dân, đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu, những nét du lịch Quỳnh Đôi dần dần được hình thành và địa phương đã ra mắt tour du lịch đầu tiên với chủ đề “Làng Cá gỗ”, thu hút hàng nghìn du khách đến trải nghiệm.
Biển chỉ dẫn du khách với hình ảnh cá gỗ. (Ảnh: Hà Anh) |
… tìm lại ánh hào quang
Tới cổng làng Quỳnh Đôi hôm nay, du khách bắt gặp hình ảnh “Cá chép vượt vũ môn” thể hiện được tinh thần của người dân chịu thương chịu khó, vượt khó thành tài.
Không chỉ vậy, cổng làng còn là nơi mà người dân Quỳnh Đôi nhớ mãi cảnh cụ Nguyễn Sinh Sắc, cụ cả Khiêm và Bác Hồ đến thăm và rời làng từ hơn 100 năm trước.
Bước qua cổng làng, chúng ta có thể khám phá ngay cụm di tích thờ Quỳnh Quận Công Hồ Phi Tích, Bia tưởng niệm Hồ Xuân Hương, nơi thờ nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu và bia tưởng niệm anh hùng lực lượng vũ trang Cù Chính Lan, đền Thần – nơi thờ Thành hoàng làng và những người khai thôn lập ấp, nhà cụ Cử Tư – nơi gắn liền với thời niên thiếu của Bác Hồ và một gia đình mà bốn thế hệ được gặp Bác.
Những trải nghiệm thú vị khác là tham quan lớp học đầu tiên tại làng Quỳnh Đôi, lắng nghe câu chuyện người khai ấp lập làng đưa thầy về dạy cho con cháu, thăm cụm di tích Hồ-Nguyễn-Hoàng – ba dòng họ đã chọn mảnh đất này từ hơn 600 năm trước.
Mặt khác, những giai thoại về “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương ở Giếng Bà Cả cũng để lại nhiều sự tò mò, thích thú cho du khách.
Ông Hồ Đình Trụ sinh năm 1947, Phó Chủ tịch họ Hồ Đại tộc Quỳnh Đôi, cho biết vào thế kỷ XVII, bà Hồ Xuân Hương lúc ấy là thiếu nữ trong một lần về quê nội chơi rồi đi gánh nước giúp bố mẹ bằng hai nồi đình (nồi nung bằng đất).
Ông kể lại: “Do hôm ấy trời mưa, đường trơn trượt nên bà không may té ngã vỡ mất nồi rồi bị các thanh niên, học trò làng cười nói. Sau đó, bà ứng khẩu và đọc bài thơ có tựa đề “Vũ hậu” (nghĩa là “sau mưa”): Vén bức màn mây thấy mặt trời/Xanh xanh từng đám, trắng từng nơi/Núi non cũng muốn nhô đầu dậy/Cây cỏ trăm hoa mỉm miệng cười.
Đọc những câu thơ hóm hỉnh, sâu sắc của nữ thi sĩ, chị Cù Thị Nhàn – một hướng dẫn viên người địa phương, cũng chia sẻ với du khách: “Giếng Bà Cả không chỉ để lấy nước ăn, mà còn quan niệm là giếng phong thủy bởi giếng nằm ở tâm của Đền Thần; nhà Thánh và nhà Hiền từ (chỉ còn nền móng và vị trí). Hiện nay, các bậc con cháu đang có kế hoạch để phục dựng”.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Nguyễn Văn Thưởng, ra mắt tour du lịch là khởi đầu cho một hành trình dài phía trước còn đầy khó khăn để phấn đấu trở thành điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Nghệ An.
Ông Thưởng cho biết, để chương trình du lịch đứng vững, phát triển trong tương lai cần sự nỗ lực hơn nữa của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, sự đồng hành đầy trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và sự hỗ trợ của các cấp, các ngành.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình lại tin rằng, làng Quỳnh Đôi là địa chỉ du lịch văn hóa – lịch sử hấp dẫn bởi tại mảnh đất này có rất nhiều tiềm năng phát triển với những di sản giàu giá trị và con người hiếu học, trọng tình, mến khách.